Nhằm giáo dục truyền thống yêu nước và thể hiện lòng biết ơn Tổ quốc, vừa qua Hội Sinh viên trường Đại học Cần Thơ đã tổ chức chuyến về nguồn vào hai ngày 18-19/03/2017 tại Tiền Giang, Bến Tre và TP Hồ Chí Minh với sự tham gia của anh Lê Nguyễn Hải Đăng – Phó Chủ tịch Hội sinh viên trường, anh Trần Lê Hoài Thương – Phó Chủ tịch Hội sinh viên trường cùng các anh chị là Ủy viên Ban chấp hành Hội Sinh viên trường, thường trực các Liên chi Hội Sinh viên, Câu lạc bộ, Đội, Nhóm trực thuộc Hội sinh viên trường. Đây còn là cơ hội để các bạn Cán bộ Hội của trường gắn kết với nhau, tìm hiểu thêm về lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam nói chung và của người dân Nam bộ nói riêng trong thời kỳ kháng chiến chống giặc ngoại xâm.
Sau hơn hai giờ đồng hồ xuất phát từ Cần Thơ, điểm đến đầu tiên của đoàn là Khu di tích chiến thắng Rạch Gầm – Xoài Mút tọa lạc tại bên bờ sông Tiền, cách thành phố Mỹ Tho chừng 12km về phía Tây thuộc xã Kim Sơn, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Khu di tích được khởi công và khánh thành vào ngày 20/01/2005 nhân kỷ niệm 200 năm chiến thắng Rạch Gầm – Xoài Mút.
Đoàn chụp ảnh lưu niệm trước Khu di tích chiến thắng Rạch Gầm – Xoài Mút (Tiền Giang)
Đến đây đoàn được chị thuyết minh viên giới thiệu lại trận đánh lịch sử hào hùng của quân và dân Tây Sơn – một trong những trận quyết chiến chiến lược trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam với nghệ thuật đánh trận trí tuệ của vua Quang Trung – Nguyễn Huệ và cũng là một trong những chiến công lừng lẫy của phong trào nông dân Tây Sơn cuối thế kỉ XVIII. Khu di tích chiến thắng Rạch Gầm – Xoài Mút là một công trình kỷ niệm ghi dấu chiến công chống ngoại xâm của nhân dân miền Nam gồm:
– Tượng đài anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ nằm ngay trung tâm của di tích. Tượng làm bằng đồng nặng 20 tấn, cao hơn 8 mét, được đặt trên bệ cao mô phỏng hình chiến thuyền. Tượng vị anh hùng Nguyễn Huệ được tác giả thể hiện trong tư thế rút gươm rất uy dũng. Bên cạnh ông là một binh sĩ đang dương cung và một người dân bản địa đang chèo thuyền tạo thành một thể thống nhất hài hòa.
Đoàn chụp ảnh lưu niệm dưới tượng đài chiến thắng Rạch Gầm – Xoài Mút (Tiền Giang)
- Nhà trưng bày: Trưng bày nhiều hiện vật, phương tiện sử dụng và vũ khí của cả hai bên liên quan đến trận đánh: mỏ neo tàu chiến, vũ khí của quân Xiêm, vũ khí của quân Tây Sơn, trưng bày bức tranh gốm thật lớn mô tả trận thủy chiến Rạch Gầm năm nào,…
Tham quan Nhà trưng bày tại Khu di tích
Tham quan các hiện vật tại Khu di tích
- Nhà cổ Nam Bộ: 3 gian, 2 chái, 48 cột gỗ căm xe, mái ngói âm dương, có diện tích 225 m2. Trong nhà các vật dụng được xếp đặt nhằm tái hiện lại cuộc sống của những người dân phú nông của đất Nam Bộ xưa. Ngôi nhà cổ này được phục chế lại và chuyển nguyên vẹn từ huyện Gò Công về.
Đoàn tham quan và chụp ảnh lưu niệm trước gian nhà cổ Nam Bộ tại Khu di tích
Trước khi đến điểm tham quan tiếp theo, thay mặt Đoàn, Chị Đặng Thị Yến Nhi – Liên chi hội trưởng LCHSV An Giang đã đặt bút viết vào sổ lưu niệm bằng tất cả niềm biết ơn và trân trọng. Theo đó, tuổi trẻ Hội Sinh viên sẽ quyết tâm hơn nữa trong học tập và rèn luyện hơn nữa để xứng đáng với truyền thống anh hùng của các thế hệ đi trước.
