“Thề vì dân suốt đời, thề tranh đấu không ngừng
Vì đất nước thân yêu mà hy sinh
Thề diệt hết đế quốc kia giành tự do hòa bình
Đoàn Vệ quốc quên mình vì nhân dân”
Trải qua biết bao thăng trầm lịch sử, mỗi ngọn núi dòng sông, mỗi đường phố xóm làng, mỗi Dân tộc trên mảnh đất chữ S đã sinh ra một quân đội anh hùng, “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”. Đội quân ấy được gọi với cái tên thân thương là “bộ đội cụ Hồ”, được thế giới biết đến với tên gọi Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn đã từng khẳng định: “Thành quả vĩ đại nhất của quá trình cách mạng… là nhân dân ta đã giành được độc lập hoàn toàn và thống nhất toàn vẹn Tổ quốc, cả nước ta đi lên chủ nghĩa xã hội và có một quân đội nhân dân vô địch… Trong lịch sử dựng và giữ nước, chưa bao giờ nhân dân ta có một quân đội mạnh như ngày nay. Đây là một nhân tố cơ bản để đảm bảo Tổ quốc ta đời đời bền vững, nhân dân ta vĩnh viễn sống trong độc lập – tự do”.
Bước ra từ trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam, và cũng là chủ thể viết nên những trang sử ấy, lực lượng Quân đội nhân dân đã khắc ghi tên mình trong bảng vàng chiến công của dân tộc ngay từ những năm tháng đất nước còn trong khói lửa chiến tranh, nhân dân còn khổ cực, lầm than dưới ách đô hộ của bè lũ cướp nước và bán nước. Chính các anh đã trở thành hiện thực đẹp nhất, sinh động nhất của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.
Hôm nay, trang sử mới của dân tộc đã được mở ra, tiếp bước các anh, “Đừng hỏi tổ quốc đã làm gì cho ta mà tự hỏi ta đã làm gì cho tổ quốc hôm nay?”, Là lực lượng tri thức trẻ, năng động, sáng tạo, là trụ cột của nước nhà, thanh niên, sinh viên có vai trò to lớn đối với sự phát triển của đất nước.
Thế nhưng hiện nay, nhiều người không nhận thức được điều đó. Và thực tế chúng dễ dàng nhận thấy, vì thiếu chín chắn, bồng bột trong suy nghĩ và hành động, đặc biệt trong tiếp thu, học hỏi cái mới nên dễ dàng tiếp nhận thiếu chọn lọc văn hóa không phù hợp với chuẩn mực xã hội, với truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Đi ra đường thấy lũ càn quét, côn đồ ít ai dám ngăn cản, thấy bạn bị đánh đập thì đứng ngoài cỗ vũ, quay phim,… Lối sống thực dụng, ích kỉ, thờ ơ, vô cảm, vô trách nhiệm, thiếu nhiệt tình, thiếu niềm tin đang là một căn bệnh của thế giới hiện đại. Nguy hiểm hơn, là một số sinh viên mới ra trường, chưa có việc làm dễ bị lôi kéo, lợi dụng tham gia các tổ chức phản động, tuyên truyền chống phá Nhà nước. Một số do yếu kém về nhận thức chính trị hoặc lập trường tư tưởng không vững vàng nên dễ bị các thế lực thù địch lợi dụng kích động, mua chuộc, dụ dỗ tham gia biểu tình, gây rối trật tự công cộng. Bề ngoài các cuộc biểu tình có hình thức ủng hộ những vấn đề chính trị của Đất nước như vấn đề biển Đông, vấn đề Dân tộc, tôn giáo,… nhưng thực chất các thế lực thù địch lợi dụng để kích động gây rối trật tự, chống phá chính quyền.
Thời gian qua, sự biến đổi khôn lường của tình hình thế giới, khu vực và trên biển Đông khiến nhiệm vụ phòng thủ, bảo vệ đất nước, nhất là an ninh trên biển trở thành nhiệm vụ nhiều khó khăn, thách thức. Để hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, điều tiên quyết đặt ra là phải không ngừng củng cố, tăng cường sức mạnh quốc gia, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trên biển. Trong đó, xây dựng thế trận lòng dân, đảm bảo bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc là vấn đề chiến lược, mang tính cấp bách, then chốt.
