Câu nói được thốt ra một cách lắp bắp, khó khăn từ cô sinh viên Huỳnh Phương Thảo – một trong những nhân vật của chương trình “Thắp sáng ước mơ sinh viên Đại học Cần Thơ” tối ngày 19/10/2017 tại Hội trường Lớn đã nhận được những tràng pháo tay đầy xúc động của khán giả.
Giao lưu cùng sinh viên Huỳnh Phương Thảo tại “Thắp sáng ước mơ sinh viên Đại học Cần Thơ” (Ảnh: Trọng Hữu)
Có lẽ người ta xúc động không phải vì đây là câu nói của một nhân vật nổi tiếng hay một câu châm ngôn sống quen thuộc nào có đầy rẫy và dễ tìm được. Mà đơn giản như chính cách nó được phát ra: mộc mạc, bình dị và... rất khó khăn. Cô sinh viên ngành Công nghệ thông tin – K41 trường Đại học Cần Thơ, ngụ tại xã Thới Hòa, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long tuy mang trong người khuyết tật bẩm sinh nhưng bên trong dáng vẻ xiêu quẹo ấy là cả một nghị lực vững vàng.
“Chấp nhận” chính mình
“Đi học em rất là mặc cảm, khó hòa đồng với mấy bạn. Em đã khóc rất nhiều lần” – Phương Thảo đã từng ngập ngừng chia sẻ khi lần đầu tiên bước chân vào môi trường Đại học như thế. Cảm nhận khi ấy trong đôi mắt em ánh lên vẻ buồn bã, tự ti mà dường như không phải ngày một, ngày hai được hình thành.
Hạnh phúc bình dị đôi khi chỉ là mái nhà nhỏ chứa chan tiếng cười nói của cha, của mẹ và đứa con gái nhỏ đầu lòng đĩnh ngộ. Cứ ngỡ điều đó sẽ không mất bao giờ với một gia đình luôn chịu thương, chịu khó làm ăn bằng việc “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Cứ ngỡ, những dự cảm không lành cứ ập đến trong giấc mơ của những người làm cha, làm mẹ vì lòng dạ vốn dĩ quá thương con. Nhưng sự thật lại phũ phàng đến xé lòng. Chưa đầy 3 tuổi, Huỳnh Phương Phảo đột ngột có những dấu hiệu bất thường không rõ nguyên nhân. Khám nghiệm, chạy chữa bằng đủ mọi cách cho đứa con duy nhất trong gia đình nhưng chú Huỳnh Thanh Phương và cô Nguyễn Thị Đức đành “lực bất tòng tâm”.
Không được số phận mỉm cười và phải sống những chuỗi ngày mặc cảm, tự ti. Ngay cả việc có một đôi bàn tay lành lặng, hay đơn giản hơn, chỉ là phát âm để nói được rõ ràng cũng đủ là điều vô cùng khó khăn đối với Thảo. Có người sợ vì chưa hiểu, có người ngại nên chưa dám tiếp xúc. Nhưng với Thảo, nên đáng thương, đáng quan tâm, giúp đỡ hơn là đáng tránh.
Chú Huỳnh Thanh Phương – cha của Phương Thảo đến chương trình “Thắp sáng ước mơ sinh viên Đại học Cần Thơ” và luôn theo sát bên con gái. (Ảnh: Trọng Hữu)
Chia sẻ trong tràn ngập ngấn lệ, Phương Thảo cho biết gia đình chính là niềm an ủi, động viên lớn nhất của mình những lúc khó khăn đôi khi muốn gục ngã. Dù phải chịu nhiều ánh mắt tò mò khi mỗi lần đến với một môi trường mới, dù phải trải qua cảm giác đau đớn khi cầm viết nắn nót từng con chữ chậm chạp, dù có bao lần tuổi thân đến cùng cực tâm can vì bị hạn chế những khả năng rất đỗi bình thường. Nhưng chỉ cần nghĩ về gia đình, tất cả mọi thứ dường như được nén lại một cách chu đáo nhất và bỏ lại hết vào miền quên lãng. Bởi lẽ, cô gái trong thân hình khiếm khuyết ấy chưa bao giờ muốn trở thành gánh nặng cho cha mẹ hay để nỗi buồn của riêng mình ảnh hưởng đến người khác. Tiếp xúc một thời gian dài với Thảo có lẽ mới nhận ra nội tâm sâu sắc của cô gái này: Cuộc sống còn nhiều thứ khác để bận tâm lắm, như gia đình, bạn bè, thầy cô và cả những người yêu thương mình nữa. Hà cớ chi phải bận tâm những điều tiêu cực, không vui, không đáng. Bắt gặp Thảo trên mạng xã hội là một cô gái luôn chia sẻ những điều tích cực, còn bắt gặp Phương Thảo ngoài đời thường cũng lại là một cô sinh viên hay cười tít mắt, hay nói hay đùa mang lại cảm giác rất gần gũi, thân thiện đến mọi người xung quanh. Người ta nói đúng, “Hạnh phúc không tùy thuộc vào bạn là ai, bạn làm gì mà tùy thuộc vào bạn đang nghĩ gì”. Phương Thảo của “Thắp sáng ước mơ sinh viên Đại học Cần Thơ” hôm nay đã “chấp nhận” mình kể từ giây phút nghĩ đến điều đó.
