Xưa nay, vốn dĩ không có gì là bất tử trước thời gian. Năm tháng qua đi, rồi bụi thời gian sẽ phủ mờ đi tất cả. Thế nhưng, có lẽ thời gian cũng đành bất lực trước những trang sử đấu tranh hào hùng của dân tộc, bất lực trước những tượng đài bất tử của những người đã chiến đấu, hy sinh vì độc lập dân tộc.
Trong buổi tối ngày 22/10/2016, tại Hội trường 2 khoa Công nghệ thông tin và Truyền thông, Lớp tập huấn Cán bộ Đoàn trường Đại học Cần Thơ năm 2016 có dịp được gặp gỡ và giao lưu cùng cô Lê Thị Huyền Nga, hay cô Năm, cô Lê Hồng Quân, nữ chiến sĩ kiệt xuất đã tiếp bước liệt sĩ Lê Thị Riêng giữ chức vụ Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn nữ biệt động Sài Gòn trong những tháng năm ác liệt của cuộc chiến chống Mĩ cứu nước.
Cô Năm và đồng chí Nguyễn Thanh Tùng, Phó Bí thư Đoàn trường cùng chia sẻ với các bạn học viên.
Không khí lớp Tập huấn trong buổi giao lưu
Cô bắt đầu câu chuyện từ những ngày thơ ấu, ngày ấy ước mơ đến trường với cô chưa bao giờ thôi cháy bỏng. Nhưng vì điều kiện chiến tranh, cô không thể thực hiện được. Buổi gặp gỡ hôm nay, cô chia sẻ: “Cô thật sự rất xúc động mỗi khi gặp các bạn đến giảng đường, vì đó là ước mơ của cô và của những người đồng đội năm xưa của cô nữa”. Không đến trường, cô học trong lòng nhân dân, tham gia đoàn ca múa của sân tập kết Cháp Băng. Từ lúc còn là cô bé 8 tuổi, cô đã cảm nhận hết nỗi khổ đau mà dân ta phải gánh, để rồi đôi mắt ấy sáng bừng lên ý chí căm thù khi chứng kiến cảnh anh Tâm – người anh cả trong đoàn văn nghệ cô từng tham gia bị lính Diệm tra tấn và mổ bụng Đôi tai ấy nghe tin về một Đoàn viên vùng U Minh Hạ đã bất chấp hiểm nguy để đánh lạc hướng kẻ thù, bảo vệ đồng đội. Chính những điều ấy đã thôi thúc cô bé nhanh nhẹn, thông minh tham gia vào cách mạng, từ đưa thư, chuyển tài liệu, dẫn thuyền qua sông đến cướp vũ khí của giặc bằng những kế rất hay. Đồng Khởi nổ ra, cô được kết nạp Đoàn thanh niên nhân dân cách mạng Việt Nam. Năm 14 tuổi, cô là Phó bí thư xã Đoàn rồi Xã đội phó phụ trách du kích, dân quân. Ngày 13/12/1962, cô được đứng vào hàng ngũ của Đảng và được tổ chức đặt cho tên Lê Hồng Quân. Do yêu cầu của nhiệm vụ, cô được điều về đơn vị Tây Đô, sau đó, lại được điều về tăng cường cho chiến trường Sài Gòn – Gia Định.