Trong vấn đề tranh chấp biển Đông của Trung Quốc chúng ta đã bình tĩnh, sáng suốt và dũng cảm xử lý các tình huống xảy ra, kể cả hành động ngang ngược, dùng các tàu lớn đâm thẳng vào các tàu cá, các tàu Kiểm ngư, Cảnh sát biển Việt Nam; khôn khéo, sáng tạo, mau lẹ áp sát giàn khoan Hải Dương – 981 để tuyên truyền pháp lý, đạo lý, giúp Trung Quốc nhận ra sai lầm của họ, rút giàn khoan khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, không làm phức tạp thêm tình hình trên Biển Đông. Một dân tộc “nhỏ bé” có thể đánh đuổi hai “cường quốc” là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ đất nước. Làm được điều đó, có biết bao người con của dân tộc đã ngã xuống, bao người phải hi sinh xương máu để có một đất nước Việt Nam tươi đẹp như ngày nay và đều đó đã minh chứng một chân lí Việt Nam là nước hùng cường, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân Việt Nam là một thể thống nhất ,đoàn kết, kiên trung, cứng rắn về nguyên tắc và mềm dẻo về sách lược, ghét chiến tranh, yêu hòa bình”.
Bạn và tôi, những chủ nhân tương lai của đất nước thế kỷ XXI, hãy sống tốt, thực hiện nhiệm vụ của mình. Tuổi trẻ VN, dám nghĩ dám làm, Không ngại việc khó, khi Tổ quốc lên tiếng , chúng ta sẵn sàng!
Chúng tôi vẫn mãi gọi tên các anh: anh “Bộ đội cụ Hồ”!
Ngày Thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, Đoàn viên – thanh niên cả nước nói chung, đoàn viên – thanh niên trường ĐHCT nói riêng đã và đang tích cực lập thành tích thiết thực để chào mừng kỷ niệm 71 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2015) và 26 năm ngày hội quốc phòng toàn dân (22/12/1989 – 22/12/2015). Đặc biệt, trong công tác đào tạo, giáo dục sinh viên trường ĐHCT đã có những đổi mới trong công tác giáo dục quốc phòng an ninh cho sinh viên của Trường, giáo dục lòng yêu nước và tăng cường ý thức trách nhiệm của các bạn sinh viên trong bảo vệ Tổ quốc, giáo dục truyền thống bộ đội Cụ Hồ,… Trong đó các hoạt động truyền thống giao lưu, kết nghĩa giữa Nhà trường với các đơn vị quân đội, hải quân, đã giúp các bạn sinh viên hiểu được đời sống, chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ; qua đó giáo dục tinh thần yêu nước, ý thức tự lực tự cường và truyền thống cách mạng của dân tộc, nâng cao ý thức và tinh thần trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Chúng tôi, những Đoàn viên – thanh niên xin bày tỏ tấm lòng biết ơn vô hạn đối với những người con ưu tú đã hy sinh vì độc lập, tự do, thống nhất đất nước và cống hiến cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc Việt Nam. Với tinh thần đó Đoàn viên – thanh niên trường ĐHCT đã viết lên những suy nghĩ và cảm xúc của mình nhân ngày lịch sử trọng đại này.
- Trương Thị Thùy Dương(Khoa Công Nghệ – K41):Trung tâm GDQP – AN trường ĐHCT – môi trường quân đội, sự trưởng thành của nhân cách sống.
“ Vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hi sinh, anh em ta vì nhân dân ta quên mình…” lời bài hát hùng hồn, da diết như chính lời hứa đanh thép của những người chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam. Những con người cả một đời hi sinh vì nước, cả tuổi xuân chiến đấu quên mình. Những tâm hồn tươi đẹp luôn thầm lặng vì nhân dân cống hiến. Bên cạnh những “tượng đài” sừng sững, trực tiếp đứng nơi sa trường vẫn còn những bộ phận chiến sĩ gián tiếp đứng sau bức màn mang tên chiến tranh ngày đêm góp công xây dựng đất nước. Đó là người bác sĩ quân y, những “anh nuôi” người thơm khói bếp… và kể cả những giáo viên quốc phòng an ninh nhận nhiệm vụ giáo dục lớp trẻ hôm nay và mai sau.
Là một tân sinh viên thuộc trường đại học Cần Thơ đang theo học môn GDQP tại trung tâm GDQP – An ninh (khu Hòa An– ĐHCT ). Tôi hết sức may mắn và tự hào khi được đón chào ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam ngay tại nơi này.
Hòa An là một khu biệt lập của trường ĐHCT so với những cơ sở khác. Nằm cách xa trục giao thông đường bộ khoảng hơn 1km tạo cho nơi đây một sự yên tĩnh, thoáng mát riêng đồng thời có diện tích rộng lớn hết sức phù hợp cho việc giảng dạy và học tập bộ môn này. Hòa An tạo cho những học viên cũng như phụ huynh lần đầu tiên đến đây một cảm giác thoải mái,dễ chịu như chính cảm giác mà những vùng quê miền tây nam bộ mang lại cho chúng ta.
