Nhằm giáo dục truyền thống yêu nước và thể hiện lòng biết ơn Tổ quốc, vừa qua Hội Sinh viên trường Đại học Cần Thơ đã tổ chức chuyến về nguồn vào ngày 29/12/2017 tại Vĩnh Long, Trà Vinh và Bến Tre với sự tham gia của anh Lê Nguyễn Hải Đăng – Phó Chủ tịch Hội sinh viên trường, anh Trần Lê Hoài Thương – Phó Chủ tịch Hội sinh viên trường cùng các anh chị là Ủy viên Ban chấp hành Hội Sinh viên trường, thường trực các Liên chi Hội Sinh viên, Câu lạc bộ, Đội, Nhóm trực thuộc Hội sinh viên trường. Đây còn là cơ hội để các bạn Cán bộ Hội của trường gắn kết với nhau, tìm hiểu thêm về lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam nói chung và của người dân Nam bộ nói riêng trong thời kỳ kháng chiến chống giặc ngoại xâm.
Sau gần hai giờ đồng hồ xuất phát từ Cần Thơ, điểm đến đầu tiên của đoàn là Khu tưởng niệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt tọa lạc tại ấp Phong Thới, thị trấn Vũng Liêm, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Khu tưởng niệm được khánh thành vào ngày 23/11/2012.
Đoàn chụp ảnh lưu niệm trước Khu tưởng niệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (Vĩnh Long)
Đoàn tưởng niệm về công lao to lớn của Cố Thủ tướng chính phủ Võ Văn Kiệt
Đến đây, đoàn được chị thuyết minh viên giới thiệu, tham quan nhà trưng bày, nhà làm việc, khu thờ vườn hoa, hồ nước. Đoàn còn được chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Ấn tượng nhất là bức ảnh chân dung của cố Thủ tướng được ghép từ 15.000 bức ảnh nhỏ. Theo chị hướng dẫn viên tại Khu tưởng niệm, người thực hiện bức ảnh này là hoạ sĩ Nguyễn Minh, dựa trên ý tưởng của Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Nai Trần Đình Thành. Hoạ sĩ Nguyễn Minh mất 08 tháng để sưu tầm các ảnh nhỏ và 04 tháng để thiết kế thành bức ảnh lớn, chiều cao 1,9m, rộng 1,5m phác hoạ chân dung cố Thủ tướng với nụ cười rạng ngời ẩn trên nền là những công trình mang đậm dấu ấn của ông. Điển hình là công trình thuỷ điện Trị An, đường dây tải điện 500kV Bắc - Nam, Khu công nghiệp nhà máy lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi). Bức ảnh là món quà của Tỉnh uỷ Đồng Nai tặng khu tưởng niệm tháng 4/2013 để ghi nhớ công lao của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và những đóng góp to lớn của ông cho đất nước.
Đoàn chụp ảnh lưu niệm với bức ảnh chân dung của cố Thủ tướng
Chụp hình lưu niệm tại nhà trưng bày
Trước khi đến điểm tham quan tiếp theo, thay mặt Đoàn, anh Huỳnh Hải Đăng – Liên chi hội trưởng LCHSV Hậu Giang đã đặt bút viết vào sổ lưu niệm bằng tất cả niềm biết ơn và trân trọng.
Chia tay với Khu tưởng niệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đoàn tiếp tục di chuyển đến điểm đến tiếp theo là Khu di tích Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tọa lạc ở ấp Vĩnh Hội, xã Long Đức, thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh (Việt Nam); cách trung tâm thành phố Trà Vinh khoảng 5 km về hướng Bắc. Ngôi đền được khởi công vào ngày 10 tháng 3 năm 1970 và khánh thành ngày 26 tháng 1 năm 1971.
