Hiệu trưởng gặp gỡ đại biểu sinh viên năm 2015
Thời gian: 7h30, ngày 19/4/2015
Địa điểm: Hội trường lớn, Khu II
Ban tổ chức mời các em đọc kỹ các ý kiến phản hồi trước khi tham dự
PHẢN HỒI Ý KIẾN ĐÓNG GÓP CỦA SINH VIÊN NĂM 2015
1. Đào tạo, nghiên cứu khoa học
1.1 Đào tạo
- Mong Nhà trường có thể đơn giản hóa việc đăng kí học phần, để không xảy ra tình trạng nghẽn mạng khi đăng kí. (sinh viên khoa TS, NN)
Trả lời: Giải pháp để tránh “nghẽn mạng” là phân chia thành nhiều nhóm sinh viên (khoảng 700 SV/nhóm) với thời gian bắt đầu được phép đăng ký học phần khác nhau. Tuy nhiên, trong học kỳ năm học 2014-2015, do Trường chuyển dữ liệu sang server mới nên đã xảy ra nghẽn mạng một khoảng thời gian (Trường đã gia hạn thêm một tuần để SV đăng ký học phần).
- Việc đăng ký học phần còn gặp nhiều khó khăn do thời gian đăng kí cho mỗi nhóm quá ngắn. Đề nghị cho thời gian chỉnh kế hoạch học tập dài ra thêm. (sinh viên khoa NN)
Trả lời: Cần hiểu đúng về khoảng thời gian SV được phép đăng nhập vào phần mềm quản lý để đăng ký học phần cho học kỳ tiếp theo (thời khóa biểu học tập). Để tránh nghẽn mạng, Trường chỉ qui định thời gian bắt đầu đăng nhập của các nhóm SV theo khóa và khoa (trên nguyên tắc chọn lựa ngẫu nhiên từ phần mềm; và khóa vào Trường trước sẽ được ưu tiên đăng ký trước); thời gian kết thúc đăng ký học phần là như nhau. Như vậy, SV thuộc nhóm cuối cùng của đợt đăng ký học phần có ít nhất là 01 tuần để đăng ký học phần. Nếu SV thực hiện đúng hướng dẫn của Trường thì SV có đủ thời gian để đăng ký học phần.
Mỗi năm, SV có 4 đợt để điều chỉnh KHHT toàn khóa của mình ở phần mềm quản lý, cụ thể:
– Có 2 đợt điều chỉnh KHHT toàn khóa vào tuần cuối mỗi đợt đăng ký học phần cho học kỳ tiếp theo.
– Có 2 đợt điều chỉnh KHHT toàn khóa với (thời gian mỗi đợt khoảng 5 tuần vào tháng 2 và tháng 9 hàng năm (sau khi kết thúc đăng ký học phần của học kỳ),
Thiết nghĩ SV có đủ thời gian để điều chỉnh KHHT toàn khóa hàng năm. Đề nghị CVHT hướng dẫn SV lập KHHT toàn khóa tốt ngay từ đầu khóa học và SV phấn đấu học tốt để tránh phải thường xuyên điều chỉnh KHHT toàn khóa.
- Thời gian sửa KHHT nên diễn ra trước thời gian ĐKHP. (sinh viên khoa MT&TNTN)
Trả lời: Các đơn vị quản lý ngành đào tạo cần phải biết số lượng sinh viên có nhu cầu học để lập kế hoạch đào tạo và cần phải có thời gian (khoảng 4 tuần) để phân bố thời khóa biểu lớp-học phần, bố trí phòng học, phân công giảng viên phụ trách giảng dạy lớp-học phần, mời giảng,… cho các lớp-học phần. Vì vậy, rất tiếc là đề xuất này không thể thực hiện được ! Tuy nhiên, ngoài 2 đợt điều chỉnh KHHT toàn khóa với (thời gian mỗi đợt khoảng 5 tuần vào tháng 2 và tháng 9, trong tuần cuối của mỗi đợt đăng ký học phần SV vẫn có thể điều chỉnh KHHT và đăng ký học phần (tất nhiên là SV có thể sẽ không đăng ký được học phần có nhu cầu học do đăng ký học phần chậm hơn so với các bạn đã thực hiện tốt hướng dẫn của Trường).
- Cần nâng cao năng lực giảng dạy của đội ngũ cán bộ giảng viên, nhất là phương pháp dạy. Có nhiều môn, giảng viên dạy rất khó hiểu, không tạo hứng thú giúp cho sinh viên học tập và nghiên cứu tốt hơn. (sinh viên KHCT)
- Nhiều giảng viên có phương pháp dạy sinh viên khó tiếp thu, không hiểu nhiều nội dung bài học. Phương pháp giảng dạy mới chưa thật sự phát huy hiệu quả của nó, sinh viên vẫn còn kém năng động trong học tập, giảng viên cần tóm tắt nội dung cần nắm trong mỗi buổi học và đưa ra nhiều ứng dụng thực tiễn để sinh viên nắm rõ hơn vấn đề. Có nhiều môn nên giảng dạy theo phương pháp truyền thống, bảng và phấn, có nhiều thầy cô lạm dụng quá nhiều công nghệ, trình chiếu, hay powerpoint… làm cho SV không tiếp thu tốt bài giảng, hoặc quá nhanh khiến SV không hiểu được, rất buồn ngủ… (sinh viên khoa CN)
Trả lời: Phương pháp giảng dạy của mỗi học phần được ghi rõ trong Đề cương chi tiết học phần và giảng viên có trách nhiệm thực hiện đúng theo yêu cầu của đề cương.
Đối với các phương pháp giảng dạy lấy người học làm trung tâm thì giảng viên cung cấp SV kiến thức cốt lõi và đóng vai trò là người hướng dẫn người học tự mình phát triển kiến thức và rèn luyện kỹ năng cần thiết. Vì vậy, ngoài sự cố gắng của người thầy ra thì người học phải thực sự đóng vai trò trung tâm, phải tích cực, năng động trong học tập thì lớp học mới đạt được thành công.
Trong giảng dạy lý thuyết, Trường đề nghị thầy, cô tránh việc chỉ “đọc chép”, “viết chép” hoặc “chiếu chép”; thường xuyên cập nhật và giới thiệu các ứng dụng trong thực tiễn để giúp sinh viên dễ hiểu vấn đề và tạo môi trường học tập sinh động.
Đề nghị sinh viên góp ý với thầy, cô ngay tại lớp để có điều chỉnh phương pháp giảng dạy, cách thức truyền đạt nội dung giảng dạy đến người học (ví dụ: thầy, cô dạy quá nhanh, dạy khó tiếp thu!); Mặt khác, SV có góp ý khi đánh giá về lớp-học phần; thông qua CVHT; Bộ môn, khoa quản lý chuyên môn ngành đào tạo,…
- Cần tăng số tiết giảng dạy thêm khoảng 5- 10 tiết. Cần bổ sung thêm nhiều tiết thực hành, ngoài giờ học lý thuyết trên lớp cần tăng thêm những tiết đi tham quan thực tế (sinh viên khoa CN)
Trả lời: Trường ĐHCT triển khai CTĐT theo học chế tín chỉ với khối lượng giảng dạy của các ngành đào tạo được xác định (ví dụ: 140 TC/4 năm học) và yêu cầu là 1 tiết học trên lớp thì sinh viên phải tự học 2 giờ. Việc tăng thêm số tiết giảng dạy trên lớp cho các học phần sẽ làm tăng khối lượng CTĐT và kéo dài thời gian học tập của sinh viên. Tuy nhiên, có thể đối với từng học phần cụ thể và nhận định của sinh viên về mức độ cần thiết phải tăng thêm số tiết (hoặc số tín chỉ), sinh viên có thể gửi góp ý cho Bộ môn quản lý ngành đào tạo để có xem xét và đề xuất điều chỉnh CTĐT nếu xét thấy cần thiết.
