“Có những điều tưởng chừng như đơn giản nhưng lại phức tạp
Có những điều bình dị nhưng chứa chan nhiều ý nghĩa
Có những thứ đến và đi rất nhanh
Song cũng có những thứ vẫn mãi hiện hữu trong tim ta”.
Lại một mùa hè nữa tôi được cháy với ngọn lửa tình nguyện trong tim mình. Mười ngày không quá dài cũng không quá ngắn, nó đủ để 50 thành viên trong đại gia đình chúng tôi xích lại gần nhau, hiểu nhau nhiều hơn. 50 con người – 50 cá tính khác nhau chắc chắn sẽ có những lúc xảy ra mâu thuẫn, những bất đồng về quan điểm nhưng chúng tôi chọn cách nói ra tất cả mọi chuyện không phải là để trút hết những bực dọc rồi không nhìn mặt nhau mà là hiểu và thông cảm cho nhau. 10 ngày qua đã để lại cho chúng tôi rất nhiều kỷ niệm: vui có, buồn có,…………… mà chúng tôi biết rằng những kỉ niệm đó là LẦN ĐẦU TIÊN VÀ DUY NHẤT.
Trước giờ xuất phát
Tôi ấn tượng nhất là lần đầu tiên được đi “xe mui trần” theo đúng nghĩa đen. Đứng trên xe mà mặt đứa nào cũng vui như hoa hậu sắp được đi diễu hành rồi cũng nhau lắc lư, cùng nhau hòa nhịp trong những bài hát tập thể. Để rồi vừa bước xuống xe là có đứa xanh mặt vì sợ mà thốt lên “KHÔNG THỂ TIN ĐƯỢC” – câu nói dường như đã trở thành câu cửa miệng của bọn tôi mỗi khi có bất kì chuyện gì.
Xe “mui trần” huyền thoại
Ngồi trên xe, ta cùng nghêu ngao hát “Nối vòng tay lớn”, “Năm anh em trên một chiếc xe tăng”, “Chào em cô gái Lam Hồng”
Với bọn sinh viên như chúng tôi từ lâu đã quen với việc cầm viết, gõ bàn phím, những công việc nhẹ nhàng và đặc biệt là lười vận động lâu ngày thì những tưởng việc đào đất, lấp đường sẽ rất khó khăn và làm chúng tôi chùn bước. Nhưng không, chúng tôi vẫn sẵn sàng xắn tay áo lao vào công việc. Chúng tôi biết chắc chắn là năng suất và chất lượng công trình của mình làm ra không thể nào bằng người dân lao động ở địa phương nhưng chúng tôi cũng biết là mình có sự nhiệt tình, mỗi người phụ một tay thì chẳng có việc gì là không thể làm.
Đi sửa đường. Chân em ngắn em vẫn làm được việc nặng nhá
Dọn rửa bàn ghế để chuẩn bị cho lễ khánh thành trường TH Mỹ Thành Nam 2
Một, hai, ba nào ta cùng đẩy…!
Tụi em là con gái nhưng cầm cuốc cầm xẻng thì khỏi chê nha! ^^
Trên đường đi phát quang, vá đường
Trong những ngày đi làm công trình ở các ấp, chúng tôi luôn được nhận sự hỗ trợ nhiệt thành từ các hộ dân, người cho măng, người cho thịt, có nhà cho cả những bữa ăn thịnh soạn… Cầm một hộp cơm đầy thịt, trứng trên tay mà tôi không khỏi nghẹn ngào, vì thấy rằng công sức chúng tôi bỏ ra chưa hẳn đã đem đến lợi ích gì to lớn cho địa phương, mà các cô chú ở xã, bà con ở các ấp đối xử với mình như những đứa con đứa cháu của quê hương Mỹ Thành Nam đang đi học xa nhà…
Ngoài những giờ đi làm công trình, chúng tôi còn có những phút ngồi bên nhau để thư giãn. Tiếng đàn và tiếng hát luôn vang lên trong sân trường, kể cả khi đêm đã xuống. Khi mấy chục con người cùng nhau cất giọng hát thì đó không còn là tiếng hát nữa, mà nó là tiếng nói của tình bạn, hòa hợp và cảm thông. Ấn tượng nhất là bài hát “Chào em cô gái Lam Hồng” dù không có ai thuộc lời, nhưng sau này mỗi lần chúng tôi cất giọng hát lên là lại nghẹn ngào vì nhớ lại những đêm ôm đàn hát ca quanh đèn cầy vì ban đêm cúp điện.
