Trước tình hình ngộ độc mặn nghiêm trọng, gây ảnh hưởng lớn đến việc hoạt động sản xuất lúa của người dân trong thời gian gần đây tại các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long. Đoàn Khoa Nông nghiệp & SHƯD đã phối hợp cùng Công ty TNHH TM & SX Ngọc Yến, các đơn vị chuyên môn và chính quyền một số địa phương tổ chức chương trình tình nguyện “Biện pháp hạn chế ngộ độc mặn trên cây lúa”. Chương trình được diễn ra tại 5 tỉnh Hậu Giang, Trà Vinh, Bến Tre, Sóc Trăng và Kiên Giang trong hai ngày 12 và 13 tháng 5 vừa qua với sự tham gia của hơn 220 sinh viên và cán bộ. Các chiến sĩ tình nguyện đã đến tư vấn trực tiếp tại nhà của 1.650 hộ dân các tỉnh nêu trên.
Trước khi chương trình diễn ra, các cán bộ và sinh viên tình nguyện đã được các thầy cô chuyên môn của Khoa tập huấn 2 buổi với mục đích bổ sung thêm kiến thức chuyên môn, cách giao tiếp với bà con nông dân cũng như nhiều kỹ thuật hạn chế ngộ độc mặn trên lúa.
Hình ảnh được ghi nhận tại huyện Long Mỹ tỉnh Hậu Giang
Mặc dù nhiều đoàn còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình đi lại nhưng với tinh thần năng nổ, nhiệt tình các bạn sinh viên nông nghiệp đã cùng trao đổi với bà con những kiến thức bổ ích và thiết thực nhất về biện pháp hạn chế ngộ độc mặn. Đồng thời cũng đã kịp thời hướng dẫn và tặng bà con một số phương tiện kỹ thuật mới giúp ích trong canh tác như: cách sử dụng dụng cụ đo độ mặn trong nước, đo pH trong ruộng bằng giấy quỳ, hạn chế ngộ độc mặn qua biện pháp làm đất,…
Sinh viên di chuyển đến xã Mỹ Nhơn huyện Ba Tri tỉnh Bến Tre
Hướng dẫn người dân huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang cách đo độ mặn trong nước.
Kết thúc chương trình, Ban tổ chức đã tiến hành tổng kết hoạt động nhằm đúc kết kinh nghiệm và ghi nhận ý kiến đóng góp từ các đoàn vào chiều ngày 15 tháng 5. Thông qua đó, chương trình đã nhận được nhiều đóng góp ý kiến sáng tạo và đầy thiết thực cho hoạt động cũng như nắm bắt kịp thời những thắc mắc từ bà con nông dân.
Hình ảnh tư vấn cho bà con nông dân tại huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang
Trao tặng người dân sản phẩm giải độc mặn của công ty Ngọc Yến (đơn vị tài trợ chính)
Sinh viên trên đường đến các hộ dân huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang
Chương trình đã nhận được nhiều sự quan tâm, ủng hộ và hợp tác từ nhiều đơn vị, đặc biệt nhất là sự đón nhận nhiệt tình từ bà con nông dân và chính quyền các địa phương. Các bạn sinh viên đã mang đến từng mảnh đất mình tới cái gọi là nhiệt huyết, đam mê trong chuyên ngành và tất cả niềm tin yêu, hy vọng đóng góp cho quê hương đất nước.
Với mục đích mang hào khí nông nghiệp vươn xa – đóng góp những gì đã được học vào thực tế tại địa phương. Chuyến đi đã tạo điều kiện cho các bạn sinh viên của Khoa củng cố thêm kiến thức thực tế, góp một phần nhỏ giúp ích cho quê hương và đặc biệt là tạo biện pháp thực tế trong tình hình hạn mặn nghiêm trọng như hiện nay.