Thành kính dâng hương tưởng nhớ về vị cha già kính yêu của dân tộc
Khi mới xây dựng, đền có kết cấu đơn sơ bằng vật liệu tre lá, trên một diện tích 16 m2 và chỉ cách một đồn quân của Việt Nam Cộng hòa vài trăm mét. Trong chiến tranh, ngôi đền đã nhiều lần bị bom đạn của đối phương tàn phá. Đến ngày 10 tháng 3 năm 1971, thì đền bị đốt cháy. Đầu năm 1972, một số người dân Long Đức lại góp tiền của và công sức xây lại ngôi đền mới. Sau đó, đền lại bị đốt cháy mấy lần nữa, trong đó lần cuối là vào chiều ngày 9 tháng 4 năm 1975. Ngày 29 tháng 4 năm 1975 (tức chỉ trước một ngày xảy ra sự kiện 30 tháng 4 năm 1975), ngôi đền lại bị bom đạn làm hư hỏng một phần. Sau năm 1975, đền lại được chính quyền tỉnh Trà Vinh cho trùng tu, và sau đó còn được tôn tạo nhiều lần.
Đoàn chụp hình lưu niệm trước Đền Thờ Chủ Tịch Hồ Chí Minh tại Trà Vinh
Chia tay với Khu di tích Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh đoàn tiếp tục di chuyển đến điểm kế tiếp là Khu tưởng niệm Liệt sỹ – Anh hùng LLVT Trần Văn Ơn tại xã Phước Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre trong khuôn viên đất của gia đình với các khu nhà như: nhà trưng bày, nhà lưu niệm, nhà thủy tạ,… Anh Trần Văn Ơn sinh ngày 14/04/1931, là người con của quê hương Bến Tre tiêu biểu cho phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên cả nước trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Ngày 09/01/1950, anh Trần Văn Ơn là một thành viên trong ban lãnh đạo học sinh, sinh viên đã đứng lên đấu tranh đòi hỏi thực dân Pháp phải đảm bảo an ninh cho học sinh, sinh viên được học tập và trả tự do cho những học sinh bị bắt. Trong cuộc đấu tranh ấy, anh Trần Văn Ơn đã anh dũng hi sinh ở tuổi 19. Với sự kiện lịch sử này, tháng 2/1950, tại Đại hội toàn quốc Đoàn thanh niên Việt Nam lần thứ nhất ở Việt Bắc đã quyết định lấy ngày 09/01 làm “Ngày truyền thống Học sinh – Sinh viên Việt Nam”. Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội sinh viên lần thứ 5 vào tháng 11/1993 tại Hà Nội đã quyết định đồng thời lấy ngày 09/01 là “Ngày Truyền thống của Hội sinh viên Việt Nam”. Năm 2000, anh được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Đoàn đến thắp hương và nghe kể về cuộc đời cách mạng của Anh Hùng Liệt Sĩ Trần Văn Ơn tại Bến Tre
Đoàn chụp hình lưu niệm trước Khu tưởng niệm Liệt sỹ – Anh hùng LLVT Trần Văn Ơn
Bên cạnh việc để các bạn tưởng nhớ đến các vị anh hùng của dân tộc, chuyến đi còn là dịp để các bạn cán bộ hội vui chơi, giao lưu sau những ngày học và hoạt động hăng hái. Lúc 15h30 cả đoàn đã có mặt tại khu du lịch Lan Vương tại bến Tre. Mọi người vui chơi với tinh thần thoải mái và vui vẻ.
Các bạn hào hứng khi được tham gia vui chơi tại Khu du lịch Lan Vương
Chuyến tham quan về nguồn khép lại sau một ngày ngắn ngủi đã đem lại cho các bạn Cán bộ Hội tham gia nhiều kiến thức về lịch sử hào hùng cùng các di tích của dân tộc và hơn hết là giúp thể hiện được lòng biết ơn của mình đối với thế hệ đi trước đã cống hiến cho Tổ quốc, đồng thời góp phần nâng cao tinh thần đoàn kết và ý thức dân tộc trong thời đại hiện nay.
Một số hình ảnh của chuyến Về nguồn
Tin bài: Nguyễn Thị Ngọc, Mai Anh Thư
Hình ảnh: Hoài Thương