Trong khuôn khổ hợp tác giữa Trường Đại học Cần Thơ (Khoa Phát triển Nông thôn) và Đại học Tokyo (Nhật Bản), đoàn giáo sư và sinh viên Đại học Tokyo sẽ có chuyến công tác tại tỉnh Hậu Giang vào ngày 18/02/2025 - 19/02/2025. Chuyến đi nhằm tìm hiểu về các mô hình sản xuất nông nghiệp tiêu biểu tại địa phương, đặc biệt là mô hình sản xuất tại Đồng Bằng sông Cửu Long và các hợp tác xã trồng cây ăn trái đặc trưng của tỉnh Hậu Giang như Khóm, Mãng cầu Xiêm.
Hình ảnh toàn đoàn Giáo sư và sinh viên Đại học Tokyo.
Với mong muốn học hỏi và trao đổi kinh nghiệm về sản xuất nông nghiệp, chuyến học tập của đoàn tập trung vào các nội dung sau:
Nghiên cứu mô hình sản xuất nông nghiệp tại ĐBSCL, tìm hiểu những ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển nông nghiệp bền vững.
Khám phá các mô hình hợp tác xã sản xuất cây ăn trái tại Hậu Giang, đánh giá tiềm năng và cơ hội hợp tác giữa Việt Nam - Nhật Bản trong lĩnh vực nông nghiệp.
Giao lưu học thuật giữa giảng viên, sinh viên Đại học Tokyo với giảng viên và sinh viên Khoa Phát triển Nông thôn nhằm mở ra cơ hội hợp tác trong nghiên cứu và thực tập quốc tế.
Trường Đại học Tokyo với sự dẫn dắt bởi 2 Giáo sư cùng 16 sinh viên tham gia chuyến học tập được tiếp đón nồng hậu bởi PGS.TS Nguyễn Duy Cần - Nguyên Trưởng Khoa Phát triển Nông thôn, Giảng viên cao cấp và TS. Nguyễn Thiết - Phó Trưởng Khoa phụ trách tổ chức cùng với các Cán bộ phụ trách và thành viên CLB Hội nhập Quốc tế.
Trong ngày đầu tiên của chuyến công tác (18/02/2025), đoàn sinh viên trường Đại học Tokyo đã có buổi lắng nghe báo cáo chuyên đề về sản xuất nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Đây là dịp để các sinh viên tìm hiểu về những ứng dụng khoa học – công nghệ trong phát triển nông nghiệp bền vững tại khu vực. Sau buổi báo cáo, đoàn sinh viên trường Đại học Tokyo cùng sinh viên Khoa Phát triển Nông thôn, Trường Đại học Cần Thơ đã có buổi tham quan, giao lưu và trao đổi về văn hóa địa phương, tạo cơ hội kết nối và học hỏi lẫn nhau.
PGS.TS Nguyễn Duy Cần – Bài báo cáo chuyên đề về sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL.
Đoàn Đại học Tokyo lắng nghe sự chia sẻ đến từ PGS.TS Nguyễn Duy Cần.
Tiếp tục hành trình, vào ngày 19/02/2025, đoàn đã có chuyến tham quan thực tế tại Hợp tác xã (HTX) Khóm Cầu Đúc (xã Hỏa Tiến, TP. Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang), nơi nổi tiếng với mô hình trồng và chế biến sản phẩm từ cây khóm – một trong những nông sản đặc trưng của tỉnh. Tại đây, đoàn được tìm hiểu về quy trình canh tác, thu hoạch, cũng như các phương pháp bảo quản và tiêu thụ sản phẩm khóm.
Toàn đoàn tham quan và trải nghiệm thực tế tại Hợp tác xã Khóm Cầu Đúc.
Buổi chiều cùng ngày, đoàn tiếp tục chuyến tham quan tại HTX Mãng cầu Xiêm Hòa Mỹ (huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang). Tại đây, đoàn tìm hiểu về quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch và tiêu thụ mãng cầu Xiêm, một loại cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao cho nông dân địa phương.
Toàn đoàn tham quan và trải nghiệm thực tế tại Hợp tác xã Mãng cầu Xiêm Hòa Mỹ.
Chuyến công tác không chỉ mang đến những kiến thức thực tế về mô hình sản xuất nông nghiệp tại Hậu Giang mà còn là cơ hội để sinh viên hai trường giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm học tập và nghiên cứu, mở ra những hướng hợp tác tiềm năng trong tương lai.
Hậu Giang là một trong những địa phương có nền nông nghiệp phát triển mạnh với các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả. Việc hợp tác và trao đổi kinh nghiệm với các trường đại học quốc tế như Đại học Tokyo sẽ góp phần thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, đồng thời mở ra cơ hội hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp bền vững.
Chuyến công tác này không chỉ giúp đoàn giáo sư và sinh viên Đại học Tokyo hiểu hơn về nền nông nghiệp Việt Nam, mà còn là cơ hội để sinh viên và giảng viên Khoa Phát triển Nông thôn học hỏi, nâng cao kiến thức và kỹ năng nghiên cứu khoa học góp phần phát triển nông nghiệp tỉnh Hậu Giang và thúc đẩy sự phát biển bền vững của ĐBSCL.
Hình ảnh toàn đoàn trong chuyến tham quan thực tế trường Đại học Cần Thơ – Trường Đại học Tokyo.
Tin bài: Ngọc Hảo, Nhu Mỳ.
Hình ảnh : Duy Linh.
Ban Truyền thông và CLB Hội nhập Quốc tế Khoa Phát triển Nông thôn.