“Cuộc đời là một hành trình lớn mà giữa mỗi chặng đường được kết nối bằng những chuyến đi. Chuyến đi đầu tiên của mỗi chúng ta bắt đầu tại thời điểm mà ta ý thức được niềm khát khao được vùng vẫy, được vươn tay ra chạm vào và khám phá thế giới rộng lớn bên ngoài.” Thiết nghĩ, ai cũng mong muốn tuổi trẻ của mình không hoài phí, và bất kì người trẻ nào cũng muốn một lần được khám phá, tìm tòi những điều mới mẻ với những người bạn thân thương. Tôi và những người đồng đội của tôi cũng thế! Vào ngày 18 -19/3/2017 vừa qua, chúng tôi đã có chuyến về nguồn vô cùng ý nghĩa, bởi trong chuyến đi này, chúng tôi được đến tham quan các khu di tích lịch sử, chiêm nghiệm lại quá khứ một thời nhuốm đỏ máu và nước mắt trong cuộc chiến oanh liệt, hào hùng của dân tộc. Không chỉ vậy, chúng tôi còn được giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm công tác Hội với các bạn sinh viên Trường Đại học Công nghiệp TP. HCM. Với tôi, khoảng thời gian vỏn vẹn hai ngày đó, không chỉ đơn giản là chuyến đi thực tế về nguồn, hơn thế, đó là sự trải nghiệm, sự tích lũy và là chuỗi kỉ niệm dạt dào cảm xúc.
Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là khu tưởng niệm chiến thắng Rạch Gầm – Xoài Mút (Châu Thành – Tiền Giang), nơi làm nên chiến thắng lịch sử hào hùng của vị anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ. Có lẽ sẽ ít ai ngờ cách Cần Thơ khoảng hơn 2 giờ xe chạy lại có một nơi tái hiện cuộc chiến vẻ vang theo cách sinh động đến thế, không bài học thuộc lòng hay sách vở nào có thể khiến chúng tôi đọng lại sâu sắc từng chi tiết đến như vậy. Song song đó, là bao cảm xúc chực trào dâng, vừa trầm trồ, thán phục lại vừa rất đỗi tự hào. Toàn cảnh trận đánh chiến thắng 5 vạn quân Xiêm xâm lược của anh hùng Nguyễn Huệ cùng với quân dân ta như được hiện ra trước mắt chúng tôi thông qua phần thuyết minh của chị hướng dẫn viên. Một bức tranh về cuộc chiến đấu ngoan cường không chỉ được tái hiện bởi cảnh, bởi lời thuyết minh mà còn thực hiện bởi hồn thiêng của chứng nhân, của vết tích lịch sử. Bức tranh ấy được vẽ ra trong tâm trí chúng tôi sắc nét đến từng cử chỉ. Một lần được sống lại lịch sử trong khoảnh khắc hỗn loạn, tôi thêm yêu từng tấc đất, từng con người, từng linh hồn của các bậc tiền nhân đã ngã xuống vì quê hương. Hơi thở hào hùng của dòng chảy lịch sử như lúc nào cũng bao trùm không khí nơi này, khiến nó trở nên linh thiêng và lẫm liệt.
Chị thuyết minh viên giới thiệu về bức tranh gốm mô tả trận thủy chiến Rạch Gầm – Xoài Mút (Tiền Giang)
Chụp ảnh lưu niệm trước gian nhà sàn Nam bộ trong khu tưởng niệm chiến thắng Rạch Gầm – Xoài Mút (Tiền Giang)
Hôm ấy, ngoài đoàn chúng tôi đến tham quan còn có đoàn của các em học sinh tiểu học, nhìn vẻ mặt thơ ngây, ánh mắt hồn nhiên đến ngơ ngác của các em khi được thăm lại chiến tích xưa của dân tộc, trông đáng yêu làm sao. Thiết nghĩ, ở tuổi của các em, những chuyến thực tế như thế là vô cùng cần thiết, thay cho việc nhồi nhét từng con chữ, các em chắc hẳn sẽ được trải nghiệm nhiều hơn ngay trong chính bản thân mình mà không phải bị gò ép, thúc giục của thầy cô, cha mẹ. Chỉ có như thế, tinh thần yêu nước, trân quý giá trị lịch sử nước nhà mới được hun đúc một nền tảng vững bền. Và chắc chắn rằng, thế hệ mai sau, sẽ không còn coi lịch sử là một gánh nặng đến ngao ngán, mà nó sẽ là một chuyến hành trình ngược dòng thời gian, lật lại trang sử vàng dân tộc vô cùng thú vị.