- Nên bám sát hơn vào việc học ở nhà của sinh viên (sinh viên khoa CN)
Trả lời: Đề nghị giảng viên có phần câu hỏi đánh giá các nội dung sinh viên tự học (ít nhất là trong kỳ thi cuối học kỳ).
- Cần điều chỉnh lại số lượng sinh viên phù hợp với từng phòng (sinh viên khoa CN)
Trả lời: Đề nghị các đơn vị và giảng viên không giải quyết bổ sung thêm sinh viên đăng ký vượt quá số lượng chỗ ngồi thiết kế của phòng học. Trong quá trình SV đăng ký học phần, nếu lớp-học phần cần tăng sĩ số SV thì phải được điều chỉnh sang phòng học khác có sức chứa lớn hơn (nếu có). Trường hợp đang trong thời giảng dạy, nếu xét thấy số lượng chỗ ngồi không đủ như thiết kế, sinh viên hoặc giảng viên cần phản ánh kịp thời đến đơn vị quản lý học phần (hoặc Phòng Đào tạo) để điều chỉnh phòng học.
- Có nhiều môn có sự trùng lịch và còn tập trung nhiều vào các ngày đầu tuần. Cần chỉnh tác phong của giảng viên, đảm bảo số giờ lên lớp, đảm bảo dạy bù công khai lịch dạy bù. (sinh viên khoa CN)
Trả lời: Do KHHT của sinh viên trong đào tạo tín chỉ là khác nhau nên sự trùng lịch một số học phần là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, trong tuần trước khi đăng ký học phần, Trường có công bố lịch giảng dạy cụ thể từng lớp-học phần để SV tham khảo và lập Thời khóa biểu, nếu có trùng lịch các em cử đại diện lớp yêu cầu bộ môn quản lý học phần xem xét và điều chỉnh trước khi bắt đầu thời gian đăng ký học phần.
Đào tạo theo học chế tín chỉ, nên mỗi SV có thể có 1 thời khóa biểu học tập khác với các bạn cùng lớp và thời khóa biểu học tập của một số sinh viên có thể phân bố không đều do ngẫu nhiên (nhiều giờ ở đầu tuần hoặc ngược lại). Tuy nhiên, cũng có trường hợp có lớp tổ chức đăng ký học phần của các sinh viên gần như nhau nhưng vẫn có thời khóa biểu phân bố không đều trong tuần (có thể do một số giảng viên tham gia giảng dạy hệ VLVH, đào tạo từ xa nên chỉ tham gia giảng dạy được ở trường 3 ngày đầu tuần hoặc 3 ngày cuối tuần). Đối với trường hợp này lớp cần phản ánh với khoa quản lý ngành học (thông qua CVHT) để có thể có sự điều chỉnh phù hợp hơn.
Đề nghị SV phản ánh kịp thời và cụ thể giảng viên không đảm bảo nội dung và số tiết dạy theo quy định (thông qua CVHT; Bộ môn, khoa quản lý chuyên môn ngành đào tạo,…). Mặt khác, SV có góp ý khi đánh giá về lớp-học phần.
- Thời gian giảng dạy quá ít, SV chưa hiểu rõ các kiến thức trên lớp dẫn đến thời gian ôn bài, học bài tại nhà không nắm đầy đủ các ý của giảng viên trên lớp, các giảng viên nên cố định giờ dạy, dạy đủ giờ, thay vì thời gian giảng viên cho về sớm đó thì ở lại trao đổi nói chuyện tạo sự gần gủi giữa giảng viên và sinh viên. (sinh viên khoa CN)
Trả lời: Đề nghị SV phản ánh kịp thời và cụ thể giảng viên không đảm bảo nội dung và số tiết dạy theo quy định; thường xuyên đến lớp trễ hoặc cho lớp về sớm; thường xuyên thay đổi giờ giảng dạy không vì lý do khách quan,… (phản ánh thông qua CVHT; Bộ môn, khoa quản lý chuyên môn ngành đào tạo,…). Mặt khác, sinh viên cần có góp ý trong phần đánh giá lớp-học phần.
- Hạn chế số lượng sinh viên trong một buổi thực tập.Nên chia nhóm sinh viên thực tập 10 người/ nhóm. Chia nhỏ các nhóm thực tập vì số lượng quá đông thay vì mua thêm dụng cụ thực tập. Nên cắt giảm số lượng sinh viên trong một giờ thực tập (khoảng 15-20 SV) vì nếu đông quá thì chỉ khoảng 1/3 số sinh viên thực tập mới được thực tập, còn lại chỉ nhìn và ghi chép qua loa. (sinh viên khoa CN)
Trả lời: Trường luôn rất quan tâm và dành nguồn kinh phí rất lớn hàng năm đầu tư cơ sở vật chất phục vụ cho công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học. Đặc biệt là năm 2015, Trường sẽ dành kinh phí khá lớn để mua sắm thêm trang thiết bị phục vụ việc giảng dạy thực hành.
Căn cứ tình hình cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực… các đơn vị quản lý học phần thiết kế nhóm thực tập có số lượng SV trong khoảng 20 đến 40 SV/nhóm. Đối với một số học phần thực hành, trên cơ sở đề xuất của các đơn vị quản lý học phần, BGH xem xét và có thể phê duyệt giảm số lượng SV trên nhóm thực tập.
- Đề nghị 1 học phần – 2 giáo viên giảng dạy. (sinh viên khoa CN)
Trả lời: Đơn vị phụ trách học phần phân công ít nhất 2 giảng viên phụ trách một học phần và một giảng viên có thể đảm nhận giảng dạy ít nhất 2 học phần. Mỗi học kỳ, tùy thuộc vào số lượng lớp-học phần cần thiết, tình hình nhân sự có liên quan… đơn vị đào tạo phụ trách học phần cân đối và phân công giảng viên đảm nhiệm (các) lớp-học phần.
- Cần cho sinh viên đánh giá các học phần thực hành. (sinh viên khoa SP)
Trả lời: Hiện tại sinh viên chưa được đánh giá các học phần thực hành do học phần thực hành được triển khai với rất nhiều hình thức khác nhau. Trường sẽ nghiên cứu để có thể bổ sung phần sinh viên đánh giá các học phần thực hành.
- Đề nghị có trợ giảng (sinh viên khoa CN)
Trả lời: Trường đã có công văn số 1853/ĐHCT-TCCB ngày 03/12/2010 hướng dẫn thực hiện quy định về “Trợ giảng trong trường đại học”, theo đó thì đối tượng làm trợ giảng là giảng viên tập sự thuộc biên chế của đơn vị (bộ môn), nghiên cứu viên hợp đồng lao động dài hạn do đơn vị trả lương hoặc nghiên cứu sinh, học viên cao học đang học tập tại đơn vị,…. Theo công văn hướng dẫn thì hợp đồng trợ giảng được ký theo từng học kỳ và do thủ trưởng đơn vị thừa ủy quyền của Hiệu trưởng ký với người được mời làm trợ giảng. Tuy nhiên, từ khi có hướng dẫn đến nay chưa thấy đơn vị nào có ký hợp đồng trợ giảng.
