Tôi rất may mắn được cùng với đoàn tập huấn của Hội sinh viên trường Đại học Cần Thơ đến dâng hương và tìm hiểu các tư liệu về Bác Hồ tại đền thờ xã Long Đức, TP.Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh.
Cả đoàn chúng tôi tiến hành dâng hương và được hướng dẫn giới thiệu tận tình về lịch sử ngôi đền. Ngôi đền được khởi công vào ngày 10 tháng 3 năm 1970 và đến ngày 26 tháng 01 năm 1971 mới được khánh thành. Ngôi đền, thờ vị cha già của dân tộc, người đã có công rất lớn trong việc đem lại nền hòa bình, độc lập cho dân tộc Việt Nam, Bác là một vị lãnh tụ vĩ đại của mọi thời đại, vị chủ tịch nước kính yêu trong lòng của mỗi người dân. Trong hoàn cảnh chiến tranh loạn lạc đã đem lại những nỗi bất hạnh và biết bao sự mất mát cho người dân nơi đây. Nhưng không có sự đau đớn và mất mát nào lớn hơn sự ra đi của Bác. Người dân ngẹn ngào khôn nguôi trước tin Bác đã ra đi. Người dân bất chấp mọi sự cản trở và tàn phá của địch, họ cứ tiến hành chọn địa điểm để lập đền thờ Bác, ngôi đền được xây dựng cách căn cứ bọn địch vài trăm mét được che chở bởi các rậm tre dày đặc. Thời điểm ấy vật liệu rất hiếm người dân phải dùng tre, lá. Những vật dụng tưởng chừng đơn sơ nhưng ẩn đằng sâu bên trong là cả tấm lòng, niềm kính yêu của người dân dành cho Bác. Đúng một năm sau ngày khởi công, ngôi đền đã bị lính đốt cháy và đã lấy di ảnh của Bác làm chiến lợi phẩm đem về tiểu khu. Bức ảnh do Họa sĩ Phong Ba chính tay đặt bút vẽ và được người dân đồng ý để thờ. Khi địch rút, du kích trở lại đền thì nhặt được lá thư của một người lính kèm 500 đồng: “Vì bị bắt buộc tôi phải làm chuyện đại nghịch này, tôi rất hối hận, xin gửi lại chư vị ít tiền cúng vào việc trùng tu đền thờ cụ Hồ”. Đầu năm 1972, người dân góp tiền và sức người để xây dựng lại nhưng bọn địch cứ hăm he và đốt cháy nhiều lần, Vào ngày 29 tháng 4 năm 1975 ngôi đền đã bị bom đạn làm hư hỏng một phần. Điều đó cho thấy với tấm lòng, ý chí xây dựng ngôi đền của người dân không bao giờ nguôi, không bao giờ chịu khuất phục trước kẻ thù. Với lòng nhiệt huyết làm chiến sĩ sẵn có, trong tôi lúc này sục sôi niềm tự hào của dân tộc, thôi thúc tôi phải cố gắng học tập tốt phải là một con dân thật xứng đáng với danh nghĩa là cháu Bác Hồ. Tôi xin mượn hai câu thơ của Chế Lan Viên để nói lên tấm lòng của tôi dành cho Bác:
“Một buổi sáng ,nhìn lòng ta, ta thấy Bác
Nước mắt ràn, ta cảm hết ơn sâu…”
Đền thờ Bác Hồ tại xã Long Đức, TP.Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh
Rời khỏi đền thờ Bác, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình đến khu tưởng niệm cố chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng đặt tại huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Bước vào khu tưởng niệm hình ảnh đầu tiên tôi bắt gặp là bức tượng một chàng trai với hai tay bị gông cùm cùng với dòng chữ: “Chúng ta còn sống còn làm việc và học tập, còn sống còn lao động và chiến đấu”. Đây là lời của đồng chí Phạm Hùng tại công trường nhà máy thủy điện Hòa Bình (1988). Năm 16 tuổi ông đã tham gia cách mạng, tham gia phong trào học sinh, sinh viên. Đến năm 18 tuổi, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Nam Dương. Cũng chính năm đó ông đã bị thực dân Pháp bắt và kết án tử hình. Vẫn tưởng tuổi trẻ của ông sẽ khép lại vào lúc này, nhưng nhờ sự phản đối mạnh mẽ của dư luận trong và ngoài nước mà ông đã được giảm còn án tù chung thân và đưa ra Côn Đảo. Hình ảnh cậu học sinh trẻ tuổi với tinh thần yêu nước mãnh liệt, dám nghĩ dám làm, đã làm cho tôi cảm thấy thẹn với lòng. Lúc bấy giờ lồng ngực tôi nóng ran như thôi thúc tôi phải làm gì đó cho đất nước ngay lập tức. Không dừng ở đó tôi tiếp tục tham quan các di vật cũng như được tìm hiểu các tư liệu, hình ảnh của ông, ở đó tôi thấy được ông lạc quan yêu đời, bất khuất hiên ngang. Ông sẽ mãi là niềm tự hào của người con đất Vĩnh Long nói riêng và cả nước nói chung. Đây là một tâm gương chói ngời để chúng tôi noi theo.