Trên cơ bản, phần lớn những sinh viên đến đây học tập đều đã quen với lối sống tự lập, tự do của cuộc sống thành phố bộn bề, tấp nập, chính nơi này là nơi rèn luyện nên ý thức cá nhân và cộng đồng cho mỗi con người, nếu đã một lần may mắn được đặt chân tới. Với lối sống và những kỉ cương của quân đội ở đây, mỗi một học viên của trung tâm đều phải nhất mực chấp hành và nhận hình phạt tương ứng nếu bản thân có lỗi.
Mỗi ngày học viên phải thức dậy lúc 5h30 sáng để thực hiện bài tập thể dục, rèn luyện thân thể, đánh thức mọi giác quan để bắt đầu một ngày mới tỉnh táo và đạt được kết quả tốt nhất. Mọi hoạt động nằm trong biên chế của trung tâm đều có khung giờ qui định hết sức rõ ràng và nghiêm ngặt. Học viên không phân biệt nam , nữ, đều có những bài học và bài tập như nhau nhằm nâng cao tình thần công bằng, dân chủ. Bên cạnh đó những bài học tập thể nâng cao thêm tinh thần đoàn kết của cả một “đại đội” lớn mà trong điều kiện bình thường ít khi có thể thực hiện được.
Nếu giáo viên cấp một là những người ân cần nhất thì chính tại nơi này , giáo viên chính là những “người cha” nghiêm khắc nhất trong cuộc đời học sinh. Mỗi một lần vi phạm nội qui, mỗi khi sắp xếp sai nội vụ hay tất cả những điều tưởng chừng như nhỏ nhặt nhất, học viên đều có thể bị răn đe hay bị phạt, từ nhẹ tới nặng, rõ ràng và nghiêm khắc.
Thế nhưng từ chính những lần la rầy đó, từ những những lần bị phạt, bị răn, mỗi học sinh như chúng tôi lại lớn thêm một chút, trưởng thành và vững vàng hơn, Chúng tôi không còn thức đến khuya để nhắn tin hay “check-in” với bạn, cũng không còn ngủ “nướng” đến trưa sau một ngày chơi bời mệt mỏi. Chúng tôi sống lành mạnh hơn, tập thể dục mỗi ngày và quây quần bên nhau thay vì ở nhà,cầm điện thoại và gửi cho nhau những hình ảnh đi chơi vô nghĩa. Chúng tôi thấy yêu cuộc sống bên ngoài hơn, yêu mọi thứ bình thường, gần gũi mà dung dị nhất.
Hơn một nửa thời gian của chúng tôi tại nơi này đã trôi qua, hơn một nửa buồn, vui, xa lạ cũng đã trôi qua mất. Đến một ngày, chúng tôi lại sẽ phải xách ba lô lên, tạm biệt nhau và rời khỏi nơi này. Có lẽ, tôi sẽ nhớ lắm những lần tập bắn lăn, lê, bò, lết, nhớ những ngày trên giảng đường đôi khi xém ngủ gật. Tôi sẽ nhớ thao trường đầy nắng với hai bên đường đi là những luống rau cải thiện bữa ăn, nhớ con đường vòng cả đại đội đi lạc khi lần đầu tiên, lóng ngóng bước vào thao trường ấy.
Tôi sẽ nhớ, à mà không, tất cả chúng tôi sẽ nhớ người thầy mà ai cũng bảo vừa khó vừa dữ, người mà mỗi lần xuất hiện tôi đều không dám thở mạnh lên một chút. Thầy tôi – “ bố” của chúng tôi – chẳng bao giờ cười, mỗi lần ai làm sai sẽ lại hăm he đem “trảm” nhưng lại là người cùng chúng tôi thức sớm tập thể dục mỗi ngày, thức khuya kiểm tra phòng của cả đại đội. Là người luôn “khó một cách xuất sắc” những chuyện sẽ là bài học dạy chúng tôi nên người và luôn quan tâm ân cần phía sau những lời răn nặng nề nhất.
Tôi sẽ vô cùng nhớ nơi này, nhớ nắng Hòa An và cũng sẽ nhớ kĩ những gì các thầy đã dạy : “ rèn luyện thân thể – xây dựng quân đội – rèn luyện thân thể – bảo vệ Tổ quốc “, nhớ nơi đã giúp tôi thêm trưởng thành,thêm vững chãi bước trên con đường mình đã chọn, con đường xây dừng đất nước, xây dựng quê hương Việt Nam tôi.