Chia tay với Rạch Gầm – Xoài Mút, với những khoảnh khắc đầy hào khí trong tôi, đoàn chúng tôi di chuyển đến huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre – quê hương của liệt sĩ, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Ơn. Chàng thanh niên đã anh dũng hy sinh trong cuộc biểu tình của Học sinh – Sinh viên vào tháng 01/1950 tại Sài Gòn khi chưa đầy 19 tuổi. Đến với khu tưởng niệm, chúng tôi không khỏi nghẹn ngào, cầm trên tay nén hương thắp cho người anh hùng trẻ tuổi ấy, tôi bồi hồi và không ngừng suy nghĩ. Đã bao lần tôi vẫn nghêu ngao câu hát “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà hãy hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc…”. Thanh niên chúng tôi được may mắn sinh ra và lớn lên trong một cuộc sống hòa bình, tự do, một mái nhà màu hồng mang tên Tổ quốc. Mái nhà ấy được xây dựng bởi từng viên gạch được đánh đổi bằng máu thịt của cha ông, của những người trạc tuổi chúng tôi. Bởi thế, nhiệm vụ của tôi cùng các bạn lúc này, là điểm tô thêm cho mái nhà ấy của mình, không làm hoài công sự hi sinh của những người đi trước. Thật ngưỡng mộ anh – anh hùng Trần Văn Ơn và vô cùng biết ơn sự hi sinh của anh, cùng với họ – vô số đồng đội khác, những người “không ai nhớ mặt đặt tên”, những con người đã ngã xuống ở những ngưỡng tuổi đôi mươi còn đằm thắm xuân xanh. Chắc chắn rằng, anh và họ sẽ luôn sống mãi trong lòng của nhân dân Việt Nam nói chung và thế hệ thanh niên Việt Nam nói riêng, mãi một tấm gương sáng cho thế hệ trẻ chúng tôi noi theo, để cố gắng phấn đấu học tập, hoàn thiện bản thân và giúp ích cho đất nước.
Rời Bến Tre với hương khói còn quẩn quanh trong lòng tôi, đoàn chúng tôi đến với thành phố mang tên Bác – thành phố Hồ Chí Minh. Tiếp tục cuộc hành trình, chúng tôi đến giao lưu với các bạn sinh viên trường Đại học Công nghiệp TP.HCM. Chúng tôi nhận được sự đón tiếp nồng hậu khi vừa đặt chân đến, quả thật rất ấm lòng. Đầu tiên, chúng tôi được dẫn đến tham quan phòng truyền thống và thư viện của trường bạn. Tôi hiểu được các bạn đã tự hào như thế nào với bề dày thành tích và truyền thống của trường khi giới thiệu cho chúng tôi. Tiếp đến là buổi chia sẻ kinh nghiệm công tác Hội giữa hai trường, qua những chia sẻ của trường bạn, chúng tôi được hiểu hơn về hoạt động Hội theo cách tổ chức liên chi, chi hội theo khoa, chi đoàn là như thế nào. Từ đó có thể rút ra được những điều hay để sau này có thể vận dụng cho đơn vị mình.
Dâng hương tại nhà thủy tạ trong khu tưởng niệm Liệt sĩ Trần Văn Ơn – (Bến Tre)
Buổi chia sẻ kết thúc, đoàn chúng tôi giao lưu văn nghệ với nhau, đó hiển nhiên trở thành ngọn đuốc đốt cháy rào cản khoảng cách của sự e ngại giữa hai trường. Cảm nhận đầu tiên trong tôi là các bạn sinh viên Công nghiệp rất hoạt ngôn và năng động. Nếu trong buổi chia sẻ chúng tôi được hiểu thêm nhiều điều về công tác Hội của trường bạn thì trong buổi giao lưu văn nghệ này chúng tôi và các bạn được hiểu nhau hơn, cùng trò chuyện, cùng ca hát, nhảy múa và thậm chí cùng cổ vũ, không khí thật sôi động. Đặc biệt các bạn còn tự tay pha chế thức uống để chiêu đãi chúng tôi. Tất cả chúng tôi đã có một buổi tối thật khó quên tại đây. Chỉ trong vài giờ, những con người, những cá thể xa lạ đã có thể hòa chung điệu nhạc, hòa chung tiếng nói, cười, và hòa chung cả nhịp đập trái tim, chúng tôi gắn kết với nhau như đã quen tự bao giờ. Chào tạm biệt các bạn, những người lạ nhưng lại rất đỗi thân thương của chúng tôi, hi vọng sớm gặp lại các bạn. Các bạn là minh chứng cho sự nhiệt huyết, năng nổ của tuổi trẻ, hơn hết là sự đoàn kết tinh thần giữa các bạn sinh viên, thế hệ trẻ của đất nước.
