Nhà số 9, ngõ Công-poanh này là nhà riêng của mẹ chồng tôi. Bà cụ xây cất ngôi nhà này từ thế kỷ thứ XIX. Nhà có ba cửa ra vào: Một cửa chính, một cửa ngách và một cửa bước thẳng vào sân trong. Nhà nằm trong một ngõ cụt thuộc khu phố nghèo ở Pa-ri. Sau Chiến tranh thế giới thứ Nhất, mẹ chồng tôi mở nhà trọ. Cửa vào nhà hồi đó trông xấu xí, phía dưới bằng gỗ, trên lắp kính. Trong sân có một đàn gà chạy kiếm thức ăn.
Trong số những người ở trọ nhà tôi lúc bấy giờ có một người thanh niên Châu Á. Mẹ chồng tôi là chủ nhà, biết rõ tên của anh thanh niên ấy. Còn tôi, tôi thấy tên anh ta rất khó đọc và khó nhớ. Chúng tôi trong nhà quen gọi anh là “Anh Trung Quốc”, vì tưởng anh là người Trung Quốc. “Anh Trung Quốc” ở tầng hai. Buồng anh mỗi bề 3 mét, nhìn xuống ngõ. Thời đó, ngõ nhà chúng tôi không có điện. Mãi đến năm 1930 mới có điện. Tối đến người ta thắp đèn dầu. Đời sống nhân dân trong ngõ nghèo khổ nhưng mọi người ăn ở với nhau rất tốt. Nhà nọ biết nhà kia, thăm hỏi nhau, giúp đỡ nhau, chơi với nhau thân ái, chứ không ích kỷ như xã hội bây giờ, ai biết người nấy, ai sống chết kệ ai. “Anh Trung Quốc” ở trọ sống rất giản dị và hết sức đúng đắn. Khi nào người làm trong nhà đi vắng, mẹ chồng tôi thường sai tôi vào dọn buồng cho “Anh Trung Quốc”. Những lần như thế tôi mới có dịp thấy buồng của anh. Buồng nhỏ, kê vẻn vẹn một cái giường, một cái bàn, và một cái tủ. Trong buồng có chậu rửa mặt, nhưng vòi nước thì ở ngoài đầu cầu thang. Lò sưởi không có, mà mùa Đông ở Pa-ri thì rất lạnh. Tôi nhớ rõ một lần tôi gõ cửa buồng anh để vào dọn dẹp. Anh chào tôi và bảo tôi: “Bà Giam-mô, bà cứ để như thế cho. Không sao cả. Xin cảm ơn bà!”. Có lần tôi vào buồng để thay đồ trải giường cho anh thì gặp anh đang ngồi ăn cơm. Tôi thấy anh tay cầm bát cơm, tay cầm đũa. Anh nấu cơm lấy bằng cái bếp cồn để ở góc buồng. Anh chào tôi và nói: Cảm ơn bà Giam-mô. Tốt lắm. Cảm ơn bà. Một lần khác bước vào buồng, tôi thấy anh đang ngồi viết và lại thấy anh bảo: Bà Giam-mô bà cứ để tôi làm lấy, tôi không dám phiền bà. Cảm ơn bà.
Vải trải giường trong buồng anh do nhà trọ ở cung cấp và thay đổi, nhưng quần áo của anh thì anh tự giặt lấy. Anh ăn ở ngăn nắp, trật tự, không làm ầm ĩ bao giờ và mẹ chồng tôi suốt mấy năm trời anh ở trọ không hề than phiền một câu nào về anh. Gia đình tôi đều nhận xét anh là người lịch sự, biết điều, đứng đắn và là một thanh niên nước ngoài rất nghèo. Hàng ngày anh đi làm ở đâu chúng tôi không biết rõ. Bao giờ cũng thế, anh xuống thang, tìm trong hộp thư ở chân cầu thang xem có thư từ, báo chí người ta gửi cho anh không, rồi anh đi cửa ngách bên để ra phố. Đi đâu về anh lại tìm thư từ, báo chí trong hộp rồi mới lên buồng. Gia đình chúng tôi hồi đó ở tầng một, cho nên hàng ngày anh đi về chúng tôi đều thấy.
Có ngày cả hai buổi không thấy anh ra phố, chúng tôi lên buồng anh để hỏi thăm. Tôi cho rằng thời trước người ta sống có tình thương yêu đùm bọc nhau hơn thời nay ở cái đất Pa-ri này. Điều đặc biệt là tôi không thấy anh tiếp khách hay tiếp bạn bè trong buồng bao giờ. Bỗng một hôm “Anh Trung Quốc” từ giã nhà số 9 ngõ Công-poanh của chúng tôi đi đâu chúng tôi không rõ. Chúng tôi thương anh thanh niên ấy, sống thanh bạch đến thế là cùng. Rồi tới năm 1946, tôi nhớ rõ một hôm có nhiều nhà nhiếp ảnh đến chụp ảnh sân và căn nhà tôi ở. Và hôm đó tôi đến làm cơ quan Cứu tế Pháp, các bạn đồng sự của tôi đưa báo cho tôi xem ảnh chụp ngôi nhà số 9, ngõ Công-poanh của tôi và ảnh một vị Chủ tịch nước. Tôi nhìn ảnh và reo lên: Ồ! Đây là người đã ở trọ nhà tôi cách đây hơn hai mươi năm. Tôi nhận ra được rồi. Thì ra anh thanh niên Châu Á hồi ấy ở nhà tôi là Chủ tịch Hồ Chí Minh của nước Việt Nam ngày nay! Chủ tịch Hồ Chí Minh trở lại nước Pháp! Các bạn cùng sở nói đùa với tôi: Này bà Giam-mô còn đợi gì nữa. Ông ấy làm đến Chủ tịch nước, liệu nói với ông ấy một tiếng xin một việc làm lương cao hơn! Riêng tôi thì chưa hết ngạc nhiên và vui mừng thấy người thanh niên sống nghèo khổ ở ngõ Công-poanh trở thành người đứng đầu toàn bộ nước Việt Nam. Từ đó, năm nào cũng có nhiều người, Việt Nam có, Pháp có, nước ngoài đến thăm nhà tôi, thăm nơi ở cũ của Hồ Chủ tịch ở nhà số 9, ngõ Công-poanh. Gia đình Giam-mô không ngờ có vinh dự được giữ lại một kỉ niệm trong đời hoạt động cách mạng của Hồ Chủ tịch.Một ngày tháng 9 năm 1969, nhiều nhà báo Pháp và nước ngoài liên tiếp đổ về nhà tôi và đứng trước sân hỏi dồn dập: Bà Giam-mô đâu? Chúng tôi cần gặp bà Giam-mô. Chúng tôi yêu cầu phỏng vấn cấp tốc bà Giam-mô!. Rồi họ chụp ảnh, cửa ngoài, cửa trong, chụp buồng ở cũ của Hồ Chủ tịch. Lúc đó tôi mới biết tin đau đớn là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từ trần hôm trước ở Hà Nội. Tôi bàng hoàng, sửng sốt và xúc động như có một người thân trong gia đình vừa mất. Một con người cách mạng đã qua đời, một con người sống giản dị từ lúc thanh niên cho đến khi nhiều tuổi, và đến giây phút cuối cùng của cuộc đời.
(Giammô kể, trích trong Bác Hồ ở Pa-ri, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1970, tr.9-13.)