- Huỳnh Thanh Sang(Liên chi hội sinh viên Sóc Trăng):Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn trong trái tim tôi.
Trong không khí tưng bừng của cả nước chào mừng kỉ niệm ngày thành lập Quân Đội Nhân Dân Việt Nam 22/12/1944 – 22/12/2015 , nhưng có lẽ trong lòng của mỗi chúng ta vẫn còn vương vấn và luyến tiếc một điều gì đó?. Đã hơn hai năm trôi qua với ba lần kỉ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam đã vắng mặt vĩnh viễn người anh cả của Quân Đội Nhân Dân Việt Nam, một vị tướng tài ba của dân tộc, nói đến đây có lẽ mọi người ai cũng nhớ đến Đại Tướng Võ Nguyên Giáp .
Một Người đã cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, Người học trò ưu tú của Chủ Tịch Hồ Chí Minh, và cũng chính là người anh cả đã thành lập và cùng gắn bó sâu sắc nhất với Quân đội nhân dân Việt Nam ngay từ khi mới thành lập. Bằng trí thông minh của mình Đại Tướng đã khéo léo dẫn dắt và chỉ huy Quân đội một cách tài ba ngay từ buổi đầu thành lập đã tạo ra được những chiến công vang dội. Nói đến chiến công vang dội của Đại Tướng có lẽ không thể nào nhớ hết được nhưng với chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 thì đây là một chiến công vang dội nhất của người không chỉ để lại ấn tượng trong dân tộc Việt Nam mà còn vang dội đến các nước trên thế giới vì đó là một chiến công hào hùng đã đặt dấu chấm hết cho quyền lực của nước Pháp tại Đông Dương sau 83 năm và đã đưa ông đi vào lịch sử thế giới.
Bản thân tôi là một sinh viên tôi rất ngưỡng mộ và kính trọng Người một vị Tướng tài ba của dân tộc, tư cách sống giãn dị, đơn sơ, trong đời thường và những mưu trí, những kinh nghiệm trong chiến trường cũng như cách lãnh đạo. Nhưng chỉ đáng tiếc một điều là là tôi sinh ra quá trễ không được cùng thời với Người để có thể học tập ở người nhiều hơn. Tôi tự hứa với bản thân mình sẽ luôn luôn noi theo tấm gương Người, cố gắng phấn đấu học tập, cũng như là trong cuộc sống sẽ cố gằng học tập trao dồi kiến thức cho kĩ năng để xứng đáng trở thành bậc hậu bối nối tiếp những trang sử hào hùng của các thế hệ cha ông đi trước để không phụ lòng mong mỏi của gia đình. Người anh cả của Quân Đội Nhân Dân Việt Nam luôn trong trái tim tôi.
- Đào Thụy Minh Thùy(Khoa Luật – Khóa 39):Cảm xúc trước chứng tích chiến tranh.
Việt Nam, một đất nước với bề dày truyền thống văn hóa, trải qua hàng ngàn năm lịch sử với nhiều thăng trầm và không ít sự kiện lịch sử của Việt Nam được cả thế giới biết đến. Chính vì vậy, xây dựng bảo tàng là công việc cực kỳ quan trọng nhằm lưu giữ những tài liệu, hiện vật gắn liền lịch sử hình thành phát triển của dân tộc cho các thế hệ sau học tập nghiên cứu. Bảo tàng được xem là niềm tự hào vì nó lưu giữ, trưng bày lịch sử, văn hóa, thành tựu của quốc gia, dân tộc.
Là sinh viên Đại học Cần Thơ em và các bạn cùng lớp rất vinh dự được viếng thăm bảo tàng Thành phố Cần Thơ. Khi đến đây được chứng kiến các chứng tích lịch sử tại bảo tàng như: hình ảnh máy chém được quân đội Mỹ dùng để đàn áp người dân Nam bộ khiến biết bao nhiêu người vô tội phải hi sinh hay hình ảnh bọn chúng vì thách nhau một điếu thuốc mà ra tay giết một người phụ nữ đã khiến em rất căm hờn, bọn chúng xem mạng người không bằng điếu thuốc dùng để thách nhau. Tuy nhiên, không vì thế mà người dân Nam bộ quê em nản lòng chấp nhận số phận bị đàn áp, không có vũ khí hiện đại tối tân, không có súng đạn, xe pháo và máy bay hiện đại nhưng người dân quê em rất sáng tạo bằng việc đánh kẻ thù bằng tổ ong hay bằng tầm vong vạt nhọn,… Hơn hết là tinh thần yêu quê hương đất nước của cha ông cùng với những thứ rất đơn sơ thế thôi mà có thể đánh thắng kẻ thù hùng mạnh. Chứng kiến các chứng tích lịch sử và thông qua lời thuyết minh của các anh chị tại bảo tàng khiến em dạt dào cảm xúc tự hào vì sự sáng tạo và tinh thần quyết tâm đánh bại kẻ thù.
