Là nơi đào tạo nguồn nhân lực trọng điểm của khu vực ĐBSCL, nhiều năm qua, Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) luôn có nhiều cách làm hay nhằm giúp sinh viên hội nhập, nâng cao trình độ, kỹ năng sống. Đặc biệt, từ tháng 7-2013, khi ĐHCT được kết nạp vào Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á, sinh viên đồng bằng có thêm nhiều cơ hội để “vươn khơi”, hội nhập cùng sinh viên các nước trên thế giới.
Sức bật AUN
Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (ASEAN University Network – AUN) là tổ chức phi lợi nhuận, được thành lập vào năm 1995. Đến nay, AUN có 30 thành viên thuộc 10 nước trong khu vực Đông Nam Á. Việt Nam có ba thành viên chính thức của AUN gồm Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh (được kết nạp lúc AUN mới thành lập) và ĐHCT (tháng 7-2013). Mục tiêu hoạt động của AUN là ngoài tăng cường sự hợp tác giữa các trường đại học còn tạo cơ hội để sinh viên trong khối AUN có dịp giao lưu, học hỏi và cọ sát, cùng tiến bộ.
Là 1 trong 5 sinh viên Việt Nam tham gia Diễn đàn giáo dục và cuộc thi hùng biện dành cho sinh viên khối AUN và khối ASEAN+3 (Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc) do Malaysia đăng cai vào cuối tháng 1-2015, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, sinh viên năm 2 ngành sư phạm Anh Văn, vẫn chưa quên cảm giác tự hào khi giới thiệu chiếc áo dài trong sự thích thú của bạn bè các nước. Tại cuộc thi thuyết trình “Young Speaker’s Contest”, Như Quỳnh đã trình bày bằng tiếng Anh vấn đề phát triển kinh tế các nước Đông Nam Á nhìn từ góc độ đảm bảo quyền lợi cho người khuyết tật, bình đẳng giới, dân tộc thiểu số… trong đó nhấn mạnh tính tích cực ở Việt Nam. Bài thuyết trình của Như Quỳnh đã lọt vào tốp 6 của diễn đàn. Như Quỳnh chia sẻ, cuộc thi như một mô hình giả lập của Hội nghị thượng đỉnh ASEAN dành cho sinh viên, bao gồm phiên thảo luận, trình bày về chính sách của mỗi nước thành viên và cuối cùng là một tuyên bố chung. Đây là cơ hội để sinh viên khu vực được làm quen với một hội nghị quốc tế, cùng nhau thảo luận và có cái nhìn sâu sắc về vấn đề của nhóm xã hội yếu thế ở từng nước. Như Quỳnh cho biết, gần một tuần sống và trải nghiệm với sinh viên 12 nước tại Đại học Kebangsaan (Malaysia), điều làm Quỳnh phấn khởi nhất là học hỏi được rất nhiều nền văn hóa, phong tục tập quán khác nhau; kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm…
Ngô Thị Kim Ngân (thứ 2, từ trái sang) cùng sinh viên Việt Nam giới thiệu Đờn ca tài tử Nam bộ tại buổi giao lưu văn hóa AUN do Malaysia đăng cai vào cuối năm 2013. Ảnh do nhân vật cung cấp |
Còn với Ngô Thị Kim Ngân, sinh viên năm 3 khoa Sư phạm, chuyến giao lưu văn hóa AUN tại Malaysia vào cuối năm 2013 đã để lại nhiều kinh nghiệm sống quý giá. Đó là cảm xúc dâng trào khi Ngân cùng 4 sinh viên Việt Nam khác kéo đờn cò, đờn ca tài tử phục vụ hàng trăm sinh viên AUN. Vì sao gọi là “Dạ cổ hoài lang”, “Vọng cổ”… cũng được các bạn giới thiệu mạch lạc bằng tiếng Anh. “Các bạn gặp sinh viên Việt Nam đều nói tiếng Việt từ “Đờn ca tài tử” và khen hết lời” – Kim Ngân nhớ lại. Là sinh viên ngoại ngữ, những chuyến đi như thế hỗ trợ Ngân rất nhiều trong khả năng giao tiếp, đàm thoại.
Theo chị Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó Bí thư Đoàn Trường ĐHCT, công tác hội nhập quốc tế được nhà trường rất quan tâm, nhất là từ khi trở thành thành viên AUN. Hằng năm, mỗi đơn vị thực hiện công tác đào tạo sinh viên của trường đều tổ chức từ 5-6 đợt giao lưu quốc tế. Đó là chưa kể các đoàn sinh viên nước ngoài đến giao lưu và học tập tại ĐHCT. Hai nội dung chính mà sinh viên ĐHCT quan tâm trong mỗi chương trình là học tập, nghiên cứu khoa học và giới thiệu văn hóa truyền thống. Qua những chuyến đi, các sinh viên không những có cơ hội cọ sát thực tế mà còn nâng cao ý thức về xây dựng cộng đồng chung ASEAN, gắn kết trách nhiệm vì sự thịnh vượng của AUN.
“Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”
Theo các cán bộ Đoàn Trường ĐHCT, chính những chuyến giao lưu quốc tế là những cuộc “vươn khơi” để trải nghiệm, nâng cao vốn sống cho sinh viên. Cách đây hơn 1 năm, Nguyễn Tường Duy, sinh viên ngành Văn học tham dự Lễ hội các dân tộc Thái Lan – “Family of man” được tổ chức tại Chiang Mai, Thái Lan. Tường Duy vẫn giữ những tấm hình rất đẹp khi mặc áo dài khăn đóng truyền thống, gõ nhịp song lang, hát “Dạ cổ hoài lang” và ca vọng cổ. Duy tâm sự rằng, qua giao lưu, Duy học hỏi rất nhiều thứ, từ cách thuyết trình đến kỹ năng làm việc nhóm, tổ chức hội trại… Duy đã tốt nghiệp trước 1 năm so với chương trình đào tạo và trở thành phóng viên của một Đài PT-TH ở ĐBSCL nhờ khả năng ngoại ngữ và quan hệ công chúng.
Rõ ràng, việc tạo cơ hội “vươn khơi” sẽ giúp sinh viên học được những kiến thức ngoài giảng đường, bổ trợ rất nhiều cho nghề nghiệp trong tương lai. Nguyễn Ngọc Như Quỳnh tâm sự, dù là sinh viên có thành tích học tập khá tốt nhưng khi giao lưu quốc tế, Quỳnh thấy mình thiếu rất nhiều. Những buổi giao lưu đã giúp Quỳnh có tư duy mở, tầm nhìn rộng hơn. “Chúng tôi tham gia bàn chuyện đại sự trong vai những nhà lãnh đạo cấp cao. Sau diễn đàn có ra tuyên bố chung hẳn hoi. Đó là sự trải nghiệm thú vị” – Như Quỳnh kể. Qua những đợt giao lưu, sinh viên ĐHCT cũng khẳng định vị thế với những giải thưởng, thứ hạng khá cao. Điển hình như ở Diễn đàn giáo dục và cuộc thi hùng biện dành cho sinh viên khối AUN và khối ASEAN+3 vào cuối tháng 1-2015 tại Malaysia, sinh viên Nguyễn Huỳnh Anh Khôi đã đạt giải nhóm làm việc xuất sắc nhất.
Hội nhập quốc tế còn giúp sinh viên có thêm những kiến thức về văn hóa, ngôn ngữ của nhiều quốc gia trong khu vực ASEAN và quốc tế. Có dịp tham dự Ngày hội Nhật Bản tại ĐHCT vào giữa tháng 3-2015, chúng tôi thật sự ấn tượng khi hàng trăm sinh viên xếp hạng trật tự để chờ thử khoác áo Yukata, Happi, ngắm nhìn búp bê truyền thống Nhật Bản. Cầm trên tay con hạc giấy xếp theo phong cách Origami, sinh viên Nguyễn Bảo Trọng, khoa Công nghệ, hào hứng: “Nhờ ngày hội này em biết thêm nhiều nét văn hóa truyền thống độc đáo của Nhật Bản”. Nhiều sinh viên được trải nghiệm tại những ngày hội, chương trình giao lưu khác ở Thái Lan, Malaysia, Indonesia cũng chia sẻ rằng “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”.
Những chuyến đi còn nối dài vòng tay bè bạn của sinh viên ĐHCT. Trở về từ Malaysia sau chuyến giao lưu văn hóa AUN tại Malaysia vào cuối năm 2013, Ngô Thị Kim Ngân có thêm người bạn mới là Soulaya Lestary, du học sinh Indonesia tại Đại học Malaya (Malaysia). Yêu mến Ngân cùng các bạn ĐHCT, chỉ vài tháng sau, Soulaya đã sang Cần Thơ theo lời “rủ rê” của Ngân. Đôi bạn đã cùng dạo bến Ninh Kiều, ngắm bình minh trên chợ nổi Cái Răng… Trao đổi qua facebook, Soulaya chia sẻ: “Tôi đã có một kỷ niệm đẹp với Cần Thơ, một tình bạn đẹp với sinh viên ĐHCT. Đó sẽ là những kỷ niệm làm tôi nhớ mãi thời sinh viên”.
Từ tháng 9-2014, Đoàn Trường ĐHCT đã thành lập Ban Hội nhập quốc tế với 15 thành viên cùng hàng trăm cộng tác viên. Nhiệm vụ của Ban là hỗ trợ sinh viên tham gia giao lưu quốc tế và chào đón sinh viên các nước đến ĐHCT. Phó Bí thư Đoàn Trường Nguyễn Thị Phương Thảo cho biết, Ban Hội nhập quốc tế cũng tăng cường chất lượng sinh hoạt của các câu lạc bộ ngoại ngữ, áp dụng những mô hình sinh hoạt, kỹ năng giao lưu tập thể… để sinh viên tự tin hội nhập. “Hội nhập quốc tế là yêu cầu tất yếu của sinh viên hiện đại. Ban giám hiệu trường luôn quan tâm, ủng hộ, dành chủ trương, kinh phí, nhân lực trong việc giúp sinh viên hội nhập. Đó là đòn bẩy để nâng tầm tri thức của sinh viên ĐBSCL, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao” – chị Nguyễn Thị Phương Thảo nhấn mạnh.
ĐĂNG HUỲNH
Nguồn: Báo Cần Thơ http://baocantho.com.vn/?mod=detnews&catid=2821&id=162374