Hoạt động tình nguyện đã không còn xa lạ đối với tuổi trẻ hiện nay. Những hành động tưởng chừng đơn giản nhưng đem lại hiệu quả hết sức lớn lao. Tình nguyện đem đến nhiều lợi ích về kỹ năng, giúp ta tự lập, năng động, tự tin; phát triển bản thân, hoàn thiện nhân cách, giúp ích cho mọi người, … đó chính là động lực để nhiệt huyết của tuổi trẻ sục sôi đi tiên phong, gắn kết cùng các hoạt động tình nguyện. Nhưng không phải bạn trẻ nào cũng nhận thức đầy đủ vai trò của các hoạt động mang tính xã hội, mang tính cộng đồng và nhân văn như hoạt động tình nguyện.
Các bạn chưa thật sự hiểu về “tình nguyện”, còn thờ ơ, vô cảm trước các vấn đề xã hội. “Tình nguyện” không chỉ dừng lại ở sự tự nguyện, tự giác mà nó còn thể hiện bằng việc cống hiến thời gian, công sức, tâm huyết, kỹ năng và hiểu biết của mình đem lại lợi ích chung cho mọi người, cho cả cộng đồng và toàn xã hội.
“Hoạt động tình nguyện còn được coi là lao động công ích”… Đó không chỉ là suy nghĩ của các bạn trẻ, mà còn là suy nghĩ chung của các bậc phụ huynh. Họ chưa thật sự hiểu rõ về các hoạt động tình nguyện, chưa thấy được những lợi ích của các hoạt động này đối với người tham gia, đối với mọi người và toàn xã hội. Thật đáng buồn khi người ta cho rằng làm tình nguyện là việc làm dư thừa, mất thời gian, ảnh hưởng học tập, việc làm của những người rảnh rỗi, “ăn cơm nhà lo việc thiên hạ”, “cha chung không phải khóc”. Điều đó chỉ đúng đối với những bạn bỏ bê chuyện học tập, sa sút trình độ chuyên môn dùng lý do đi hoạt động để đổ lỗi cho các vấn đề tiêu cực ấy; tham gia hoạt động tình nguyện theo phong trào, để đạt số lượng, đạt chỉ tiêu, gặp nhiều người để nói chuyện phiếm, muốn khẳng định mình là người biết vì cộng đồng trước mặt mọi người, hoặc tham gia để vì mục đích tìm kiếm “một nữa trái tim” mình. Thậm chí các bạn còn “đong đếm”, tính toán, cho rằng bỏ công sức ra thì phải được trả công, phải có thù lao cho những việc đã làm, cho nên những hoạt động nào có cộng điểm, bồi dưỡng do chương trình có nhà tài trợ thì tham gia đông hơn hẳn, ngược lại thì ích hơn, nhỏ lẻ,…
Càng phải quan tâm hơn nữa đó chính là các bạn trẻ chưa thật sự biết cách ứng xử khi đi thực hiện các hoạt động tình nguyện:
Thứ nhất: Về trang phục, có quá nhiều bạn trẻ khi tham gia các hoạt động tình nguyện còn ngại khó, ngại nắng, nên họ thường trang bị cho mình một bộ “giáp ninja” chùm kín khắp cơ thể; hoặc có một số bạn còn xem tham gia tình nguyện như đi biểu diễn lễ hội, thời trang, các bạn sắm sửa, diện cho mình bộ thời trang có thể nói là đắt tiền, sặc sỡ, “đỉnh” nhất, sốc nhất, để nhằm tôn vinh vẻ đẹp, vẻ quý phái, giàu có, khác lạ… nhưng thật chất các bạn đã gây phản cảm cho người nhìn, vì không đúng nơi, đúng chỗ, không thích hợp.
Thứ hai: Về thái độ, lời nói, hành động, các hoạt động tình nguyện điều tham gia trên tinh thần tự nguyện không ai ép buộc nên khi tham gia phải hết mình, vui vẻ, hứng khởi các hoạt động và thân thiện với mọi người, không gây mất đoàn kết, bình đẳng đối xử, dung hòa các mối quan hệ giữa các tình nguyện viên. Không nói tục, đánh nhau, không hút thuốc, vứt rác bừa bãi. Những hành động này chính là nguyên nhân làm người khác đánh giá và mất thiện cảm với các tình nguyện viên chúng ta.
Phải hết sức chú ý khi tiếp xúc, giao tiếp, cũng như tặng quà, thăm hỏi trẻ khuyết tật, trẻ nhiễm chất độc màu da cam, những mãnh đời nghèo khó, kém may mắn, thì phải tôn trọng, không nên ngại, tỏ ra sợ hãi, xa lánh, kì thị…khi chúng ta tặng cho họ, giúp đỡ họ tuy giá trị vật chất không đáng là bao nhưng đối với cách chúng ta trao tặng, giúp đỡ, với thái độ quan tâm, chia sẽ, thì nó đã vượt xa cái giá trị vật chất gấp nhiều lần (“Của cho không bằng cách cho”).