1.2 Nghiên cứu Khoa học trong sinh viên
- Trường nên mở rộng thu hút đầu tư nhiều hơn cho sinh viên có cơ hội NCKH nhiều hơn. (sinh viên khoa MT&TNTN)
Trả lời: Nhiệm vụ KH&CN luôn được nhà trường quan tâm và đầu tư, trong đó hoạt động NCKH của SV đặc biệt được chú trọng. Hằng năm, nhà trường luôn dành kính phí 1 tỷ VNĐ, tùy NSNN và điều kiện kinh phí của trường có thể nhiều hơn cho hoạt động này (năm 2014 là 2,3 tỷ VNĐ). Theo lộ trình, những năm tới kinh phí dành cho đề tài NCKHCS do SV thực hiện sẽ tăng nhiều hơn, đáp ứng nhu cầu NCKH của SV. Ngoài ra, nhà trường cũng luôn tranh thủ các nguồn kinh phí khác từ các Cty, DN, … cho hoạt động này (như, Cty Holcim).
2. CÔNG TÁC SINH VIÊN, CƠ SỞ VẬT CHẤT, HỖ TRỢ NGƯỜI HỌC
2.1 Công tác Sinh viên
- Cần có nhiều biện pháp, quy định nhằm tăng ý thức kỷ luật của sinh viên. (nhiều đơn vị)
- Cần lấy ý kiến khảo sát sinh viên về cố vấn. (sinh viên khoa CN)
Trả lời: Phòng Công tác Sinh viên đã lập kế hoạch kiểm tra công tác cố vấn học tập, có kết hợp sử dụng Phiếu khảo sát ý kiến sinh viên về công tác cố vấn học tập.
- Nhờ nhà trường thông báo khi nào có BHYT, em không biết nên lên nhận trễ, một số bạn phàn nàn về vấn đề này. (sinh viên khoa TS)
Trả lời: Sau mỗi đợt thu tiền BHYT vào đầu học kỳ P.CTSV đều thông báo để đại diện BCS lớp hoặc cá nhân sinh viên đến nhận lại thẻ. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp BCS lớp hoặc sinh viên không đến nhận theo thời gian thông báo.
- Đề nghị Nhà trường tìm thêm các nguồn học bổng hỗ trợ sinh viên. (sinh viên khoa TS) Trường nên thu hút nhiều hơn các đơn vị tài trợ. (sinh viên khoa MT&TNTN)
- Số lượng sinh viên nhận được học bổng còn ít. Một số sinh viên không phải là con thương binh, gia đình chính sách nhưng hoàn cảnh khó khăn, cần nguồn học bổng. (sinh viên khoa NN);
- Thông tin chế độ chính sách chưa đến được với sinh viên nghèo mà không có sổ hộ nghèo. (sinh viên khoa CN);
- Nhiều sinh viên còn khó khăn, cần hỗ trợ học phí cũng như phương tiện học tập. Cần có nhiều chính sách hỗ trợ cho sinh viên nghèo, cận nghèo. Sinh viên khó khăn nhưng không được vay vốn. (sinh viên khoa NN);
- Cần nhiều chính sách hỗ trợ không chỉ cho sinh viên khó khăn mà cả tất cả sinh viên để có động lực học tốt. (sinh viên khoa NN). Đề xuất thêm nhiều nguồn học bổng cho các hộ gia đình cận nghèo. (sinh viên khoa MT&TNTN)
Trả lời: Nhà trường cùng hệ thống Đoàn, Hội đã huy động hơn 42 nguồn học bổng tài trợ hàng năm để hỗ trợ cho sinh viên. Đối với sinh viên diện chính sách – xã hội được Nhà nước hỗ trợ thì phải đúng đối tượng quy định, như đối tượng được miễn, giảm học phí (theo Nghị định số 74/2013/NĐ-CP), đối tượng được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội (theo Quyết định số 157/1997/QĐ-TTg) hoặc đối tượng được trợ cấp xã hội. Tất cả những thông tin nêu trên đều được sinh hoạt vào đầu khóa học, được đưa lên website P.CTSV của Trường.
- Đa số hỗ trợ sinh viên nghèo trên giấy tờ…nên xem xét kỹ trước khi có nhu cầu hỗ trợ, giúp đỡ đúng người, đúng lúc. (sinh viên khoa NN)
Trả lời: Trường tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách theo đúng quy định của Nhà nước, còn đối với trường hợp xét trợ cấp khó khăn đột xuất thì đều thông qua ý kiến của Cố vấn học tập, của Lãnh đạo khoa quản lý. Riêng đối với học bổng tài trợ thì sự xét duyệt là do sinh viên thuyết minh trong khi nộp hồ sơ và Nhà tài trợ quyết định.
- Tăng giá trị học bổng, tăng phần trăm nhận học bổng trên lớp và cần có nhiều học bổng để khuyến khích SV. (sinh viên khoa MT&TNTN)
- Thay vì phân bố 1 suất học bổng nhiều tiền, thì có thể phân bố nhiều suất hơn với số tiền giảm đi đôi chút, một mặt để SV có nhiều cơ. Cần tăng số lượng học bổng khuyến khích, mức chênh lệch giữa các mức học bổng không đồng đều…nên điều chỉnh hợp lí hơn. (sinh viên khoa NN)
Trả lời: Định mức số tiền thành lập quỹ học bổng khuyến khích dựa trên tỷ lệ phần trăm quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (8%), do vậy Nhà trường không thể tự ý tăng số lượng vượt quá khung quy định của Bộ.
- Tổ y tế: Chất lượng thuốc kém, cơ sở vật chất y tế chưa hiện đại (sinh viên KHCT).
- Thiếu phòng y tế. Cần quan tâm nhiều hơn với SV Khơme thêm nhiều chính sách hỗ trợ. (sinh viên khoa NN).
- Cần thành lập Trung tâm tư vấn sức khỏe cho SV (sinh viên KHXH&NV)
Trả lời: Trường đã thỏa thuận với cơ quan y tế ngoài Trường tiến hành xây dựng Trạm Y tế tại Khu II – ĐHCT và bố trí bác sĩ trực khám bệnh, cấp thuốc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho sinh viên, đồng thời sẽ tổ chức tư vấn chăm sóc sức khỏe cho sinh viên. Thuốc được sử dụng là thuốc được lưu hành và chức năng của cán bộ y tế cấp phát đều phải tuân thủ đúng quy định của ngành y tế.
- Trường cần có biện pháp để diệt kiến ba khoang trong ký túc xá. (sinh viên khoa SP)
Trả lời: Trường đã thông báo hướng dẫn các phòng ngừa, tổ chức phun thuốc diệt côn trùng, chuẩn bị thuốc điều trị “viêm da do tiếp xúc” để xử lý. Tuy nhiên, kiến 3 khoang là loài côn trùng di chuyển khá xá và hay vào đèn (để ăn các loại côn trùng khác) rất khó tìm diệt triệt để, biện pháp chủ yếu là phòng ngừa.
- Trường chưa kiểm soát được sinh viên ở ngoài trường, chưa có mức hổ trợ nào cho sinh viên ngoại trú. (sinh viên khoa MT&TNTN)
Trả lời: Hiện tại chưa có mô hình hiệu quả trong công tác quản lý sinh viên ngoại trú, Nhà trường đang phối hợp với cơ quan Công an địa phương xây dựng thí điểm mô hình Câu lạc bộ sinh viên tự quản, mô hình ký kết 3 bên giữa P.CTSV – Chủ nhà trợ – Công an phường để xây dựng Nhà trọ an toàn – vệ sinh, đồng thời duy trì tổ chức họp giao ban hàng quý nhằm nắm, thông tin tình hình ANCT-TTATXH để phối hợp chủ động, phòng ngừa, xử lý các vụ việc có liên quan đến sinh viên ở địa bàn ngoại trú nhưng vẫn chưa đạt được kết quả như mong đợi.
