Tôi khỏi bệnh thì ngày l-5 năm (1945) đã đến. Hôm ấy, chúng tôi cố gắng động viên nhau làm cho xong nhà để có thành tích kỷ niệm ngày Quốc tế lao động. Tôi mới mệt nên được phân công vá quần áo cho anh em. Tôi đang vá, chợt đồng chí liên lạc lên, mang theo một số báo và tài liệu, ngoài ra còn có một hộp gì màu đỏ rất đẹp. Tôi đòi xem nhưng đồng chí liên lạc bảo:
- Không được, đây là quà ở xa gửi đến Ông Cụ.
Sau khi đồng chí liên lạc về, Ông Cụ mang cái hộp ấy xuống bếp. Giữa lúc đó, tôi cũng có việc xuống đấy. Tôi thấy Ông Cụ đang bảo đồng chí Trần Đình (một đồng chí cũ lúc ấy vừa bảo vệ Bác vừa làm cấp dưỡng):
- Đồng chí đổ một nồi nước đủ cho mỗi anh em một bát, có ít gạo nếp ta đem nấu, khi nhừ gạo, đồng chí cho hộp mật này vào.
Đồng chí Đình ngần ngừ nói:
- Thưa Bác, cái này để Bác dùng (trong chúng tôi lúc ấy chỉ có đồng chí Đình gọi cụ là Bác) vì sức khỏe Bác chưa được tốt.
Ông Cụ bảo:
- Tôi mệt thì anh em cũng mệt. Hôm nay là ngày l-5 tôi được quà từ ngoài gửi biếu, anh em cũng phải có phần.
Nghe Ông Cụ nói, đồng chí Đình tỏ vẻ miễn cưỡng vâng lời.
Chờ Ông Cụ đi khỏi, tôi vào xem chiếc hộp. Đó là hộp mật ong khô, rất quí. Có lẽ hộp mật đó làm ở một nước nào có kỹ nghệ thực phẩm gửi tới, nhãn hiệu không phải chữ Pháp nên tôi không biết. Tôi bàn với đồng chí Đình nấu một nửa, còn dành lại cho Ông Cụ một nửa. Đồng chí Đình cười bảo rằng:
- Tính Bác vậy, Bác đã bảo là phải làm đúng, nếu bớt lại, Bác bắt nấu lần nữa thì lại mất công.
Trưa năm đó chúng tôi được thưởng thức một bữa chè mật ong đặc biệt. Hương vị thơm ngọt của bát chè tưởng như bây giờ vẫn còn nguyên vẹn trong tôi.
(Theo lời kể của đồng chí Việt Dũng – Theo Bác Hồ sống mãi với chúng ta, T1, Nxb. Chính trị quốc gia, 2005)