Chia tay với sự mưu trí của vua Quang Trung đoàn tiếp tục di chuyển đến điểm đến tiếp theo là Khu tưởng niệm Liệt sỹ – Anh hùng LLVT Trần Văn Ơn tại xã Phước Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre trong khuôn viên đất của gia đình với các khu nhà như: nhà trưng bày, nhà lưu niệm, nhà thủy tạ,… Anh Trần Văn Ơn sinh ngày 14/04/1931, là người con của quê hương Bến Tre tiêu biểu cho phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên cả nước trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Ngày 09/01/1950, anh Trần Văn Ơn là một thành viên trong ban lãnh đạo học sinh, sinh viên đã đứng lên đấu tranh đòi hỏi thực dân Pháp phải đảm bảo an ninh cho học sinh, sinh viên được học tập và trả tự do cho những học sinh bị bắt. Trong cuộc đấu tranh ấy, anh Trần Văn Ơn đã anh dũng hi sinh ở tuổi 19. Với sự kiện lịch sử này, tháng 2/1950, tại Đại hội toàn quốc Đoàn thanh niên Việt Nam lần thứ nhất ở Việt Bắc đã quyết định lấy ngày 09/01 làm “Ngày truyền thống Học sinh – Sinh viên Việt Nam”. Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội sinh viên lần thứ 5 vào tháng 11/1993 tại Hà Nội đã quyết định đồng thời lấy ngày 09/01 là “Ngày Truyền thống của Hội sinh viên Việt Nam”. Năm 2000, anh được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Nhà thủy tạ cùng tượng anh hùng Trần Văn Ơn (Bến Tre)
Ngày Chủ nhật cuối cùng của chuyến đi, địa đạo Củ Chi – Địa đạo Bến Dược (căn cứ Khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định) tại ấp Phú Hiệp, xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh chào đón Đoàn tham quan bằng cái nắng chói chang và oi ả. Tuy nhiên, khi đoàn được thuyết minh viên dẫn đường vào địa đạo, đoàn khá bất ngờ trước vẻ đẹp của khu rừng và mang lai nhiều cung bậc cảm xúc cho các thành viên trong đoàn, từ ngỡ ngàng đến thán phục.. Được biết, địa đạo Củ Chi cách thành phố Hồ Chí Minh 70 km về hướng Tây Bắc, đây là một hệ thống phòng thủ gồm hầm hội họp, hầm giải phẫu, hầm chữ A chống sụp lỡ khi bom pháo nổ gần, hầm chứa lương thực và vũ khí, nắp bí mật, lỗ thông hơi, ổ chiến đấu, giếng nước, bếp Hoàng Cầm, công binh xưởng, nhà may quân trang, nhà cắt dép râu, nhà trưng bày vũ khí tự tạo…dưới lòng đất do Việt Minh và Mặt trận giải phóng miền Nam Việt Nam đào. Các chiến sĩ của dân tộc ta đã sống và hoạt động ở địa đạo trong thời kỳ chiến tranh Đông Dương và Chiến tranh Việt Nam. Dù có nhiều khó khăn, nhưng chính nhờ cuộc sống dưới đường hầm này đã khiến cho quân đội Mỹ không phát hiện ra quân ta và góp phần mang lại chiến thắng cho dân tộc. Nơi đây là một chứng nhân lịch sử với hơn 30 năm kháng chiến anh hùng của dân tộc, quyết bám đất không rời đi để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, non sông.
Đoàn chụp ảnh lưu niệm trước Địa đạo Củ Chi – Địa đạo Bến Dược (TP Hồ Chí Minh)
Xem mô phỏng cuộc kháng chiến hào hùng của quân dân ta trong trận “Tam giác sắt – 1967”
Tại địa đạo Củ Chi đoàn được xem lại cuộc kháng chiến hào hùng của quân và dân ta trong trận đánh “Tam giác sắt – 1967”. Ngoài việc biết được hệ thống đường hầm dày đặc thì đoàn còn tận mắt nhìn thấy được những chứng tích còn sót lại của chiến tranh như hố bom hay những hình ảnh tái hiện lại cảnh người dân sinh hoạt, tăng gia sản xuất và nuôi giấu cán bộ. Đặc biệt, đoàn được tận mắt chứng kiến một phát minh hết sức sáng tạo trong việc giấu khói của bếp Hoàng Cầm và thưởng thức món ăn của du kích năm xưa mà giờ đây đã trở thành đặc sản: khoai mì chấm muối đậu.
Đoàn thưởng thức món ăn đặc sản khoai mì kè chấm muối đậu
Chuyến tham quan về nguồn khép lại sau hai ngày ngắn ngủi đã đem lại cho các bạn Cán bộ Hội tham gia nhiều kiến thức về lịch sử hào hùng cùng các di tích của dân tộc và hơn hết là giúp thể hiện được lòng biết ơn của mình đối với thế hệ đi trước đã cống hiến cho Tổ quốc, đồng thời góp phần nâng cao tinh thần đoàn kết và ý thức dân tộc trong thời đại hiện nay.
Một số hình ảnh của chuyến Về nguồn
Đoàn Tham quan và chụp ảnh lưu niệm tại Khu di tích chiến thắng Rạch Gầm – Xoài mút
Bức tranh gốm thật lớn mô tả trận thủy chiến Rạch Gầm – Xoài Mút
Bộ ấm trà trưng bày trong gian nhà cổ Nam Bộ tại Khu di tích Rạch Gầm – Xoài Mút
Hình ảnh đoàn tham quan và chụp ảnh một số địa điểm trong khu di tích
Tin bài: Công Tuấn
Hình ảnh: Phước Hiền, Hoài Thương