- Đề nghị bỏ việc kiểm tra gắt gao về đồng phục ở các nhà học, tạo tâm lý tốt thoải mái khi đi học cho SV. ó Cần nghiêm khắc trong vấn đề đồng phục hơn. (sinh viên khoa NN)
- Đề nghị trường có quy định đồng phục để tránh phân biệt giàu nghèo trong cách ăn mặc của sinh viên khi đi học. (sinh viên khoa Luật, KHXH&NV)
* Tư vấn hỗ trợ sinh viên
- Rất ít hoặc sinh viên không biết gặp ai hoặc đến đâu để được tư vấn hỗ trợ. Cần tiếp xúc nhiều hơn với sinh viên. Cần nhiều buổi giao lưu hơn. (sinh viên khoa NN); Cần tổ chức trang bị kỹ năng cần thiết cho sinh viên về sức khỏe, an toàn điện, PCCC, giao tiếp, kỹ năng xã hội khác, … (nhiều đơn vị)
Trả lời: Trường đã thành lập Trung tân Tư vấn – Hỗ trợ sinh viên, ổn định nhân sự, xây dựng kế hoạch công tác năm và đang triển khai thực hiện công tác tư vấn, tổ chức huấn luyện kỹ năng cũng như nhiều công tác khác.
* Ký túc xá:
- Ký túc xá B: bảo vệ chưa thân thiện với sinh viên. (sinh viên khoa NN)
Trả lời: Ghi nhận sẽ làm việc lại với Công ty Bảo vệ đang ký hợp đồng tại KTX B.
- Thái độ của đội tự quản KTX khi kiểm tra phòng chưa tốt (nhiều đơn vị).
Trả lời: Ghi nhận sẽ nhắc nhở đội tự quản KTX luôn giữ thái độ đúng mực khi kiểm tra phòng.
- Việc nam đi kiểm tra phòng sinh viên nữ ở ký túc xá cần xem xét lại. Đề xuất nên để bạn nữ kiểm tra phòng sinh viên nữ sẽ hợp lý hơn. (nhiều đơn vị). Khi đi kiểm tra phòng ban dêm, nên tránh kiểm tra lúc khuya ( 1h00 hoặc 2h00), ảnh huởng nhiêù nguời. Nên kiểm tra sớm hơn (khoảng 23h00 hoặc sớm hơn chút có thể). (sinh viên khoa CNTT&TT)
Trả lời: Khi thực hiện kiểm tra phòng KTX trong nhóm An ninh xung kích luôn có đủ nam và nữ, những trường hợp kiểm tra phòng nữ, chỉ có nữ mới vào kiểm tra phòng nữ.
- Tại sao giờ đóng cổng của KTX là 23h00, bằng với thời gian đóng cổng của cổng B? Tối đi làm về khoảng 22h59 thì vào được cổng B mà không vào được KTX. Kiến nghị KTX đóng cổng lúc 23h30 và mở lúc 4h00 sáng như trước đây. (sinh viên khoa TS)
Trả lời: Cho đến thời điểm hiện tại chưa có Trường hợp nào SV ở KTX vào được cổng B nhưng không vào được KTX. Ở cả 2 cổng KTX, SV nếu có ý do chính đáng, sẽ giải quyết cho ra vào cổng bất cứ lúc nào.
- Nhà trường có thể cho phép nấu ăn trong KTX được không? Năm ngoái, trong cuộc họp lấy ý kiến Sinh viên tiếp xúc Hiệu trưởng, thầy có nói là cho phép KTX khu A nấu ăn, nhưng năm nay vẫn chưa cho phép. Vì cơm trong căn tin vừa ngán, vừa thiếu dinh dưỡng. (nhiều đơn vị). KTX không cho sinh viên nấu ăn? Tại sao Cửa hàng tiện ích của trường lại bán những mặt hàng liên quan nấu nướng? (sinh viên khoa CNTT&TT)
Trả lời: Việc cho phép SV nấu ăn trong phòng ở KTX phải đi kèm với điều kiện cơ sở vật chất đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ và vệ sinh môi trường.
Căn cứ nhu cầu của SV từ HK1, 2014-2015 nhà trường đã đưa vào kế hoạch từng bước tiến hành sửa chữa lớn các dãy nhà đã xuống cấp của KTX A sau khi trở lại sử dụng sẽ đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất cho SV được phép nấu ăn trong phòng ở, hiện tại các dãy được phép nấu ăn của KTX A: B15,C9, B8, B9.
Các dãy còn lại do cơ sở vật chất của phòng ở không đảm bảo, nên vì an toàn cho tài sản và bản thân SV nên Trường không cho phép SV nấu ăn trong phòng ở.
- Việc đăng kí sửa chữa và sửa chữa cơ sở vật chất của KTX B rất tệ. Khi đăng kí trực tiếp với phòng quản lý thì gặp phải thái độ khó chịu của người phụ trách. Còn việc sửa chữa thì phải đợi rất lâu, có khi không có hồi âm dù đó là những vấn đề cấp bách như rò rỉ nước hay chập ổ điện. (nhiều đơn vị)
Trả lời: Trong thời gian qua, tại KTX B còn trong thời gian bảo hành, một số hỏng hóc phía nhà thầu thực hiện còn chậm. Hiện tại, tình trạng này đã khắc phục dần, Trung tâm đã đảm nhận phần sửa chữa thường xuyên các hỏng hóc liên quan tới điện, nước tại phòng ở.
* Ghi nhận ý kiến góp ý về thái độ phục vụ của viên chức, sẽ điều chỉnh. Tuy nhiên Lãnh đạo Trung tâm đã kêu gọi SV phản ánh ngay, cụ thể với lãnh đạo về thái độ không đúng mực của nhân viên để xử lý ngay.
- Em đang ở KTX khu B, phòng B7.112 ở tầng trệt ngay sát cầu thang bộ. Hiện trạng phòng em hiện nay rất ồn; một phần là do các bạn lên xuống cầu thang, một phần là do máy bơm nước hoạt động rất to được đặt dưới cầu thang. Mong nhà trường có thể kiến nghị với BQL KTX dời máy bơm đi chỗ khác và treo biển “Đi nhẹ, nói khẽ” ở các đầu cầu thang. (sinh viên khoa TS)
Trả lời: TT. PVSV sẽ treo biển nhắc nhở tại các cầu thang theo đề xuất của SV, đồng thời tự bản thân mỗi SV phải có ý thức giữ gìn trật tự nơi cộng cộng.
- Ðóng tiền điện, nước khi ở KTX: Nên có kí biên nhận khi đưa hóa đơn điện nuớc cho SV ( kí nhận riêng, kí đã đóng tiền riêng) nhằm tránh tình trạng phòng quản lí nói đã phát hóa đơn rồi trong khi SV không nhận được. Khi đóng tiền đăng kí tiếp tục ở KTX, nên phân Block với ngày đóng cụ thể, tránh tình trạng tất cả các SV đều đóng chung 1 ngày gây mất thời gian của nhiều nguời. (sinh viên khoa CNTT&TT)
Trả lời: Ghi nhận ý kiến góp ý sẽ điều chỉnh ngay trong tháng 4/2015.
