Cách đây 3 năm, một cậu học sinh tên Ngô Tùng Hiếu đã ấp ôm trong mình khát khao cháy bỏng được trở thành một người lính Hải Quân. Ước mơ ấy đã dồn nén từ khi nghe dượng hai là một Đại úy quân đội đã về hưu kể về những câu chuyện chiến tranh khốc liệt diễn ra trên đất nước Việt Nam. Những anh hùng không sợ bom đạn, không sợ hi sinh trước những nòng súng chỉa thẳng vào “tim” chỉ vì muốn hòa bình độc lập cho đất nước. Đó là mong muốn người dân Việt Nam được yên bình, ấm no, được sống dưới bầu trời tự do, tự chủ. Những cuốn phim tài liệu phát vào những ngày lễ lớn đã tái hiện lại trước mắt tôi những trang sử hào hùng, một thời vàng son của dân tộc, những hình ảnh ấy đã đọng lại trong tâm trí tôi vô vàn cảm xúc và tôi đã quyết định chọn hướng đi cho tương lai của mình: “Hãy trở thành một sĩ quan nhé Hiếu!”. Từ ngày ấy tôi xác định một con đường cho chính mình đó là thi vào trường Học viện Hải quân. Bắt đầu từ những suy nghĩ sơ khai, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường trung học phổ thông, tôi đã lập kế hoạch cho mình là học thật giỏi, sinh hoạt chính trị thật tốt, phấn đấu cho hình ảnh người lính hải quân của chính mình.
Ước mơ trở thành người lính hải quân
Rồi, cái ngày mà tôi chờ đợi bấy lâu nay đã đến, ngày được Ban chỉ huy quân sự huyện gọi đi khám sức khỏe và làm giấy tờ để dự thi. Đêm ấy, tôi bồi hồi không ngủ được vì mong muốn ngày mai mình sẽ vượt qua được vòng sơ tuyển. Tôi nhớ như in ngày hôm đó, tôi đã vượt qua các vòng như huyết áp, thân thể, vòng ngực, thị lực,… nhưng không may với tôi là tới vòng đo chiều cao thì chỉ có 1m63 trong khi yêu cầu là chiều cao tối thiểu là 1m65. Tôi vừa hồi hộp, vừa víu chặt lấy tay mẹ mà rưng rưng chờ kết quả, chờ thì chờ nhưng tôi biết khả năng trúng tuyển sẽ không cao. Đôi khi chỉ 2cm nhưng cũng đủ để làm đau cả một người. Kết quả có rồi, tôi trượt rồi. Tôi chỉ biết kiếm một góc khuất nào đó để rồi giấu đi cái cảm giác đau tột độ ấy, không hiểu sao khóe mắt tôi cứ cay cay và đỏ dần rồi thì không còn kiềm được nữa những giọt nước mắt ấy cứ lả chả rơi trên mặt. Thấy vậy các cô chú quân đội cũng thương kêu vô đo lại lần 2 nhưng số đo cũng vậy. Hai mẹ con chỉ biết ôm nhau khóc và lặng lẽ ra về. Từ lúc đó tôi không còn tâm trí để thi Đại học nữa bởi ngành học mà tôi ước mơ từ nhỏ đã tan biến. Để chuẩn bị cho ước mơ vừa tan tành theo mây khói “trở thành một người lính Hải quân” tôi đã trở thành một học sinh lớp chọn đứng nhất nhì lớp về khối A (Toán, Lý, Hóa), sáng đạp xe đi học chính thức, học trái buổi và luyện thi Đại học từ 6h sáng đến 9 giờ tối mới về tới nhà. Sau ngày sơ tuyển ấy tôi vẫn cứ đi học như mọi ngày nhưng với tinh thần khác hẳn, suy sụp về mọi bề, độ tích cực và hăng say mà tôi giành cho các hoạt động của trường lớp đã giảm đi đáng kể. Một thời gian dài, nhờ sự quan tâm của thầy cô, gia đình, tôi đã lấy lại tinh thần. Cuối cùng tôi đã nộp đơn vào trường Đại học Cần Thơ – ngành Sư phạm Toán học, đó cũng là ngành truyền thống bên nội tôi. Người ta nói “nghề giáo là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”. Thật