Nhằm thiết thực chào mừng Kỷ niệm 68 năm ngày Thương binh, Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2015), đồng thời giúp Cán bộ Đoàn có cơ hội được tham quan nâng cao kiến thức văn hóa- lịch sử và hun đúc tinh thần yêu nước, uống nước nhớ nguồn… Vừa qua, Đoàn khoa Khoa học Chính trị đã tổ chức chuyến hành quân Về nguồn, đến thăm viếng một số khu Di tích Lịch sử, các địa điểm văn hóa du lịch ở thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Tây Ninh vào hai ngày 11 – 12/7/2015 do đồng chí Nguyễn Thị Kim Quế (Trưởng ban tổ chức), đồng chí Phạm Công Thiện và đồng chí Trần Trương Gia Bảo (Phó trưởng Ban tổ chức) tổ chức thực hiện.
Chuyến đi khởi hành vào lúc 3h sáng ngày 11/7/2015, địa điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là khu Di tích Địa đạo Củ Chi. Đây là căn cứ địa vững chắc của Khu ủy quân khu, Bộ Tư lệnh Sài Gòn- Gia Định, của Huyện ủy huyện Củ Chi và của toàn thể nhân dân huyện Củ Chi, cũng là thế trận đánh giặc vô cùng biến hóa, góp phần lớn vào công cuộc chống giặc, thống nhất đất nước. Chúng tôi được xem phim tư liệu lịch sử và trải nghiệm thực tế khi đi qua đoạn đường ngầm dưới lòng đất với độ sâu 3m, dài 100m và một đoạn đường ngầm sâu 6m, dài 120m. Các bạn sau khi vượt qua các đoạn đường ngầm đều có cùng cảm nghĩ là cảm phục và tự hào vì bộ đội chúng ta ngày trước có thể sống và chiến đấu trong lòng đất hẹp như vậy.
Sau khi tham quan địa đạo, cả đoàn được mời thưởng thức món khoai mì hấp dẫn, được nấu bằng bếp Hoàng Cầm. Đây là một loại bếp được thiết kế đặc biệt trong chiến tranh, nhằm tránh để giặc phát hiện khi “nấu không khói”.
Rời Địa đạo Củ Chi, chúng tôi tiếp tục hành trình đến Hội trường Thống Nhất (Dinh Độc Lập). Đây là nơi làm việc của Chính quyền cũ trước giải phóng. Ngày nay, Dinh Độc Lập không chỉ là nơi lưu lại những giá trị đặc biệt mà còn là một địa điểm du lịch văn hóa cách mạng nổi tiếng thu hút khách du lịch trong nước và cả nước ngoài.
Bảo Tàng Chứng tích Chiến tranh là điểm đến tiếp theo của chúng tôi. Đến với Bảo tàng chúng tôi không khỏi xúc động khi được xem lại những hiện vật, hình ảnh tố cáo tội ác của giặc Mỹ xâm lược và cách tàn sát, tra tấn dã man của chúng đối với quân dân ta. Qua đó, chúng tôi càng tự hào hơn về một dân tộc Việt Nam kiên cường, bất khuất, đoàn kết một lòng để bảo vệ nền độc lập cho dân tộc. Chiến tranh đã qua đi nhưng nỗi đau vẫn còn để lại qua nhiều thế hệ- nỗi đau chất độc da cam và những mảnh đời vượt lên số phận. Thế hệ trẻ chúng tôi càng thấy trân trọng và yêu quý biết bao cuộc sống hòa bình, yên ấm như ngày hôm nay.
Địa điểm kết thúc ngày tham quan đầu tiên của đoàn là Bến Nhà Rồng (Bảo tàng Hồ Chí Minh), đây là một thương cảng lớn của Sài Gòn. Tại nơi đây, vào ngày 05 tháng 6 năm 1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã ra đi tìm đường cứu nước, tìm ra chân lý để giải phóng dân tộc Việt Nam.
Bắt đầu ngày tham quan thứ hai, chúng tôi xuất phát đến tỉnh Tây Ninh, đoàn ghé thăm Khu di tích Căn cứ Trung Ương Cục miền Nam, căn cứ nằm sát biên giới Việt Nam – Campuchia, cách thị xã Tây Ninh khoảng 60km. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, miền Đông Nam Bộ nói chung và tỉnh Tây Ninh nói riêng là những địa bàn chiến lược quan trọng. Căn cứ Trung Ương Cục miền Nam trở thành thủ đô của Cách mạng miền Nam, là nơi lưu lại những chứng tích, những kỷ niệm về quá trình hoạt động cách mạng hết sức gian khổ của nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng như đồng chí Nguyễn Chí Thanh, đồng chí Nguyễn Văn Linh, đồng chí phạm Hùng, đồng chí Võ Văn Kiệt… cùng nhiều cán bộ, chiến sỹ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Di tích không chỉ có giá trị đặc biệt đối với công tác giáo dục truyền thống mà còn là điểm du lịch sinh thái hấp dẫn đối với du khách.
Ngoài những địa điểm tham quan về Di tích lịch sử, các khu căn cứ, đoàn chúng tôi còn ghé thăm Nhà thờ Đức bà, Tòa Thánh Tây Ninh, Khu trung tâm thương mại Long Hòa – Tây Ninh, thưởng thức món Bánh Canh Trảng Bàng nổi tiếng,…
Kết thúc chuyến hành trình, chúng tôi trở về Cần Thơ vào khoảng 16 giờ ngày 12/7/2015. Với những bài hát tập thể và những trò chơi nhỏ trên xe, tạo nên không khí sôi nổi, ấm áp càng thắt chặt hơn tình đoàn kết giữa các thành viên tham gia.
Chuyến hành quân Về nguồn năm 2015 của Đoàn khoa Khoa học Chính trị đã diễn ra thành công tốt đẹp, chuyến đi là điều kiện để Cán bộ Đoàn có cơ hội được giao lưu, hiểu nhau hơn, có được những giây phút thư giãn sau thời gian học tập và hoạt động ở trường; được nâng cao kiến thức văn hóa- lịch sử, phục vụ cho việc học tập cũng như giảng dạy. Tôi thấy rằng, chuyến đi thật bổ ích và thú vị, hi vọng trong thời gian tới, Đoàn khoa Khoa học Chính trị sẽ tổ chức thêm nhiều cuộc hành quân Về nguồn ý nghĩa như thế.
Bài viết: Huỳnh Như,
Ảnh: Bích Liên.