Bầu trời Cần Thơ chào đón cô sinh viên mới bằng những cơn mưa đầu thu ào ạt. Mưa ầm ĩ, nhạt nhoà. Mưa xô vào lòng cô gái trẻ cái nỗi nhớ nhà da diết. Đường phố Cần Thơ rộn ràng, tấp nập lại từng tầng, từng lớp xát muối vào cái nỗi buồn không tên của cô sinh viên non dại.
Mười tám tuổi,cái tuổi đẹp nhất của đời người,cô bước vào con đường tự lập với những bước đầu vững chãi và niềm tự hào về ngôi trường đầy mới mẻ, thiêng liêng : Đại học Cần Thơ. Nỗi xúc động dâng đầy vào khoảnh khắc giấy báo trúng tuyển hiện rõ tên cô. Đây là ngôi trường mà ba từng theo học, ngôi trường in hằn vào kí ức cô trong suốt tuổi thơ qua những lời âm trầm ba kể. Và đây, cũng sẽ là nơi cô ghi tiếp những dấu chân của bốn năm cuộc đời.
Cứ ngỡ rằng “Đại học” sẽ là khoảng thời gian để cô “tung hoành”,để cô thực hiện ước mơ và những khát khao một lần đứng trên sân khấu “Hội trường Rùa” uy nghi rộng lớn. Nhưng không! Cô đã lầm! Tất cả đối với cô,còn hơn thế nữa. Ánh đèn sân khấu,những bộ trang phục ca múa lộng lẫy đã từng là niềm hạnh phúc lớn lao cho đến khi cô tham gia chi hội sinh viên của mình. Cho đến khi cô một lần trông thấy nụ cười non nớt của những đứa trẻ lần đầu hiểu được mấy chữ “tết trung thu”.
Mưa. Trời lại mưa. Nhưng đó là những cơn mưa ấm áp nhất cuộc đời vô lo của cô gái. Cả Chi hội sinh viên Sóc Trăng bao gồm mấy mươi nhân khẩu tranh nhau,túm tụm trong góc phòng trọ nhỏ hẹp không tên ẩn sâu lòng thành phố tấp nập xô bồ. Một gia đình nhỏ chẳng có bố, mẹ lẫn con,chỉ có tình người đan xen trong từng hơi thở. Tranh nhau cái ghim bấm, tấm bìa, mấy anh, chị lần em giành nhau cái lồng đèn trung thu còn dang dở. Mưa cứ miệt mài ngoài hiên còn cô gái và “họ” cứ miệt mài hăng say và hạnh phúc. Đan lẫn trong tiếng bồm bộp trên mái tol là tiếng nô đùa,chốc chốc lại là giọng nữ nhỏ nhỏ,trầm trầm “mấy bạn làm nhanh để mình còn chia nhau mang về..”,” hôm nay ( ai đó ) ủng hộ chi hội mình gói kẹo..”. Mưa cứ thế kéo dài,công việc và khoảng cách cứ thế rút ngắn lại mãi…
Trời lại tiếp tục mưa. Hôm nay cô gái trẻ vượt hơn 60 km về thăm gia đình và quan trọng hơn, ghi một trang mới cho cuộc đời sinh viên thêm tươi đẹp. Cô được anh chị đưa về một vùng quê xa lạ, khuất lấp đằng sau thành phố Sóc Trăng nơi cô đã được lớn lên, một vùng quê nghèo và còn biết bao điều thiếu thốn. Đó là một khóm nhỏ đầy ắp tiếng cười và tràn ngập niềm hạnh phúc. Hội được chào đón bằng những bước chân trẻ con chạy vội theo sau xe,bằng tiếng gọi “anh,chị ơi” ngọt ngào mà da diết. Trên những gương mặt bùn đất lắm lem, đôi mắt sáng rực lên điều gì đó tưởng chừng như mới lạ. Mấy cái lồng đèn giấy treo xe giản đơn,chẳng chút màu mè thi nhau được bọn trẻ tán dương như chính những ngọn đèn “Sài Gòn” trong mấy câu hát xưa của nhạc sĩ Thanh Sơn đã viết. Bọn trẻ đến sớm! Cô gái trẻ non nớt hôm nao lại được trở thành người quản trò cho bọn nhóc. Giọng nói khàn đi vì la, hát và cả nói cười. Có những đứa trẻ thành phố cả đời chẳng thể nào biết được cái gì gọi là lồng đèn giấy, cũng có những đứa trẻ cô đơn cả đời chẳng thể nào biết được cái gì gọi là “tết trung thu”. Và ở đây, chung tôi đã bắt gặp được những đứa trẻ xem lồng đèn cả hội tự làm là báu vật. Chúng tranh nhau nhìn ngắm,chăm chút và nâng niu. Chúng oà lên khi ánh điện nhập nhoè tắt đi thay vào đó là ánh nến le lói trong chiếc đèn tròn đầy hình sao và mặt trăng khuyết. Đối với chúng,những chiếc đèn được tái chế bằng giấy bìa này là niềm vui, là ánh sao nhấp nháy trong bầu trời tuổi thơ, là một kí ức ngọt ngào trong cả quãng đời vài tuổi chưa hẳn là tốt đẹp, vẹn tròn.
Cô gái trẻ cười vì đám nhóc tì cười và rưng rưng khi nhìn những ánh mắt xúc động non nớt ấy, vài quyển tập, cái đèn lồng, vài phong bánh,viên kẹo nhỏ làm nên cả một điều gì to lớn lắm. Là cả một dấu ấn đầu tiên tốt đẹp trong cuộc đời đại học của nàng sinh viên xây dựng “loi nhoi”.
Kết thúc một ngày mưa,nhưng mưa không buồn. Ngả lưng trên chiếc giường quen thuộc và lóng ngóng gõ những dòng này. Cô gái chợt thấy lòng mình như ấm lạ,những điều tưởng chừng như bình dị lại làm cuộc đời thêm tươi màu và ý nghĩa. Lại thấy thật hạnh phúc vì lựa chọn của bản thân mình, một ngôi trường tuyệt vời và một chi hội vô cùng ấm áp. Thêm hi vọng về bốn năm mài ghế trên giảng đường Đại học cần Thơ với bao điều mới lạ trông chờ.
Hôm nay tôi không cô đơn! <3 <3
“Nỗi niềm của nàng Tân sinh viên TRƯƠNG THỊ THÙY DƯƠNG ( kỹ thuật CTXD Khóa 41)”