Qua chuyến đi em cảm thấy tự vào và yêu thêm mảnh đất Tây Đô. Không còn những tiết học lý thuyết nhàm chán trên lớp thay vào đó việc viếng thăm Bảo tàng giúp em cảm thấy dễ dàng hơn trong việc tiếp thu kiến thức và thêm tự hào về truyền thống văn hóa dân tộc mình. Và em cũng tự nhủ rằng sẽ cố gắng học tập thật tốt để góp phần giúp quê hương phát triển và giàu mạnh.
- Trần Nhựt Quyên (Khoa CNTT & TT – Khóa 40):Sáng danh người nữ anh hùng Võ Thị Sáu
Dân tộc Việt Nam, dân tộc đã oằn mình gánh lấy vô vàn mất mác của chiến tranh. Để giành lấy sự sống còn của nước nhà, nghìn nghìn lớp lớp người con đã cầm súng đứng lên, đã anh dũng chiến đấu, và rồi họ trở về với đất mẹ yêu thương. Những con người sinh ra từ đau thương là những con người mạnh mẽ nhất, họ chấp nhận hi sinh dù rằng tuổi mới đôi mươi. Nhắc đến đây, hẳn trong tâm trí chúng ta sẽ nghĩ về chị Sáu (Võ Thị Sáu), giai thoại của chị đã là động lực ra trận của bao thế hệ. Ở cái tuổi còn e ấp, nhưng chị đặt niềm tin mãnh liệt vào cách mạng, chính nghĩa dân tộc. Chính dòng máu yêu nước nóng hổi chảy trong người chị, hòa chung dòng chảy đất nước thúc giục, truyền lửa cho người con gái miền đất đỏ vượt qua thực tại khắc nghiệt. Tuổi mười bảy, chị can đảm nhìn thẳng vào họng súng bọn thực dân cất cao tiếng hát, bay bổng, say sưa, át cả tiếng hô tử hình. Ngay cả khi đứng trước cái chết, chị bình thản, yêu đời đến lạ lùng. Đó chính là khí phách anh hùng của một dân tộc anh hùng.
Chị Sáu đã hi sinh rồi, giọng hát vẫn như còn vang dội vào trái tim những người đang sống, giục đi lên không bao giờ lui. Giọng hát chị vang dội, vang đến thế hệ trẻ chúng ta ngày nay. Nhà thơ Thanh Thảo có nhắc nhở rằng:
“Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình
Tuổi hai mươi làm sao không tiếc
Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc?”
Chị Sáu, anh Trọng (Lí Tự Trọng), anh Trỗi (Nguyễn Văn Trỗi), và lớp người đi trước đã không tiếc tuổi trẻ, hi sinh cho hạnh phúc của chúng ta hôm nay, vậy không có lí do gì để chúng ta tiếc tuổi hai mươi của mình cả. Nghe về huyền thoại anh hùng của chị Sáu, chúng ta học được điều gì? Đó là tinh thần lạc quan luôn tràn đầy, không hề run sợ trước cái phi nghĩa, tin tưởng tuyệt đối vào thắng lợi cách mạng. Tuổi trẻ ĐHCT chung lòng với tuổi trẻ cả nước, tin tưởng vào cách mạng Việt Nam, vào Đảng, ra sức trau dồi bản lĩnh, trí tuệ.
* CLIP các hoạt động của tuổi trẻ ĐHCT gắn kết với QĐND Việt Nam:
===> http://websrv2.ctu.edu.vn/dept/dpa/?params=video/1
- Đội văn nghệ trường ĐHCT tham gia Liên hoan tiếng hát Lực lượng vũ trang và sinh viên toàn quốc 2015.
- Giao lưu văn nghệ với các chiến sĩ Biên giới Tây Nam.
- Giao lưu giữa CBVC & SV trường ĐHCT với Cán bộ chiến sĩ Vùng 5 Hải quân…
Biên tập: Hồ Chí Thành
Bài viết: Chí Thành – Nhựt Quyên – Thùy Dương
– Minh Thùy – Thanh Sang
Ảnh: sưu tầm