Tham quan nhà truyền thống của trường Đại học Công nghiệp TP.HCM
Sáng hôm sau chúng tôi di chuyển đến tham quan Địa đạo Củ Chi (Củ Chi – TPHCM). Đến đây, chúng tôi không chỉ được biết thêm nhiều kiến thức về lịch sử mà còn được trải nghiệm cảm giác “chui” vào hầm là như thế nào. Mặc dù chỉ chui hai đường hầm với chiều dài 20m và 70m thôi nhưng bản thân tôi đã thấm mệt, từ đó tôi càng thêm ngưỡng trước sự kiên cường, anh dũng đấu tranh của nhân dân ta trong cuộc chiến đấu với kẻ thù. Có những bậc anh hùng tuổi tầm cha tầm chú, cũng có những cô – cậu anh hùng tuổi cỡ chúng bạn, chúng em, họ vì tình yêu đối với đất nước, bản thân quên đi mệt mỏi và sự tạo ra liều thuốc kháng sinh cường tráng có thể vượt qua bao trận đồ, hầm mỏ chông gai, hiểm trở, đầy khó nhọc. Thật không hổ danh là “Đất nước của những người không bao giờ khuất”, tôi càng thêm tự hào về dân tộc bao nhiêu. Có lẽ, chúng tôi cần phải cố gắng hơn nữa khi được ưu ái sinh ra trong một đất nước êm ấm, không có chiến tranh.
Xem phim tái hiện lại trận chiến “Tam giác sắt 1967″ (Củ Chi – TP. HCM)
Ngoài ra, đoàn chúng tôi còn được xem tái hiện lại của cuộc kháng chiến hào hùng của nhân dân ta trong trận “Tam giác sắt năm 1976″ với mô hình tái hiện rất kì công, mọi thứ như đang diễn ra trước mắt chúng tôi từ chiếc máy bay bốc cháy, chiếc xe tăng đang di chuyển cho đến sự chiến đấu anh dũng của các chiến sĩ. Nếu ở trận Rạch Gầm – Xoài Mút là một hào khí hào hùng, thì ở trận Tam giác sắt này, tôi cảm nhận được một khí thế dũng mãnh, khốc liệt. Hơn cả gươm đao, giáo mác, đó là khói thuốc súng, bom đạn, những vũ khí giết người tàn nhẫn, sắt đá. Khi cuộc chiến tranh càng hiện đại, vũ khí và chiến lược cũng tỉ lệ thuận theo sự hiện đại ấy, thì những người lính ngoan cường của dân tộc tôi lại càng phải quyết tâm và mưu dũng nhiều hơn để gìn giữ từng tấc đất cho quê hương. Đến với Địa đạo Củ Chi chúng tôi còn được thưởng thức món ăn đặc sản nơi đây, đó là “Khoai mì kè” chấm với muối mè. Trong vị bùi của bột có sự cứng cỏi, khô cằn, như quãng đời vất vả của người lính, của người dân nghèo xa xưa bữa đói bữa no, chỉ mong có cái bỏ bụng. Sự khô cằn ấy có khi còn tượng trưng cho sự từng trải, cuộc sống vốn là thế, vừa ngọt, vừa mùi mẫn nhưng lại cũng lắm chông gai. Có ăn mới hiểu hết được cái vị mộc mạc, bình dị đến lạ thường. Đôi khi ăn không phải để ngon, để no, mà là sự cảm nhận cuộc sống. Không chỉ thế, chúng tôi còn được giới thiệu về bếp Hoàng Cầm, một loại bếp không khói mà trước đây chúng tôi đã từng được biết đến trong những bài học lịch sử hay trong những vần thơ. Như nhà thơ Phạm Tiến Duật đã từng viết:
“Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời
Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy…”
Chuyến đi kết thúc, để lại cho chúng tôi thật nhiều kỉ niệm, nhiều cảm xúc. Cuộc hành trình dù ngắn ngủi nhưng cũng giúp chúng tôi được trau dồi thêm về lịch sử chiến đấu hào hùng của cha ông từ thời vua Quang Trung cho đến cuộc đấu tranh anh dũng của những chàng thanh niên hay cuộc kháng chiến vĩ đại của nhân dân ta tại Địa đạo Củ Chi. Bên cạnh đó còn tích luỹ thêm nhiều kinh nghiệm trong quá trình giao lưu chia sẻ với các bạn trường Đại học Công nghiệp TP. HCM. Tôi góp nhặt thêm cho mình vô số kiến thức và sự trải nghiệm, từ đó phấn đấu hoàn thiện bản thân mình hơn. Mặc dù chỉ với 2 ngày nhưng tình cảm của những Cán bộ Hội chúng tôi như được gắn kết hơn rất nhiều. Chân thành cảm ơn Hội Sinh viên trường đã tổ chức cho chúng tôi một chuyến đi thật ý nghĩa. Mong rằng những chuyến đi về nguồn như thế này sẽ được tổ chức nhiều hơn nữa. Để không chỉ tôi, mà còn nhiều, nhiều bạn trẻ khác nữa, đi để biết đất nước mình kiên cường đến nhường nào. Đi để biết dù trải qua chừng ấy năm đau thương, nhưng đất nước mình vẫn nghĩa tình và tha thiết đến nhường nào.
Bài viết: Thúy Vy – Liên chi hội phó LCHSV Bạc Liêu
Hình ảnh: Phước Hiền, Hoài Thương