Nghĩ về những người mẹ Việt Nam cả một đời hy sinh vì lý tưởng cách mạng, nhạc sĩ Xuân Hồng đã từng viết nên câu hát: “… Mẹ Việt Nam ơi, mẹ Việt Nam ơi! Cho con xin chia sớt nỗi buồn, cho con xin sẻ đôi bát cơm. Cho con hôn đôi mắt mỏi mòn, cho con soi lại bóng hình con. Mẹ Việt Nam ơi, Mẹ Việt Nam ơi! Xin cảm ơn Người, Người Mẹ của tôi…” ( Người mẹ của tôi )
Tuổi trẻ của chúng ta thật đẹp biết bao khi được ngồi trên ghế nhà trường, được khoác màu áo xanh Thanh niên năng động, đầy nhiết huyết với mong muốn cống hiến sức trẻ của mình cho cộng đồng. Và như thường lệ nhằm giúp Đoàn viên phát huy được tinh thần tương thân tương ái, “Uống nước nhớ nguồn” Đoàn Khoa KHCT đã tạo điều kiện cho Đoàn viên, Thanh niên tham gia các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” Cụ thể là tổ chức thăm hỏi và trao quà đến Mẹ Việt Nam Anh hùng và người cao tuổi, có công với cách mạng. Từ đó hình thành cho sinh viên những nét nhân cách cao đẹp, biết đồng cảm và sẻ chia.
Có thể nói, chăm sóc, phụng dưỡng các mẹ không chỉ là trách nhiệm mà còn là sự tri ân của thế hệ thụ hưởng trọn vẹn niềm hạnh phúc. Chúng tôi đã ghi lại cảm xúc từ chuyến thăm một người mẹ VNAH: Mẹ Nguyễn Thị Đắc (Thới An Đông – Bình Thủy) và người già neo đơn: Cụ Huỳnh Thị Bê ( Mỹ Khánh – Phong Điền )
Sẽ chẳng có sự đền đáp nào xứng đáng với sự hy sinh cao cả của các mẹ cho Tổ quốc hôm nay. Sinh thời, Bác Hồ đã từng nói: “Nhân dân ta rất biết ơn các bà mẹ cả hai miền Nam Bắc đã sinh đẻ và nuôi dạy những thế hệ anh hùng của nước ta. Đất nước ta trải qua bao cuộc trường chinh máu lửa, người mẹ Việt Nam đã gánh cả nỗi đau giang sơn trên đôi vai gầy yếu của mình, đi suốt cả một chiều dài lịch sử của dân tộc. Từ những bà Trưng, bà Triệu, đến nữ tướng Bùi Thị Xuân… đã làm khiếp đảm quân thù. Lớp tiếp lớp, bước tiếp bước anh hùng và phải chăng đó là mạch nguồn để người mẹ Việt Nam đi vào lịch sử. Người mẹ Việt Nam từ ngàn đời đã trở thành biểu tượng cao quý của lòng nhân hậu, đức kiên trung, một đời lam lũ, tảo tần, “biết hy sinh mà chẳng nói nhiều lời”, chắt chiu nuôi dưỡng biết bao thế hệ anh hùng của dân tộc.
Các mẹ đã dâng hiến những người con yêu quý nhất, là một phần máu thịt của mình, cho Tổ quốc. Hàng ngàn, hàng vạn những bà mẹ đã nén chặt nỗi đau trong lòng để đưa tiễn những người con lên đường giết giặc, cứu nước. Có những mẹ có 3- 4 người con là liệt sĩ, có những mẹ chỉ có một người con duy nhất, mẹ vẫn tình nguyện tiễn con lên đường nhập ngũ. Đảng và Nhà nước ghi nhận công lao trời biển của các mẹ, tôn vinh các mẹ danh hiệu “Mẹ Việt Nam anh hùng”.
Khi được nghe các mẹ kể về nỗi vất vả, nhọc nhằn khi sinh con và nuôi dạy các con đến khi khôn lớn trưởng thành thì trong ánh mắt của các mẹ nỗi buồn đã tan biến, mà đang ánh lên niềm vinh dự, tự hào vì đã hiến dâng cho Tổ quốc những đứa con là một phần máu thịt của chính mình để đất nước Việt Nam có được cuộc sống như ngày hôm nay.
Các bạn đoàn viên đến thăm Mẹ VNAH Nguyễn Thị Đắc
Ra về, hình ảnh các bạn Đoàn viên, Thanh niên ngồi quay quần bên mẹ ríu rít hỏi thăm, trò chuyện cùng mẹ bằng sự thâm tình, chúng tôi thấy cuộc sống này có thêm nhiều điều ý nghĩa. Những giây phút vui vẻ, nồng ấm tình cảm với những “Đứa con” biết thương Mẹ, nghĩ về Mẹ… sẽ là niềm hạnh phúc vào những ngày tháng còn lại trong đời Mẹ.
Các bạn Đoàn viên đến thăm cụ Huỳnh Thị Bê
Thực hiện các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” luôn là trách nhiệm và cũng là nghĩa vụ của mỗi người dân Việt Nam. Để “hoàn thành sự nghiệp cách mạng mà các liệt sỹ chuyển lại cho chúng ta”, mỗi người hãy nỗ lực hơn nữa để góp phần bảo vệ nền độc lập tự do của dân tộc, góp sức xây dựng nước Việt Nam giàu mạnh, hùng cường. Bởi đó chính là nguyện vọng lớn nhất mà lớp lớp các thế hệ cha anh gửi lại cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” phải được phát huy mạnh mẽ trong đời sống hằng ngày bằng những suy nghĩ và việc làm cụ thể.
Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy
Ta có thêm ngày nữa để yêu thương!
Tin: Hương Giang