Câu chuyện tiếp nối với đường mòn Hồ Chí Minh trên biển, và cô là một trong những người chịu trách nhiệm tiếp vận hàng hóa, vũ khí từ đất liền ra biển và gặp nhiều nguy hiểm trong lúc làm nhiệm vụ. Thế nhưng có gian khổ, có hiểm nguy bao nhiêu cô cũng không ngại, có những đêm vượt sông trốn địch, can đảm quay lại tìm đồng đội của mình và tiếp tục hành động. Trong những tháng ngày hoạt động cách mạng tại Sài Gòn trong tiểu đoàn biệt động Lê Thị Riêng, cô đã chứng kiến biết bao đồng đội kiên trung và chiến đấu đến phút cuối cùng của cuộc đời. Cô ngậm ngùi, xúc động khi kể lại những kỷ niệm của mình và cậu em trai, liệt sĩ Nguyễn Văn Quang đã cùng vượt qua những trận tra tấn dã man của giặc tại trại số 5 bệnh viện Chợ Quán. Đôi mắt cô ướt nhòe đi, giọng cô nghẹn lại, lặng lòng cùng những hổi tưởng của những tháng năm trong nhà tù ác liệt. Rồi cô sẻ chia về câu chuyện của mẹ. Chính quyền Ngô Đình Diệm biết mối quan hệ giữa cô và mẹ – bà Lê Thị Xuân. Họ bắt cô và mẹ mình giam cùng một phòng, rồi tra tấn người này để ép người kia khai ra, dù đớn đau đến thế nào cô và mẹ mình cũng không nhận nhau, vì cô biết, nếu nhận sẽ ảnh hưởng rất lớn đến những người đang chiến đấu ngoài kia. Mấy dòng thơ ghi vội vào đầu cô trong lúc đớn đau ấy, hôm nay chúng tôi có dịp được nghe lại trong sự nghẹn ngào:
“Thoáng qua khe cửa sắt
Má bị giặc bắt rồi
Bức tường ngang lảo đảo
Đất sụp dưới chân tôi
Rầm rầm trong phòng khảo
Chày nện tôi ình ình
Hai mẹ con đối diện
Chân má giặc đóng đinh”
Hy sinh gian khổ là thế, cô đã vượt mọi hiểm nguy để hoàn thành nhiệm vụ cách mạng. Hòa bình lập lại, cơ thể cô còn đó những mảnh đạn chưa lấy ra dù đã phải lên bàn mổ 23 lần. Để lại sau lưng nỗi đau về thể xác, cô tìm đến các cơ quan chức năng mong xoa dịu nỗi đau tinh thần vì còn nhiều đồng đội của cô đã hy sinh nhưng chưa hoàn thành hồ sơ liệt sĩ và chế độ chính sách cho những người may mắn còn sống sót.
Sau khi được nghe cô Năm kể về thời thơ ấu, những năm tháng hoạt động cách mạng kiên cường, rất nhiều bạn học viên đã bày tỏ niềm kính phục và dành những câu hỏi giao lưu cùng cô.
Các bạn học viên đặt câu hỏi giao lưu
Học viên Mã Thị Mãi (Khoa CNTT&TT) thay mặt lớp Tập huấn phát biểu cảm nghĩ
Buổi giao lưu kết thúc bằng những lời nhắn nhủ thân tình mà cô đặt trọn niềm tin vào tuổi trẻ Đại học Cần Thơ, các bạn phải ra sức học tập, rèn luyện và trau dồi kỹ năng để mai đây, đất nước sẽ tiếp tục trên những chặng đường mới thì chính các bạn là những người chủ tương lai. Với những giá trị truyền thống tốt đẹp mà cha ông đã dựng xây, thế hệ trẻ phải biết tự hào, giữ gìn và phát huy điều đó.
|
Đồng chí Nguyễn Thanh Tùng, Phó Bí thư Đoàn trường thay mặt Ban Thường vụ Đoàn trường gửi tặng đến cô món quà lưu niệm và bó hoa tươi thắm thay cho lời cảm ơn.
Những ánh mắt kính phục và đầy quyến luyến đã tiễn chân cô trong cơn mưa rả rít, mỗi học viên đã nhận ra bản thân cần có ý thức trách nhiệm hơn với bản thân, gia đình và xã hội sau những sẻ chia đầy xúc động của cô. Tuổi trẻ Đại học Cần Thơ sẽ luôn phấn đấu rèn luyện trở thành thanh niên vừa hồng vừa chuyên theo mục tiêu của Trung ương Đoàn đã đề ra: “Tâm trong, Trí sáng, Hoài bão lớn”.
Tác giả: Mỹ Anh
Ảnh: Hoài Nam, Thiên Lý
Ban Tuyên giáo Đoàn trường