Vấn đề cần quan tâm cuối cùng đó là các hoạt động, mô hình tình nguyện chưa mang lại hiệu quả cao, chưa thật sự khơi gợi, thu hút hết sức tình nguyện của các bạn trẻ tham gia; còn nặng về hình thức, số lượng, chỉ tiêu nhưng chưa chú trọng nhiều đến giá trị cuối cùng, chất lượng, hiệu quả. Cũng còn tồn tại một số ít hoạt động được tổ chức nhằm mục đích cá nhân, mục đích phục vụ không phải cho lợi ích chung của cộng đồng; tận dụng, sử dụng chưa hiệu quả và hợp lí các nguồn tài trợ cho hoạt động.
Nếu có ai hỏi tôi tham gia hoạt động tình nguyện có lợi ích gì không. Tôi sẽ trả lời là không(đó là về vật chất). Nhưng hoạt động tình nguyện đem đến vô vàng lợi ích về tinh thần cho tôi giúp tôi mở rộng hơn nhiều mối quan hệ, dễ nhận thấy hầu hết các hoạt động này, đều là do hội, nhóm tổ chức và có rất nhiều thành viên, thế nên ắt hẳn là có điều kiện mở rộng rồi. Ngoài những người bạn mới, tôi còn có cơ hội tiếp xúc với các doanh nghiệp, tổ chức tài trợ. Và biết đâu, sự hăng say, nhiệt huyết của tôi sẽ được một vài nhà tuyển dụng có thiện cảm.
Giúp nâng cao trình độ học tập của tôi vì khi tôi tham gia các hoạt động tình nguyện với anh chị lớn tuổi hơn, tôi có cơ hội học hỏi kinh nghiệm học tập và kinh nghiệm sống của các anh chị ấy. Mỗi một thành viên là một thế giới thú vị để tôi khám phá và học hỏi.
Hoạt động tình nguyện luôn hướng tới mục đích mang đến nụ cười, chia sẻ khó khăn với những người kém may mắn, những người có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội. Làm tình nguyện là vì người khác, vì những người cần sự giúp đỡ, mà những người đó thường là những số phận kém may mắn, là những đứa trẻ mồ côi, người khuyết tật, người già cô đơn. Tiếp xúc với họ, giúp đỡ họ dù chỉ là những việc rất nhỏ, bạn sẽ thấy mình có ích. Bên họ bạn mới nhận ra rằng, những trở ngại và khó khăn trong cuộc sống mà bạn vẫn thường than vãn chẳng thấm tháp gì so với những mất mát, khó khăn mà những người thiệt thòi đang từng ngày phải gánh chịu. Bạn vẫn còn hạnh phúc và may mắn hơn họ rất nhiều, điều mà không phải lúc nào bạn cũng nhận ra. Chính vì thế, khi chúng ta cho đi một nụ cười, chúng ta sẽ nhận lại được gấp nhiều lần những nụ cười, những lời cảm ơn. Chúng ta sẽ cảm thấy nhẹ nhàng hơn, tĩnh tâm hơn, mọi căng thẳng học tập và công việc bỗng nhiên tan biến. Hạnh phúc chỉ đơn giãn là giúp được người và mình được thoải mái.
Cho tôi được nhiều kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, ứng xử, kỹ năng quan sát, kỹ năng tặng quà, cách tổ chức sắp xếp công việc cá nhân… Việc học kỹ năng sống bằng những hoạt động thực tiễn chắc chắn sẽ có hiệu quả cao hơn rất nhiều lần so với việc ngồi vẽ ý tưởng trên giấy bút. Những chỉ dẫn và cách xử lý tình huống phát sinh của những người đi trước sẽ giúp tôi thêm tự tin, “cứng cáp” hơn và không còn bỡ ngỡ khi gặp phải các sự cố bất ngờ trong cuộc sống, … Đó chính là những lí do thôi thúc tôi đã, đang và sẽ tiếp tục cống hiến cho hoạt động cộng đồng.
Cơ hội tình nguyện là vô tận, không trọng hình thức, không trọng vật chất cho dù đó chỉ là hành động dắt một bà cụ qua đường; cúi nhặt hòn đá để người khác đừng té ngã; nhặt túi nilong vứt vào thùng rác cho môi trường sạch hơn…
Thấy người cúi nhặt cành gai
Bỏ vào bụi rậm khỏi ai đạp nhầm
Việc làm dẫu rất âm thầm
Cũng lay động được cái tâm người nhìn
Vậy, tại sao chúng ta không dành một chút thời gian, công sức tham gia để cuộc sống của ta và những người xung quanh ngày càng tốt đẹp.
Song, nói đi cũng cần nói lại, vẫn biết là ý nghĩa của tình nguyện không nằm ở giá trị vật chất, nhưng nếu không có “tiền đi lại” thì sẽ rất khó khăn cho sinh viên. Điều này cần tháo gỡ theo hai hướng, một là Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên xin nhà trường kinh phí hỗ trợ hoạt động; hai là chúng ta tự tìm nguồn tài trợ, coi đây là một phần của kế hoạch tình nguyện. Còn có thể cuối cùng nếu chúng ta muốn tổ chức hoạt động tình nguyện thì có thể tự thân vận động, cùng nhau đóng góp “của ích lòng nhiều” vào quỹ hoạt động chung.
Bài viết: Hồ Chí Thành