vậy, ngành này nhận nhiệm vụ thiêng liêng là đào tạo nên những lớp trẻ, thế hệ tương lai của đất nước với cả cái tâm và cái tầm. Lên môi trường Đại học tôi lấy lại đam mê và tích cực tham gia các hoạt động của lớp, của đoàn. Ở đó tôi không thực hiện được ước mơ tiền tuyến ở biển đảo bảo vệ tổ quốc nhưng tôi lại tổ chức các hoạt động tình nguyện gây quỹ vì Trường Sa, Hoàng Sa thân yêu, các hoạt động nêu cao ý thức trách nhiệm chính trị, tinh thần yêu thương con người và giàu lòng yêu quê hương đất nước và tôi đã được Ban Thường Vụ Đoàn khoa Sư phạm khen thưởng có thành tích xuất sắc trong các hoạt động phong trào cấp Đoàn khoa năm học 2014-2015. Đến năm 2 tôi tham gia Chi hội và tổ chức làm lồng đèn trung thu, tặng quà và sinh hoạt cho các em nhỏ ở các xã nghèo tỉnh nhà, trao học bổng cho các bạn sinh viên của Chi hội đang học tập, sinh hoạt tại Đại học Cần Thơ và đã được nhiều thành tích như Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Mỹ Thành Nam tặng giấy khen “Đã hoàn thành tốt nhiệm vụ trong Chiến dịch thanh niên tình nguyện hè tại địa phương năm 2015”, Ban Chấp Hành hội sinh viên trường Đại Học Cần Thơ tặng giấy khen “Đã có nhiều thành tích trong công tác Hội và phong trào sinh viên trường ĐHCT năm học 2014-2015”, Ban chấp hành Huyện đoàn Châu Thành tặng giấy khen “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác Hội và phong trào sinh viên nhiệm kỳ 2014-2015” và Ban chấp hành Huyện đoàn Tân Phước tặng giấy khen “Hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác Hội và phong trào sinh viên Chi hội sinh viên Mỹ Thành Phước nhiệm kỳ 2014-2015”. Nay tôi đã là sinh viên năm ba, tôi có nhiều cơ hội giúp đỡ những người khó khăn, trẻ em nghèo hiếu học. Vừa rồi cũng đã tổ chức chương trình “Xuân sẻ chia” tặng quà cho những học sinh nghèo hiếu học, xét duyệt học bổng cho hơn 20 bạn sinh viên có hoàn cảnh khó khăn học giỏi. Những việc làm của tôi đã được Ban chấp hành Đảng bộ trường Đại Học Cần Thơ tặng giấy khen Đạt thành tích tiêu biểu trong việc triển khai và thực hiện Công cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” năm 2014 và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Đông Hòa tặng giấy khen “Đã hoàn thành tốt nhiệm vụ trong chương trình Xuân sẻ chia 2016”.
Có lần tôi tổ chức đi viếng nghĩa trang liệt sĩ thành phố Cần Thơ nhân ngày thương binh liệt sĩ. Đứng trước những rừng mộ cứ nối tiếp nhau, nước mắt tôi cứ trực trào. Bước chân vào nơi này, nơi yên nghỉ của những người anh hùng, bạn hỏi tôi có cảm nhận gì? Không phải chưa từng nghe nói đến, Không phải chưa từng biết nơi này như thế nào? Nhưng không hiểu sao, nhìn từng hàng mộ thẳng tấp, tôi cảm thấy lòng như thắt chặt lại.
“Có một bài ca không bao giờ quên
là mẹ dõi bước con bạc tóc thời gian
Có một bài ca không bao giờ quên
là rừng lạnh sương đêm trăng suông
Bài ca tôi không quên
tôi không quên những ngày đã ngã
Bài ca tôi không quên
tôi không quên gửi trọn đời cho tất cả
Là đồng đội tôi
Còn ôm súng giữ biên cương”
(Bài ca không quên – Phạm Minh Tuấn).