- Việc đóng phí KTX nên đổi thành đóng qua ngân hàng như thế sẽ không mất nhiều thời gian của sinh viên vì mỗi khi đóng phí KTX sinh viên phải xếp hàng dài hàng trăm người để đóng, rất mất thời gian cũng như công sức của sinh viên khi nhân viên thu ngân có hạn (sinh viên khoa MT&TNTN)
Trả lời: Trường đang tiến hành kế hoạch thu phí KTX qua Ngân hàng sẽ được áp dụng sau phía Ngân hàng hoàn thành chương trình kết nối dữ liệu và thu phí trực tuyến.
Từ hk1, 2014-2015 PCTSV đã tiến hành phân nhóm SV theo dãy nhà trong email thông báo đóng phí. Tuy nhiên do SV luôn có tâm lý chờ đến ngày cuối nên khó trách tình trạng để SV phải đợi lâu.
- Không nên tổ chức văn nghệ, các sự kiện trong ký túc xá, do đây là nơi SV học tập, nghi ngơi, sẽ gây ồn, ảnh huởng nhiều người. (sinh viên khoa CNTT&TT)
Trả lời: Hoạt động văn hóa, văn nghệ và hoạt động thường niên trong KTX. Tất cả các chương trình văn nghệ, sự kiện tổ chức trong khuôn viên KTX luôn kết thúc trước 23 giờ.
- Trường cần có biện pháp để diệt kiến ba khoang trong ký túc xá. (sinh viên khoa SP)
Trả lời: PCTSV có kế hoạch phòng chống chủ động, cảnh báo thường xuyên đến SV. Luôn tổ chức phun thuốc diệt côn trùng khi có côn trùng gây bệnh xuất hiện (trong đó có kiến ba khoang)
- Em ở KTX, từ tháng 1 đến tháng 7 là em đã đóng tiền cho nhà xe là 6×15,000 = 90,000đ. Tại sao Tết lại phải đóng thêm tiền? (xe đạp 5,000đ; xe máy 10,000đ) (sinh viên khoa TS)
Trả lời: Nộp phí KTX và giữ xe môtô ở HK2 từ 01/01/2015 đến 15/07/2015 là 6,5 tháng, trong đó, trừ 2 tuần nghỉ Tết, còn lại chỉ thu 6 tháng. SV có nhu cầu ở lại KTX hoặc gởi xe thời gian nghỉ tết thì nộp phí.
2.2 Cơ sở vật chất
- Cần có nhiều hơn các khu tập luyện thể thao, công viên, khu vui chơi thư giãn cuối tuần.
- Đoạn từ cổng B đến hội trường Rùa nhiều ổ gà rất dễ gây tai nạn. (sinh viên KHXH& NV)
- Cần phát quang những khu vực có nhiều cây quanh khuôn viên trường, vì có rắn. (sinh viên khoa TS)
- Nên đặt nhiều bảng hướng dẫn đường đi ở nhiều nơi, tránh bị lạc đường. (sinh viên khoa SP)
- Nên đặt thêm nhiều thùng rác công cộng trong khuôn viên trường. Gắn camera để hỗ trợ việc phạt nguội sinh viên nào xả rác bừa bãi. (sinh viên KHXH& NV, CNTT&TT)
Trả lời:
1. Việc sửa chữa, cải tạo cơ sở hạ tầng, xây dựng các khu vui chơi, giải trí… là cần thiết, tuy nhiên đòi hỏi một nguồn kinh phí lớn, Nhà trường đang đầu tư cải tạo dần nhưng chưa thể giải quyết ngay tất cả cùng một lúc được.
2. Việc chăm sóc cảnh quan, tăng cường bảng chỉ đường, bổ sung thùng rác, bổ sung camera… Nhà trường sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan sớm nghiên cứu, thực hiện.
- Tăng cường kiểm tra sinh viên ở các nhà học, cần xem xét lại việc mang nước và bánh mì vào khoa cũng như nhà học, xử lí nghiêm trường hợp vi phạm. (sinh viên khoa MT&TNTN)
- Đề nghị việc dọn vệ sinh nên tăng cường hơn, đặc biệt là nhà vệ sinh ở các nhà học. Phòng học trang thiết bị còn hạn chế, các thiết bị máy chiếu có khi mở được có khi không. Hệ thống phòng học ở nhà học C1, B1, A3 vẫn còn chật hẹp so với số lượng sinh viên khá nhiều, thậm chí có khi sinh viên phải ngồi ngoài cửa học. Phòng học thiếu bàn ghế, đôi khi phải mang vác bàn ghế từ phòng này sang phòng khác. (sinh viên khoa Luật)
- Đề nghị mỗi phòng học có khăn trải bàn và hộp đựng phấn, phấn còn dư rất dơ và mất vệ sinh. (sinh viên khoa Luật)
- Học ở nhà học C1 các lớp tập múa mở nhạc quá lớn làm ảnh hưởng đến việc giảng dạy và học tập. (sinh viên khoa Luật)
- Đề nghị mở cửa phòng học ở nhà học C1 vào sáng thứ 7 để tiện cho việc sinh viên tự học. (sinh viên khoa Luật)
- Cần nâng cấp các thiết bị phục vụ học tập tại các nhà học, đặc biệt là các dãy nhà cũ (nhiều đơn vị)
- Đề nghị nhà trường lắp đặt gương trong các nhà vệ sinh ở nhà học C2. (sinh viên khoa SP)
Trả lời:
1. Ba năm qua Nhà trường đã tập trung nguồn lực để đầu tư chuẩn hóa dần bảng viết, bàn ghế, trang thiết bị tại các phòng học, đã trang bị đầy đủ máy chiếu hoặc tivi cố định tại các phòng học để phục vụ ngày càng tốt hơn việc giảng dạy, học tập của giảng viên và sinh viên.
2. Nhà trường tiếp tục chỉ đạo các bộ phận có liên quan tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, chấn chỉnh trong việc chuẩn bị tại các phòng học, sửa chữa kịp thời các trang thiết bị, công tác vệ sinh tại các nhà học.
- Các nhà học cao tầng (tầng 4 trở lên) khi xây dựng nên có thiết kế thang máy để tiện cho việc đi lại của giảng viên và sinh viên đặc biệt là các giảng viên có tuổi hay sức khỏe yếu, sinh viên bị thương tật ở chân. (sinh viên khoa SP)
Trả lời: Nhà trường sẽ thực hiện khi có điều kiện.
2. Học phí
- Học phí ngày càng cao và cứ tăng thêm mỗi năm. Đề nghị giảm học phí hoặc giãn thời gian tăng học phí (nhiều đơn vị). Đề nghị tăng thời gian cho phép đóng học phí mỗi học kỳ. (sinh viên khoa NN)
Trả lời: Mức học phí, nhà trường thực hiện theo đúng lộ trình về học phí được quy định tại Nghị định 49/2010/NĐ-CP ngày 14/05/2010 của Thủ tướng Chính phủ; thời gian thu học phí học kỳ chính sẽ được kéo dài (14 tuần) từ lúc bắt đầu học kỳ đến trước khi kết thúc học kỳ 1 tuần.
3. Dịch vụ hỗ trợ sinh viên
- Trường nên có quầy hàng bán quà lưu niệm có in logo của trường trên tập, sổ, viết, quần áo…để sinh viên mua làm quà tặng bạn bè ở các trường khác và gia đình. Lịch kế hoạch năm của trường có rất nhiều thông tin liên quan đến thời gian đăng ký, chỉnh sửa học phần, đóng học phí, thi học kỳ…nên bán rộng rãi cho sinh viên có thể mua và nắm thông tin dễ dàng hơn. (sinh viên khoa NN)
Trả lời: Hiện nay, Trường đang xây dựng Nhà sách Đại học Cần Thơ tại Cổng A để cung cấp sách, giáo trình, tài liệu học tập, văn phòng phẩm,…Khi Nhà sách hoạt động sẽ cung cấp các mặt hàng như sinh viên đề nghị.
