Sinh viên Đại học Cần Thơ, Lê Phan Xuân Ngọc – Lớp Kinh doanh quốc tế K40 là đại biểu tham dự Hội thảo về Tăng cường tính kết nối và so sánh trong giáo dục Đại học khu vực Đông Nam Á (dự án SHARE) tại Indonesia
Từ ngày 24/08 đến 25/08/2015, tại trụ sở của Ban Thư ký ASEAN (Jakarta, Indonesia) đã diễn ra buổi Khai mạc Hội thảo và đối thoại của dự án SHARE với chủ đề Tăng cường tính kết nối và so sánh trong giáo dục Đại học khu vực Đông Nam Á .
Tham dự chương trình có các đại biểu đại diện cho các tổ chức: British Council (Anh), Campus France (Pháp), DAAD (Đức), EP-Nuffic (Hà Lan), AQU (Catalunya), EURASHE, ENQA và EUA (EU); Ban Thư Ký ASEAN, đại diện của các tổ chức ASEAN và các tổ chức trong khu vực Đông Nam Á liên quan đến lĩnh vực Giáo dục Đại học: AUN, AUN-ACTS, AUN SEED-NET ASEAN SOM-ED, ASEM, AQAN, AQRF và AQAFHE, SEAMEO và SEAMEO RIHED, ONESQA (Thái Lan), PAASCU (Philippines) và các đại biểu đại diện Ban giám hiệu, giảng viên, sinh viên đến từ các quốc gia trong khu vực ASEAN và các cơ quan báo đài.
Dự án SHARE (European Union Support to Higher Education in The ASEAN Region) là Dự án hỗ trợ Giáo dục Đại học ở khu vực ASEAN do Liên Minh Châu Âu tài trợ trong giai đoạn (2015-2019) nhằm mục tiêu tăng cường sự hợp tác, nâng cao chất lượng, tính cạnh tranh và quốc tế hóa của các học viện và sinh viên trong khu vực ASEAN, góp phần xây dựng Cộng đồng ASEAN từ năm 2015; Bên cạnh đó, mục đích chính của dự án là thắt chặt mối quan hệ giữa EU và Cộng đồng kinh tế ASEAN cũng như xây dựng lợi ích bền vững từ sự hài hòa giữa hệ thống giáo dục bậc cao ở ASEAN.
Xuyên suốt 2 ngày làm việc tại Jakarta, các diễn giả, chuyên gia giáo dục đại học từ Châu Á và Châu Âu, chính phủ, các tổ chức khu vực đã thảo luận xoay quanh ba mục tiêu chính của dự án: Đối thoại chính sách, khung tham chiếu bằng cấp chung ASEAN và đảm bảo chất lượng ASEAN và hệ thống chuyển đổi tín chỉ và sự chuyển dịch sinh viên trong khu vực ASEAN; phân tích cụ thể các số liệu và kinh nghiệm thực tế các tổ chức Châu Âu, bàn về các khó khăn, thách thức cũng như lợi ích và cơ hội của việc kết nối giáo dục bậc cao trong khu vực ASEAN và đề ra những kế hoạch SHARE sẽ được tiến hành trong thời gian sắp tới.
Giáo sư Nantana Gajaseni, giám đốc điều hành tổ chức AUN,
trình bày tham luận tại ngày đối thoại thứ 1
Cũng trong hội thảo, nhiều chuyên gia đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chuyển dịch sinh viên trong nội bộ khu vực ASEAN và tác động của nó tới sự phát triển của cá nhân, đất nước, khu vực và quốc tế nói chung; các giải pháp để dần xóa bỏ rào cản khu vực hướng tới tầm nhìn ASEAN 2020, về các tiêu chí chung khi xây dựng khung bằng cấp tham chiếu chung ASEAN, về việc đảm bảo chất lượng hệ thống chuyển đổi tín chỉ và về sự cần thiết phải xây dựng sự hiểu biết, tin tưởng, hợp tác giữa các trường Đại học, tăng cường ý thức cộng đồng về sự phát triển của ASEAN.
Tiến sĩ Stefan Hell (British Council), trưởng ban điều phối dự án tổng kết Hội thảo
Bên ngoài khuôn khổ chương trình là các hoạt động giao lưu, tương tác giữa các đại biểu sinh viên đến từ các trường đại học trong mạng lưới AUN nhằm tăng cường sự hiểu biết, giao lưu văn hóa và thắt chặt tình hữu nghị giữa sinh viên các nước trong khu vực ASEAN.
Từ trái sang phải: đại diện sinh viên các nước: Campuchia, Indonesia, Malaysia,
Philippines, Singapore, Thailand, Vietnam