Họ từng có một gia đình, có những người thân luôn yêu thương và hơn hết là chờ đợi họ, 1 năm, 2 năm, 10 năm, 20 năm,… họ đã mãi mãi nằm lại trên chiến trận. Phải chăng niềm tin kiêu hãnh của người lính là được chết trên chiến trường? Nhưng có ai biết được rằng, niềm hạnh phúc lớn nhất của người phụ nữ nơi quê nhà là người con, người chồng, người cha của mình “vẫn sống”. Người ra đi để lại cho người ở lại những nỗi đau dai dẳng không bao giờ dứt, nó cứ âm ỉ mãi trong lòng những người còn sống. Họ, những người nằm xuống là những người cao cả nhất, vĩ đại nhất, vì họ đã hy sinh những thứ quí giá nhất của đời mình, đó là tuổi trẻ, là tình yêu, là ước mơ, là khát vọng,… để giữ vững ngọn cờ tung bay khắp nơi trên mảnh đất cong cong hình chữ S. Họ mong mỏi đều gì? Là cơm no, là áo ấm, là được hạnh phúc? Họ làm gì dám mơ ước nhiều như thế, điều họ mong muốn duy nhất đó là đem sức hết sức mình cống hiến cho đất nước, dù có ngã xuống cũng không ngần ngại xông lên, họ chỉ có một
mong mỏi duy nhất, đó là đất nước tự do, Nam Bắc một nhà!
“Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ giành phần ai?
Ai cũng một thời trẻ trai, cũng thường nghĩ về đời mình.
Phải đâu may nhở, rủi chịu, phải đâu trong đục cũng đành.
Phải không em, phải không anh?
Chân lý thuộc về mọi người, không chịu sống đời nhỏ nhoi.
Xin hát về bạn bè tôi, những người sống vì mọi người.
Ngày đêm canh giữ đất trời, rạng rỡ như rừng mai nở chiều xuân”
(Một đời người một rừng cây – Trần Long Ẩn).
Từng làn khói trắng bay bay, tôi bỗng thấy sống mũi mình cay cay, bụi bay vào mắt hay khói từ những nén nhang tôi để xuống khiến tôi không ghìm được xúc động. Các anh là những người anh hùng vĩ đại nhất, đất nước này là do máu xương các anh đổ xuống, độc lập này là do các anh dùng mạng sống để đổi về. Các anh xứng đáng là những anh hùng bất khuất, tên các anh mãi nằm trong sử sách, tuy các anh nằm xuống nhưng công lao và thành quả các anh vẫn còn đó! Mãi mãi trường tồn cùng năm tháng… Các anh là những người bình thường nhưng các anh không sống những cuộc đời tầm thường mà là phi thường, các anh mãi sống trong lòng dân tộc Việt Nam.
Các anh đã nằm xuống nhưng hãy yên tâm, đất nước này hãy giao lại cho bọn em, sức khỏe đây, nhiệt huyết đây, luôn không ngừng nỗ lực và vươn lên hoàn thiện bản thân. Các anh sẽ không phải thất vọng về những gì sắp tới trong tương lai sẽ đẹp hơn rất nhiều khi thến hệ trẻ không ngừng tiến bộ.
Công ơn các anh vô cùng to lớn, có các anh mới có chúng em ngày hôm nay, chúng em nguyện sẽ cống hiến hết mình cho Tổ quốc để đất nước ngày càng đẹp giàu! Vẫn biết rằng nơi nào đó trong trái tim vẫn vang lên nhịp điệu quen thuộc, có lẽ tiếng hát từ trái tim! Bình yên nhé, những người đã nằm xuống vì nước nhà!
“Cho em thơ ngủ ngon và vui bước sớm hôm đến trường
Cho yên vui mùa xuân đôi lứa còn hẹn hò ước mơ
Đã có những hy sinh khó nói hết bằng lời
Nên đọng lại trong tôi những nghĩ suy.
Cho em tôi bài ca về người chiến sĩ tuyến đầu
Nơi biên cương rừng sâu, anh âm thầm chịu đựng gió sương
Dẫu có những gian lao, dẫu có những nhọc nhằn
Mong trong trái tim anh trọn niềm tin”
(Hát về anh – Thế Hiển).
Đó là những cảm nhận từ trái tim của một chàng sinh viên với khát khao cháy bỏng trở thành người lính tuyến đầu bảo vệ và xây dựng đất nước.
Tác giả: Ngô Tùng Hiếu – sinh viên lớp Sư phạm Toán học K39
Bài viết đoạt giải khuyến khích cuộc thi “Sinh viên Việt Nam – Những câu chuyện đẹp” do Trung Ương Hội sinh viên Việt Nam tổ chức