- Nhà gửi xe nên sử dụng hệ thống quẹt thẻ vì phiếu xe rất dễ mất, rách. Mỗi lần đóng phạt là 10 nghìn và thủ tục mất thời gian. Hoặc nên sử dụng giấy và ghim bấm. Viết phấn lên xe rất dơ và khó làm sạch (sinh viên khoa TS)
Trả lời: Trung tâm đang nghiên cứu xây dựng hệ thống giữ xe thông minh tại các cơ sở giữ xe trong Trường. Ngoài ra, Trung tâm sẽ nghiên cứu và khuyến khích các cơ sở giữ xe sử dụng phiếu bấm hoặc phấn viết phù hợp.
- Đề nghị các nhà xe giữ xe tới 21h00 (sinh viên khoa TS)
Trả lời: Theo quy định, thời gian giữ xe tại các cơ sở giữ xe là từ 6 giờ 00 phút đến 21 giờ 30 phút, chưa thấy vi phạm. Trong trường hợp cơ sở giữ xe ngừng hoạt động trước 21 giờ 30 khi sinh viên chưa lấy hết xe, đề nghị sinh viên báo đến Trung tâm (hoặc Tổ Bảo vệ) theo thông tin nóng đặt tại các cơ sở giữ xe để được giải quyết theo đúng quy định.
- Nhà trường có thể cho phép nấu ăn trong KTX được không? Năm ngoái, trong cuộc họp lấy ý kiến Sinh viên tiếp xúc Hiệu trưởng, thầy có nói là cho phép KTX khu A nấu ăn, nhưng năm nay vẫn chưa cho phép. Vì cơm trong căn tin vừa ngán, vừa thiếu dinh dưỡng. (nhiều đơn vị). KTX không cho sinh viên nấu ăn? Tại sao Cửa hàng tiện ích của trường lại bán những mặt hàng liên quan nấu nướng? (sinh viên khoa CNTT&TT)
Trả lời: Cửa hàng tiện ích KTX A cung cấp các mặt hàng nấu ăn nhằm phục vụ sinh viên được phép nấu ăn tại dãy B8, B9, B15A, B15B.
- Giá cả trong căn tin chưa hợp lý. Việc bán thức ăn trong căn tin còn mắc so với sinh viên ở KTX, cần điều chỉnh mức giá. Cần kiểm tra thường xuyên vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm ở các căn tin. Cần nâng cao chất lượng thức ăn trong các căn tin, giảm giá ăn cho sinh viên. Giảm tiền đồ ăn, thức uống xuống, nên đa dạng các loại thực phẩm hơn. Đề nghị giá cơm ở ký túc xá là khoảng 12 – 13 ngàn. (sinh viên khoa NN, CNTT&TT)
Trả lời: Hiện nay, mức giá các căng tin đang áp dụng là khá rẻ so với các quán ăn sinh viên bên ngoài (từ 15.000 đồng/phần đến 18.000 đồng/phần). Với 20 căng tin, đa dạng các món ăn và nhiều mức giá, sinh viên có nhiều lựa chọn địa điểm ăn uống cho phù hợp với nhu cầu. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng thường xuyên nhắc nhở, kiểm tra giá bán đang áp dụng tại các cơ sở để phục vụ tốt nhất.
- Tình hình vệ sinh ở các căn tin còn yếu. Ký túc xá khu B hay bị ô nhiễm, luôn có mùi hôi thối khó chịu. Một số căn tin chưa đảm bảo vệ sinh (nhà học B1, C1, C2 …) (sinh viên khoa NN)
Trả lời: Các căng tin trong Trường thường xuyên được Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP. Cần Thơ và Y tế phường Xuân Khánh kiểm tra về an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong đợt kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm năm 2014, Căng tin Nhà học C2 được đề nghị là Căng tin hình mẫu của Quận; 02 căng tin Ký túc B được chọn làm nơi quay phim làm phóng sự về căng tin tại Trường.
Về phản ánh ô nhiễm, có mùi hôi từ các đường cống công cộng, Trung tâm Dịch vụ và Chuyển giao công nghệ sẽ phối hợp ngay với các đơn vị liên quan để xử lý.
4. Tài liệu học tập
- Dãy cuối tầng 2 trung tâm học liệu các bạn thường nói chuyện lớn làm ảnh hưởng đến mọi người xung quanh, có khi còn đem cả bánh vào ăn. (sinh viên khoa Luật)
Trả lời: TTHL sẽ tăng cường kiểm tra nhắc nhở các bạn đến học tập hạn chế làm ồn. Tuy nhiên, khi bạn phát hiện bạn mình làm ồn, bạn có thể tới gặp cán bộ trực để phản ảnh kịp thời hơn hoặc góp ý trực tiếp với bạn mình giữ gìn không gian học tập chung.
- Một số sách, tài liệu chuyên ngành ở Trung tâm học liệu còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu, đề nghị bổ sung (sinh viên khoa MT&TNTN, SP). Đề nghị Nhà trường tạo điều kiện cho sinh viên được xem sách online từ nguồn tài liệu trong trường. Xem sách online là một cách học hiệu quả và tiết kiệm được nhiều thời gian. (sinh viên khoa SP)
Trả lời: Hiện tại TTHL vẫn đang cố gắng bổ sung nhiều tài liệu phục vụ các bạn học tập. Cơ sở bổ sung được dựa theo yêu cầu bổ sung sách từ thầy/cô, cán bộ thư viện khoa, các bạn sinh viên và danh mục của các nhà xuất bản giới thiệu. Do đó, nếu các bạn có nhu cầu vui lòng liên kết vào website của TTHL để gởi yêu cầu cụ thể của mình để TTHL tìm kiếm trên thị trường xuất bản phục vụ các bạn. Ví dụ yêu cầu: tên sách rõ ràng, tác giả, năm xuất bản.
Vấn đề sách online, hiện tại thị trường trong nước chưa phát triển nhiều sách dạng online nghiên cứu chuyên ngành mà chủ yếu một số sách về giáo dục tâm hồn, giáo dục lối sống. Tuy nhiên, hiện tại trên website của TTHL có rất nhiều nguồn tài liệu trực tuyến để phục vụ các bạn bao gồm tiếng việt và tiếng anh. Ví dụ: luận văn, giáo trình của ĐHCT, tạp chí khoa học trong và ngoài nước bên cạnh đó, kho sách trực tuyến khổng lồ miễn phí của Gortenberg (ngôn ngữ tiếng anh) cũng được giới thiệu trên website của TTHL. Nói chung các bạn vui lòng vào thử địa chỉ www.lrc.ctu.edu.vn click vào danh mục phía bên tay phải màn hình cho rất nhiều bộ sưu tập tài liệu số. TTHL hy vọng đáp ứng nhu cầu của các bạn, tuy nhiên, TTHL vẫn thường xuyên tìm kiếm và cập nhật các nguồn tài liệu trực tuyến phục vụ các bạn.