Câu chuyện của Phương Thảo đâu đó đã âm thầm lấy đi những giọt nước mắt của khán giả bên dưới sân khấu. (Ảnh: Thiên Lý)
Mong muốn được “chấp nhận”
Vào thời điểm cách đây khoảng hai năm, nhiều người không tin hoặc không hiểu lý do vì sao cô gái này lại có thể vượt qua kì thi đại học đầy cạnh tranh. Chỉ khi có cơ hội được phỏng vấn Thảo mới biết đó là cả một quá trình nổ lực học tập và rèn luyện bắt đầu từ “âm số”.
Ý thức được rằng chỉ có con đường học tập mới mở ra một tương lai tươi sáng cho những người kém may mắn như mình. Ngay từ khi còn bé, Thảo đã phải cố gắng kiên trì luyện chữ viết bằng bàn tay không lành lặng. Nếu người bình thường bắt đầu từ con số 0 thì với Thảo khó khăn lại chồng chất khó khăn. Cô giáo phải kèm luyện rất nhiều Thảo mới có thể cho ra được một con chữ chậm chạp. Khi bạn học đã viết được gần bốn, năm chữ cái thì cô học trò nhỏ chỉ mới nguệch ngoạc được một chữ duy nhất mà đau rát cả năm ngón tay. Hay làm sao có thể hình dung ra được cảnh tượng học đánh vần gian nan của Thảo thế nào nếu chưa một lần nghe Thảo nói chuyện. Ấy vậy mà lòng quyết tâm chinh phục “cái chữ” của cô học trò khuyết tật chưa bao giờ tắt đi. Ý thức tự lập hình thành trong cô gái trông bề ngoài có vẻ yếu đuối này có từ rất sớm. Chỉ mới lớp 3, em đã tập tành chạy xe đạp để không phiền đến cha mẹ phải đưa đón đi học mỗi ngày. 12 năm liền vinh danh Học sinh Giỏi của trường, chưa lần nào thiếu sự có mặt của cô gái mang trong người khuyết tật bẩm sinh nhưng tâm hồn và ý chí chưa hề bị khiếm khuyết. Đỗ Đại học là niềm vui lớn của biết bao bạn trẻ. Nhiều bạn trẻ phải băn khoăn để chọn ngành – nghề phù hợp với sở thích, năng lực, điều kiện kinh tế, đầu ra, v.v... Riêng Thảo, ngoài những nỗi lo đó, Thảo còn phải đối mặt thêm với sự phù hợp về khiếm khuyết thể xác của chính mình. Đã vậy, thời gian đầu của cô sinh viên ngành Công nghệ thông tin chưa thể có được một chiếc máy tính riêng để thực hành, Thảo phải mượn máy tính của bạn cùng phòng để thao tác. Mong muốn được người khác chấp nhận không chỉ đơn thuần xuất phát từ việc tinh thần có “muốn hay không”, mà là cả một quá trình tạo dựng niềm tin phấn đấu, vun đắp khát vọng sống mãnh liệt để rồi biến hết tất cả những điều đó thành động lực thực tế cho việc dám nghĩ, dám ước mơ, dám hành động để chinh phục từng ngày và khẳng định giá trị bản thân theo cách của riêng mình.
"Thắp sáng ước mơ sinh viên Đại học Cần Thơ” trao học bổng giúp Phương Thảo phần nào vượt qua khó khăn trước mắt. (Ảnh: Trọng Hữu)
Với những gì đã chịu đựng và cố gắng vượt qua, những thành tích không phải ai cũng dễ dàng đạt được nếu không phải là chính Thảo hoặc ngay cả khi là chính mình, cô gái này chẳng những mang đến một cách nhìn khác về bản thân cho bạn bè, thầy cô và những người xung quanh mà còn chứng minh được quá trình nổ lực phấn đấu của chính Thảo. Điều đó chưa bao giờ là uổng phí mà còn là niềm tự hào, là nguồn động lực lớn nhất và duy nhất cho cha mẹ Thảo vượt qua những tháng ngày khổ cực, tuổi thân cùng nỗi lo thường trực với gánh nặng mưu sinh hằng ngày.
Số phận đã cướp đi của Phương Thảo một cuộc đời bình thường, một tuổi thơ hồn nhiên, một cơ thể lành lặng. Thế nhưng, nó không thể cướp đi niềm tin và nghị lực kiên cường, ý chí vượt khó của một cô sinh viên khiếm khuyết về thể xác nhưng không hề khiếm khuyết tâm hồn. Và luôn chứa đựng đâu đó những ước mơ, hoài bão về một ngày mai tươi sáng dù con đường còn dài và lắm gian truân.
“May mắn là MC được đồng hành và lắng nghe những chia sẻ từ câu chuyện của Thảo, tôi nhận ra mình nhỏ bé vô cùng. Cứ lớn hơn một chút, được gặp gỡ thêm nhiều hoàn cảnh thêm một chút, tôi lại thấy mình nhỏ lại một chút. Cuộc sống đôi khi vốn dĩ rất công bằng, vì khi nó nhẫn tâm lấy đi của ta một thứ gì đó, cũng đồng nghĩa với việc sẽ tạo cơ hội cho ta khám phá để chấp nhận bản thân mình và có quyền lựa chọn cách biến điều đó thành động lực chinh phục khó khăn. Âu cũng là do ta vẫn muốn những điều riêng biệt so với đám đông hay sao. Hãy gọi khó khăn là thử thách và có bao giờ ta nhận ra một điều rằng: Con sâu càng xấu sẽ trở thành con bướm càng đẹp. Cảm ơn Phương Thảo và câu chuyện cuộc đời của em” |
Nam Vi