Cuộc thi sáng tạo khoa học và công nghệ về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ năm 2021 - 2022

Căn cứ Chỉ thị số 47-CT/TW, ngày 25 tháng 6 năm 2015 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy; Căn cứ Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 04 tháng 5 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; Căn cứ Nghị quyết số 99/2012/QH14 ngày 27 tháng 11 năm 2019 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy và chữa cháy; Nhằm đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH) tại Việt Nam, tìm kiếm những sáng kiến khoa học để ứng dụng nâng cao hiệu quả công tác PCCC và CNCH, đặc biệt phát huy những sáng kiến từ các nhà khoa học, các tổ chức hoặc cá nhân có sáng kiến khoa học, Bộ Công an ban hành Kế hoạch về tổ chức Cuộc thi sáng tạo khoa học và công nghệ về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH) năm 2021-2022.

1. Mục đích, yêu cầu:

- Phát động và đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học - công nghệ trong lĩnh vực PCCC và CNCH đối với các nhà khoa học, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có đề tài, sáng kiến, dự án khoa học - công nghệ; qua đó đẩy nhanh quá trình tiếp cận với những công nghệ tiên tiến trên thế giới, ứng dụng vào công tác bảo đảm an toàn PCCC và CNCH tại Việt Nam. 
- Đẩy mạnh tuyên truyền kiến thức về công tác PCCC và CNCH. 
- Phát huy những sáng tạo của các nhà khoa học trong và ngoài nước để tạo ra những sản phẩm có hiệu quả cao phục vụ công tác PCCC và CNCH. 
- Lựa chọn một số công trình, sáng kiến khoa học có chất lượng tốt để đầu tư phát triển sản xuất trong nước thành các sản phẩm có tính ứng dụng cao trong công tác PCCC và CNCH. 
- Cuộc thi phải đảm bảo tính thực tiễn, bám sát chủ trương Ban tổ chức Cuộc thi tuân thủ đúng quy định của Pháp luật

2. Tên gọi và chủ đề cuộc thi:  

- Tên gọi: Cuộc thi sáng tạo khoa học và công nghệ về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ năm 2021-2022. 
- Chủ đề Cuộc thi: Phương tiện, thiết bị và các giải pháp phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

3. Đối tượng dự thi: 

- Các nhà khoa học trong và ngoài nước. 
- Tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có đề tài, sáng kiến, dự án khoa học - công nghệ liên quan tới lĩnh vực PCCC và CNCH.

4. Nội dung và lĩnh vực dự thi:

Các đề tài tham dự Cuộc thi hướng tới việc nghiên cứu, sáng tạo ra các phương tiện PCCC và CNCH, tập trung vào các lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật lý, cụ thể như sau: 
- Các loại chất chữa cháy mới có hiệu quả chữa cháy cao, thân thiện với môi trường; các loại vật liệu không cháy hoặc khó cháy có khả năng ứng dụng trong công tác PCCC và CNCH. 
- Robot chữa cháy, thiết bị bay không người lái, thiết bị điều khiển từ xa, thiết bị cảm biến tự động và các thiết bị khác có khả năng trực tiếp tham gia hoặc hỗ trợ thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy và CNCH. 
- Các sản phẩm ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật số sử dụng trong công tác công tác chỉ huy, điều hành về chữa cháy và CNCH. 

5. Hình thức tham gia:

- Sau lễ phát động, các đơn vị khoa học nộp hồ sơ đăng ký tham dự cuộc thi của mình về Ban tổ chức trước ngày 15/03/2022. 
- Các đơn vị khoa học phải thuyết trình và bảo vệ nội dung công trình khoa học của mình trước Hội đồng giám khảo (buổi chấm thi dự kiến từ ngày 15/4/2022 đến 02/5/2022). 
- Kết quả đánh giá của Hội đồng sẽ là căn cứ để xếp hạng các đề tài tham dự cuộc thi.

6. Thời gian tổ chức cuộc thi:

- Cục Cảnh sát PCCC và CNCH tiếp nhận hồ sơ dự thi từ tháng 01/5/2021 đến ngày 15/3/2022. 
- Dự kiến từ 15/04/2022 đến 02/05/2022: Tổ chức cho các đơn vị khoa học thuyết trình bảo vệ công trình khoa học đồng thời đánh giá, chấm điểm; Tổ chức xét giải, trao thưởng cho các đơn vị khoa học đạt giải.

7. Cơ cấu giải thưởng:

Dự kiến cơ cấu giải thưởng gồm:
- 1 giải nhất và tiền thưởng theo quy định;
- 1 giải nhì và tiền thưởng theo quy định;
- 1 giải ba và tiền thưởng theo quy định;
- 3 giải khuyến khích và tiền thưởng theo quy định; 

8. Các tiêu chuẩn xét thưởng:

a) Tính mới: Đề tài đề cập tới những công nghệ, những vấn đề khoa học công nghệ về lĩnh vực PCCC chưa từng được công bố trên thế giới, chưa được phổ biến bằng các nguồn thông tin chính thức. 
b) Tính sáng tạo: Căn cứ vào trình độ khoa học công nghệ trong và ngoài nước, kết quả nghiên cứu khoa học đó không nảy sinh một cách hiển nhiên đối với chuyên gia thuộc lĩnh vực PCCC mà là kết quả của hoạt động khoa học kỹ thuật tạo ra. 
c) Hiệu quả, tính thực tiễn: 
- Hiệu quả kinh tế: Là lợi ích về kinh tế có thể thu được khi áp dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn. 
- Hiệu quả kỹ thuật: Được thể hiện bằng những giải pháp, chỉ tiêu kỹ thuật mới, tiến bộ hơn so với những giải pháp, chỉ tiêu kỹ thuật trước đó và giúp nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm an toàn PCCC và CNCH. 
d) Tính khả thi: Là việc xem xét khả năng triển khai thực hiện sản phẩm của đề tài so với trình độ khoa học công nghệ thực tế hiện có. 
e) Sản phẩm đạt được: Là việc đánh giá sản phẩm mà đơn vị nghiên cứu đạt được từ kết quả nghiên cứu của đề tài.

9. Xem thêm thể lệ cuộc thi và cách đăng ký thi: tại đây

© 2020 ĐOÀN THANH NIÊN - HỘI SINH VIÊN TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẦN THƠ
➯ Khu II, đường 3/2, P. Xuân Khánh, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ.
➯ Điện thoại: (84-292) 3830309; Email: vpdoan_hoi@ctu.edu.vn.