Và để hỗ trợ thêm việc tìm kiếm và sử dụng các nguồn tài liệu trực tuyến hiệu quả, TTHL thường xuyên tổ chức các lớp Hướng dẫn Kỹ năng thông tin (3 giờ/lớp) miễn phí, các lớp học này các bạn có thể đăng ký trực tuyến trên web của TTHL hoặc đến trực tiếp TTHL. Khi tham gia lớp này các bạn được hướng dẫn lý thuyết và thực hành trực tiếp trên máy tính để tìm tài liệu online. Sau khi tham gia các bạn có nhiều thông tin hơn để khai thác các nguồn thông tin trực tuyến ở trong hệ thống thư viện trường và cả bên ngoài để phục vụ học tập và nghiên cứu.
- Sách bi đỏ ở TTHL chiếm số lượng nhiều hơn, nên số lượng sách mượn đôi khi không đủ. (sinh viên khoa CN)
Trả lời: hiện tại mỗi tựa sách TTHL mua vào 5 quyển và chia 2 quyển có dán bi đỏ sau gáy sách (đọc tại chỗ, dành cho các bạn đến thư viện nghiên cứu) và 3 quyển được mượn về nhà. Riêng kho sách ngoại văn ở tầng 3 do chi phí rất cao nên phần lớn chỉ đọc tại chỗ nhưng vẫn có nhiều sách được mượn về nhà.
5. Thông tin, máy tính công và mạng Internet
- Trang web của trường nên được tinh chỉnh lại sao cho đơn giản hơn và dễ tìm kiếm hơn giúp cho SV dễ tiếp cận thông tin. (sinh viên KHXH&NV).
Trả lời: Trung tâm Thông tin & Quản trị mạng xin ghi nhận ý kiến của sinh viên và sẽ nghiên cứu để phối hợp với các đơn vị tinh chỉnh Website Trường theo hướng sinh viên có thể tiếp cận thông tin một cách dễ dàng và đơn giản.
- Mong Nhà trường ngày càng đẩy mạnh việc cung cấp rõ nhiều thông tin về trường, những kế hoạch và triển khai những công văn, chính sách để cho sinh viên tiếp nhận sớm nhất có thể. (sinh viên KHCT).
Trả lời: Trong thời gian qua tất cả các thông tin phục vụ sinh viên đều được Trường cung cấp đẩy đủ và kịp thời thông qua hệ thống các Website của Trường, hộp thư điện tử và hệ thống tích hợp, do đó việc sinh viên chậm tiếp nhận thông tin có thể là do:
(1) Sinh viên không thường xuyên vào Website của Trường, các Phòng/Ban và Khoa.
(2) Sinh sinh viên không thường xuyên kiểm tra hộp thư điện tử.
(3) Sinh viên không thường xuyên vào hệ thống quản lý của Trường.
(4)Việc tổ chức thông tin trên Webiste Trường, các Phòng/Ban và các Khoa chưa thật sự hợp lý
=> Do đó để thông tin đến được sinh viên sớm nhất ngoài trách nhiệm cung cấp thông tin của các đơn vị trong Trường cần phải có sự tích cực từ phía các bạn sinh viên.
- Cần khắc phục để cho sinh viên sử dụng máy tính cá nhân đăng kí học tập cùng với các máy tính công.
Trả lời: Hiện tại phần mềm đăng ký môn học đáp ứng được khoảng 500 máy tính đăng ký cùng lúc, do đó chưa thể mở rộng để sinh viên đăng ký môn học từ các máy tính khác (Laptop, điện thoại, máy tính ngoài Trường…), Trung tâm Thông tin và Quản trị mạng sẽ phối hợp với Trung tâm Công nghệ Phần mềm tiếp tục nghiên cứu để điều chỉnh phần mềm, nhằm phục vụ được số lượng sinh viên đăng ký cùng lúc nhiều hơn và tránh nghẽn trong các đợt đăng ký môn học.
- Còn hạn chế do không cập nhật kịp thời các thông tin và không ai chỉ dẫn. Chưa phổ biến cụ thể cho tân sinh viên. Làm sao để có thể đăng nhập HTQL phải một cách thống nhất giữa máy tính trường và máy tính bên ngoài. (sinh viên khoa NN).
Trả lời: Thực hiện chỉ đạo của BGH năm vừa qua Trung tâm Thông tin và Quản trị mạng đã phối hợp với các đơn vị cấp các loại tài khoản và thông tin hướng dẫn sử dụng các ứng dụng/dịch vụ trên mạng Trường cho sinh viên, ngay khi sinh viên làm thủ tục nhập học. Trung tâm sẽ rà soát các tài liệu hướng dẫn cấp cho sinh viên và tài liệu hướng dẫn trên trang http://helpdesk.ctu.edu.vn để hỗ trợ sinh viên chi tiết hơn.
- Cần tăng chất lượng đường truyền Internet, đặc biệt là Wifi trong các khu vực (nhiều đơn vị)
Trả lời: Do khuôn viên của Trường lớn nên có một số khu vực trong Trường sóng Wifi còn yếu, ngoài ra để bổ sung Wifi đầy đủ cũng cần một khoản kinh khá lớn, do đó trong thời gian tới Trung tâm Thông tin và Quản trị mạng sẽ từng bước bổ sung để hoàn chỉnh hệ thông Wifi nhằm phục vụ sinh viên tốt hơn.
- Ký túc xá A đề nghị kết nối Internet cho SV sử dụng cho việc học cũng như giải trí. (nhiều đơn vị)
Trả lời: Nhằm hạn chế việc tăng chi phí cho sinh viên ở tại KTX A, trong năm qua Trường đã ký hợp đồng với Cty Cổ phần Dịch vụ Bưu chính Viễn thông Sài Gòn (SPT) để lắp đặt bổ sung Wifi miễn phí cho sinh viên sử dụng tại KTX A. Tuy nhiên thời gian qua mặc dù các đơn vị của Trường đã đốc thúc rất tích cực nhưng tiến độ triển khai của SPT vẫn còn rất chậm so với yêu cầu, hiện tại SPT mới chỉ lắp đặt được 13 điểm truy cập tại các nhà C.
Trung tâm Thông tin & Quản trị mạng, Phòng Quản trị Thiết bị và Phòng Công tác Sinh viên sẽ làm việc lại với SPT, nếu SPT không đáp ứng được việc phủ Wifi trong KTX A, các đơn vị của Trường sẽ xin ý kiến BGH để triển khai hệ thống Wifi cho KTX A tương tự như KTX B.
6. An ninh trật tự và đoàn thể
6.1. An ninh trật tự
- Gần đây có nhiều vụ mất trộm nên đề nghị có thêm Camera quan sát. (sinh viên khoa TS).
- Nên gắn camera một số nơi nhạy cảm (thư viện, căn tin) để giảm hiện tượng trộm cắp. Tăng cường tuần tra bảo vệ, tuyên truyền ý thức bảo vệ tài sản cá nhân. (sinh viên khoa NN)
Trả lời: Năm 2014, Trường đã trang bị một số camera quan sát tại các vị trí trọng yếu trong Trường. Nhờ hệ thống camera này nên Trường đã bắt nguội nhiều đối tượng có hành vi trộm cắp xe và gật dọc trong khu vực Trường. Vì vậy, gần đây các vụ mất trộm trong khu II giảm đáng kể, chủ yếu là các vụ mất tài sản cá nhân xảy ra trong ký túc xá và một số nơi sinh viên tổ chức sinh hoạt tập trung đông người. Dự kiến trong thời gian tới Trường sẽ lắp thêm một số camera ở một số nơi nhằm tăng cường hơn nữa an ninh trong khu vực Trường. Việc gắn camera cần phải có nguồn kinh phí, vì vậy Trường trang bị từng bước, không thể đồng loạt gắn ở tất cả các nơi được.
