Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) (31/3/1966-31/3/2016), hãy cùng tìm hiểu vì sao Trường Đại học Cần Thơ 50 năm thành lập nhưng khóa học mới nhất hiện nay là khóa 41 nhé!
- THỜI KỲ VIỆN ĐẠI HỌC CẦN THƠ (1966 – 1975)
Ngày 31/3/1966, dựa trên nguyện vọng của người dân vùng ĐBSCL nói chung và tâm huyết của tầng lớp trí thức nói riêng, ngôi trường đại học đầu tiên ở miền Tây được thành lập mang tên Viện Đại học Cần Thơ theo sắc lệnh số 62-SL/GD do Chủ tịch Uỷ ban Hành pháp Trung ương Nguyễn Cao Kỳ ký. Theo đó, ngày 16/5/1966, Chủ tịch Uỷ ban lãnh đạo Quốc gia Nguyễn Văn Thiệu ký sắc lệnh số 197CT/LĐQG/SL bổ nhiệm Giáo sư Phạm Hoàng Hộ làm Viện trưởng đầu tiên. Khi mới thành lập, Viện Đại học Cần Thơ có 04 khoa là Khoa học, Luật khoa và Khoa học Xã hội, Văn khoa, Sư phạm (có Trường Trung học Kiểu mẫu) đào tạo hệ cử nhân, Trường Cao đẳng Nông nghiệp đào tạo hệ kỹ sư và Trung tâm Sinh ngữ giảng dạy chương trình ngoại ngữ cho sinh viên.
- TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẦN THƠ GIAI ĐOẠN SAU NĂM 1975
Ngày 30/4/1975, miền Nam được giải phóng. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Thắng lợi vĩ đại ngày 30/4/1975 đã góp phần to lớn vào việc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước lâu dài, đầy gian khổ hy sinh, nhưng rất anh dũng, kiên cường của quân dân ta, là thắng lợi mang ý nghĩa dân tộc và ý nghĩa thời đại sâu sắc, là kết quả sự nỗ lực vượt bậc, chiến đấu hy sinh.
Sau năm 1975, Viện Đại học Cần Thơ đổi tên thành Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT). Những ngày đầu, Trường ĐHCT gặp rất nhiều khó khăn, gian khổ trong bối cảnh chung của đất nước bị bao vây, cấm vận đặc biệt là thiếu hụt nguồn cán bộ giảng dạy và cơ sở vật chất phục vụ đào tạo. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo khéo léo của thầy Phạm Sơn Khai, Hiệu trưởng đầu tiên của Trường ĐHCT, nhà trường đã nhanh chóng ổn định tổ chức và tăng cường mở rộng quy mô đào tạo hướng theo nhu cầu nguồn nhân lực của vùng, nhất là lĩnh vực nông nghiệp.
Sau 50 năm hình thành và phát triển, Trường ĐHCT đã không ngừng lớn mạnh trở thành cơ sở đào tạo đại học và sau đại học trọng điểm của Nhà nước ở ĐBSCL, là trung tâm văn hóa – khoa học kỹ thuật của vùng và đang được xếp thứ hạng cao trong nước (luôn trong 03 trường đứng đầu của Việt Nam theo xếp hạng của Webomatrics). Hiện nay, ĐHCT là trường có cơ sở vật chất hiện đại và là một trong các trường có quy mô lớn của cả nước với 04 khuôn viên tổng cộng gần 220 hécta và nhiều trạm trại thực nghiệm ngoài trường. Trường ĐHCT đang đào tạo hơn 34.000 sinh viên chính quy, trong đó có hơn 10% sinh viên sau đại học. Trường hiện có khoảng 1.188 cán bộ giảng dạy, trong đó hơn 85,5% có trình độ sau đại học, với hơn 25% có trình độ tiến sĩ; có 116 Giáo sư và Phó Giáo sư. Thế mạnh của Trường là đa ngành, trong đó có nhiều ngành đã khẳng định được thương hiệu chất lượng trong và ngoài nước như nông nghiệp, thủy sản, kinh tế, công nghệ thông tin. Trường có 03 chương trình đào tạo đạt chuẩn AUN-QA, gồm Kinh tế Nông nghiệp, Công nghệ Sinh học (Chương trình Tiên tiến) và Nuôi trồng Thủy sản (Chương trình Tiên tiến). Có thể khẳng định, Trường ĐHCT đạt được nhiều thành tựu như ngày hôm nay là nhờ vào công sức của nhiều thế hệ, sự dẫn dắt của các bậc tiền nhiệm. Trở thành một trong những trường đại học trọng điểm của cả nước, Trường ĐHCT có nhiều cơ hội để phát triển nhưng thách thức cũng không hề nhỏ. Vì vậy, tập thể công chức, viên chức và sinh viên của Trường càng phải nỗ lực nhiều hơn nữa, đồng lòng, chung sức đưa Trường ĐHCT trở thành trường đại học xuất sắc theo hướng nghiên cứu, đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực nhằm đáp ứng tốt nhất nhiệm vụ đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực cho vùng ĐBSCL, đồng thời là trung tâm đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ mạnh của cả trong và ngoài nước.
Tin: Đào Thụy Minh Thùy- Ban Tuyên giáo Đoàn trường
Ảnh: Sưu tầm