“Anh cao lớn giữa xã lim bé nhỏ
Trước quân thù, luôn bất khuất hiên ngang
Thương đồng chí, đòn thù, thân che đỡ
Chân cùm gông, tim tỏa sáng lạc quan.”
(Tô Liên Bửu).
Khu tưởng niệm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng, Vĩnh Long
Tiếp đến đoàn chúng tôi đã có mặt tại khu lưu niệm giáo sư – viện sĩ Trần Đại Nghĩa. Bước chân vào khu lưu niệm tôi có một cảm giác rất phấn khởi và hào hứng. Cả đoàn chúng tôi bước vào thắp hương, một bản nhạc “Hồn tử sĩ” ngân lên cũng là lúc tôi nghẹn lời khóe mắt cay nhớ lại các vị anh hùng, các liệt sĩ đã ngã xuống vì Tổ quốc. Ông là một nhà khoa học tiên phong tài ba, đã từng nhận 3 lần học bổng liên tiếp khi còn đang học ở trường Collège de My Tho. Bằng cả tấm lòng tin yêu quê hương, yêu đất nước, con người và cả dân tộc Việt Nam. Ông đã từ chối vinh hoa, giàu sang khi được Pháp mời về giảng dạy với mức lương khoảng 22 lượng vàng/tháng. Ông và đồng đội đã chế tạo ra các loại vũ khí như súng Bazoka, súng SKZ, đạn Bazoka,… Đặc biệt là phá vỡ thế gây nhiễu của máy bay B52 góp phần làm nên trận chiến thắng Điện Biên Phủ trên không, một chiến thẳng vẻ vang của dân tộc. Động lực nào thôi thúc ước mơ và hoài bảo tuổi trẻ của ông? Ông nói: “Những ngày tiếp xúc với Bác Hồ tại Pa-ri, tôi luôn có những cảm giác lạ thường, một tiếng gọi thiêng liêng vừa gần, vừa xa, có cả ảo lẫn thực. Tiếng gọi từ một nơi xa xăm vạn dặm, và cũng rất gần gũi bên tai. Lời của Bác, hình ảnh và linh hồn của Tổ quốc kính yêu. Tiếng gọi đó trùng với ước mơ và hoài bão tuổi trẻ của tôi lúc bấy giờ”. Tôi xin mượn vài lời của Giáo sư toán học Phan Đình Diệu (1993) để nói lên cuộc đời hùng dũng vì nước của ông
“Nghĩa lớn tìm về với nước non
Niềm vui đã trải cuộc vuông tròn
Rèn tài văn võ thời phiêu bạt
Gánh việc giang san thủa mất còn
Tình nặng, ấy chưng tình đất nước
Nghiệp đời , há kể nghiệp vàng son
Gốc thông đứng thẳng dầu mưa nắng
Để gió lành reo ngát nước non.”
Khu tưởng niệm Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa, Vĩnh Long
Chúng Tôi nguyện sẽ cống hiến hết mình cho Tổ quốc để đất nước ngày càng đẹp giàu! Vẫn biết rằng nơi nào đó trong trái tim vẫn vang lên nhịp điệu quen thuộc, có lẽ tiếng hát từ trái tim! Bình yên nhé, những người đã nằm xuống vì nước nhà!
Tác giả: Ngô Tùng Hiếu, LCHSV Tiền Giang