Ngoài ra, việc bảo vệ tài sản cá nhân là trách nhiệm của mọi người. Để hạn chế mất tài sản thì bản thân sinh viên trước hết phải có ý thức tự bảo vệ tài sản mình và tài sản của bạn như: phải để xe đúng nơi quy định, sinh hoạt tập thể phải phân công người giữ đồ, ngủ phải khóa cửa phòng, ra khỏi phòng buổi tối phải nhờ bạn cùng phòng khóa cửa,…
- Có một số tình trạng sinh viên chạy xe tốc độ cao gây nguy hiểm cho mọi người. (sinh viên khoa NN).
Trả lời: Trong quá trình tuần tra, lực lượng bảo vệ Trường nếu có phát hiện hiện tượng đua xe, chạy xe tốc độ cao sẽ giữ người vi phạm và thông báo cho Phòng Công tác Sinh viên và Khoa quản lý để xử lý (nếu là sinh viên) hoặc mời Công an Phường Xuân Khánh đến để xử lý vi phạm (nếu là người bên ngoài). Vì vậy, bản thân mỗi sinh viên phải có ý thức trong việc thực hiện giao thông trong Trường đúng theo quy định.
- Tăng cường đội bảo vệ tuần tra về đêm. Trang bị thêm đèn đường trong khu vực trường. (sinh viên khoa NN, KHXH&NV)
Trả lời: Đề xuất chưa rõ ý. Tổ Bảo vệ Trường hằng đêm vẫn có phương án tuần tra. Tuy nhiên, địa bàn khu II rộng trong khi số nhân viên bảo vệ trong 1 ca trực không nhiều (mỗi ca có nhóm tuần tra với 3 người, trong đó có 1 người trực tại cổng B) nên không thể cùng lúc có mặt tại nhiều nơi được, vì vậy lực lượng bảo vệ ở các đơn vị không chỉ quan sát, làm nhiệm vụ trong các tòa nhà của đơn vị mà còn có nhiệm vụ quan sát các đoạn đường chung quanh và kịp thời báo cho Bảo vệ Trường nếu phát hiện vụ việc xảy ra.
- Chưa có quy trình bắt xe sai quy định, cần có quy trình để thống nhất và thông báo cho sinh viên biết (sinh viên khoa Luật)
Trả lời: Việc mất tài sản cá nhân trong Trường tong thời gian qua, trong đó có 1 phần là xe để không đúng nơi quy định. Trường ban hành kế hoạch và lực lượng bảo vệ Trường tổ chức gom xe để không đúng nơi quy định nhằm mục đích giúp sinh viên thực hiện đúng quy định của Nhà trường trong việc tạo nên môi trường nền nếp, mà tác dụng lớn hơn đó là nhằm hạn chế tình trạng mất cắp trong khu vực Trường và không tạo “mồi nhữ” cho kẻ xấu trà trộn vào gây mất an ninh trật tự trong Trường. Trong sinh hoạt đầu năm cho sinh viên, thì việc để xe đúng quy định và việc xử lý khi để xe không đúng nơi quy định trong Trường là một trong những nội dung đã được các đơn vị lồng ghép vào nội dung sinh hoạt cho sinh viên. Vì vậy, sinh viên nên nghiêm túc thực hiện vừa góp phần bảo vệ tài sản cá nhân mình, vừa góp phần giữ gìn an ninh trật trự trong Trường và góp phần đưa Trường đi vào nề nếp.
6.2. Phát triển Đảng trong sinh viên
- Đề nghị nâng chỉ tiêu SV vào Đảng, tạo nhiều điều kiện cho SV hiểu hơn về Đảng (sinh viên khoa MT&TNTN)
Trả lời: Công tác phát triển Đảng trong sinh viên thời gian qua luôn được sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của Đảng ủy trường và các cấp ủy đảng trong Trường; số lượng đảng viên được kết nạp từ sinh viên trong nhiệm kỳ 2010-2015 tăng gần gấp đôi so với nhiệm kỳ trước. Tuy nhiên, việc phát triển Đảng phải đảm bảo về tiêu chuẩn và các quy định của Điều lệ Đảng.
Công tác giáo dục chính trị tư tưởng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đảng và của cả hệ thống chính trị trong Trường, được tổ chức thực hiện với nhiều nội dung, hình thức phong phú thông qua các hoạt động, vận động của Đảng, chính quyền và các đoàn thể trong Trường, đối với sinh viên thì thường xuyên và trực tiếp là thông qua các hoạt động của Đoàn thanh niên, Hội Sinh viên… Về công tác này Ban Tuyên giáo Đảng ủy sẽ nghiên cứu, đề xuất thêm các giải pháp nhằm đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu của sinh viên.
Công tác giáo dục chính trị tư tưởng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đảng và của cả hệ thống chính trị trong Trường, được tổ chức thực hiện với nhiều nội dung, hình thức phong phú thông qua các hoạt động, vận động của Đảng, chính quyền và các đoàn thể trong Trường, đối với sinh viên thì thường xuyên và trực tiếp là thông qua các hoạt động của Đoàn thanh niên, Hội Sinh viên… Về công tác này Ban Tuyên giáo Đảng ủy sẽ nghiên cứu, đề xuất thêm các giải pháp nhằm đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu của sinh viên.
6.3. Các hoạt động của Đoàn thanh niên
- Tạo điều kiện giao lưu nhiều hơn giữa khối Đoàn và Hội. (sinh viên khoa MT&TNTN)
- Một số phong trào Đoàn ở cấp Trường, Khoa cần thông tin sớm hơn, kịp thời. (sinh viên khoa MT&TNTN)
Trả lời: Đoàn Trường xin tiếp thu ý kiến góp ý. Đoàn trường rất khuyến khích các Đoàn đơn vị liên kết và giao lưu với nhau để tổ chức các hoạt động cho đoàn viên, sinh viên học tập, rèn luyện và đã đưa vào tiêu chí chấm điểm thi đua. Hiện nay tất cả thông tin điều được đưa lên website Đoàn trường, đề nghị đoàn viên, sinh viên thường xuyên truy cập vào website Đoàn trường http://yu.ctu.edu.vn/ để xem thông tin.
- Đề nghị cập nhật đầy đủ về thành tích khen thưởng, chức vụ công tác Đoàn, Hội cho SV (sinh viên khoa SP)
- Nên xây dựng một hệ thống quản lý việc đăng ký mượn phòng phục vụ cho các hoạt động Đoàn, Hội. (sinh viên khoa CNTT&TT)
- Đề nghị kiểm tra lại lời ăn tiếng nói của Đội Cờ Đỏ đi trực, phong cách tiếp xúc với sinh viên, việc “mang theo cây roi nhựa”. (sinh viên khoa CN)
Trả lời: Đoàn Trường xin tiếp thu ý kiến góp ý.
- Cần có nhiều hơn các chương trình giao lưu vui chơi cho sinh viên (nhiều đơn vị).
Trả lời: Hiện nay có rất nhiều chương trình giao lưu thường xuyên diễn ra ở Hội trường lớn nhưng đôi khi ít sinh viên đến tham dự. Đoàn trường rất mong muốn ngày càng có nhiều hơn các chương trình giao lưu vui chơi cho sinh viên và nhà trường đã tạo rất nhiều điều kiện về cơ sở vật chất để tổ chức hoạt động. Vấn đề còn lại là chính các bạn đoàn viên sinh viên, chi đoàn, chi hội năng động tự tổ chức cho chính các bạn tham dự.