Đọc “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” trong giờ rảnh rỗi.
Xem ai rận nhiều hơn nào?
Thời sinh viên quý cây đàn ghi-ta, Nhờ ghi-ta mới quen nàng mời ca!
“Bữa cơm gia đình” do “mama tổng quản” nấu và phân phát để ăn sáng
“10 năm sau quê hương em sẽ không còn những ngôi nhà lá mà thay vào đó là những ngôi nhà mái ngói đỏ tươi và sẽ có thêm nhiều cây xanh che bóng mát. Để bảo vệ môi trường người ta thường đi xe đạp, người dân ý thức hơn, cũng không vứt rác bừa bãi trên sông ngòi, đường phố. Người ta sẽ bảo vệ cây xanh và trồng nhiều hoa hơn…….” đây là những chia sẻ, những cảm xúc chân thật của các em học sinh trường Tiểu học Mỹ Thành Nam 2 khi được hỏi “10 năm sau em muốn quê hương em sẽ thay đổi thế nào?”. Tuy tuổi các em còn nhỏ nhưng suy nghĩ của các em thì đến cả người lớn chúng ta cũng phải trầm trồ mà ngẫm lại bản thân. Đây có thể nói là buổi sinh hoạt mà tôi ấn tượng và nhớ nhất trong rất nhiều buổi sinh hoạt mà tôi từng làm. Ở đó, không phải chỉ là tôi sinh hoạt cho các em mà tôi còn học được ở các em rất nhiều điều. Tôi thấy được những suy nghĩ của trẻ thơ là chân thật và đáng trân trọng nhất.
Kết thúc buổi sinh hoạt chúng tôi đã cùng nhau thắp hương cho các anh hùng liệt sĩ ở nhà bia tưởng niệm. Sau đó dường như không khí loãng ra khi rất nhiều em học sinh thốt lên “năm sau anh Lộc và các anh chị về sinh hoạt cho tụi em nữa nha”. Tim tôi như có gì đó nghẹt cứng và những giọt nước mắt hạnh phúc cũng rơi. Những con người mới gặp nhau mà cứ ngỡ như đã thân thuộc, chẳng ngại ngần gì mà ôm nhau khóc.
Cuộc thi vẽ đề tài: “Hãy vẽ nên quê hương Mỹ Thành Nam của em trong vòng 1o năm nữa”
“Em muốn trong tương lai, mọi người sẽ giữ gìn vệ sinh hơn, không xả rác bừa bãi xuống sông nữa. Mọi người có ý thức tuân thủ luật giao thông. Để bảo vệ môi trường, người ta thường đi xe đạp.”
Những nét vẽ non nớt nhưng giàu sáng tạo của các em
Vừa làm ban tổ chức vừa làm ban giám khảo, chúng tôi vừa phải khích lệ và gợi ý tưởng cho các em.
Giây phút lắng lòng, ngồi bên nhau chia sẻ tâm sự sau buổi sinh hoạt đầy ý nghĩa.
Lại nói tí xíu về đêm văn nghệ, đêm cuối cùng chúng tôi ở lại đó. Trong đầu chúng tôi chợt vụt qua hình ảnh hơn một tháng trời lăn lộn ở nhà học C1 với biết bao công sức và mồ hôi, có cả tiếng cười, có cả những bực dọc và hờn dỗi. Vậy mà cuối cùng đội dân vũ, đội múa chính, đội kịch, đội hát… tất cả đã thể hiện một cách nghiêm túc tiết mục của mình. Chúng tôi đã thực sự quên mình trên sân khấu và làm được những gì cần làm.
Sau buổi văn nghệ là đêm chia tay, là đêm nhiều cảm xúc nhất. Tôi khóc, bạn tôi khóc, tất cả đều khóc,…………chúng tôi khóc vì chúng tôi vui khi chương trình thành công tốt đẹp, khóc vì chúng tôi tiếc nuối 10 ngày trôi qua quá nhanh, khóc vì sắp phải chia tay đồng đội, khóc vì những cảm xúc riêng của bản thân,……… Khóc vì năm sau chúng tôi bước qua năm thứ tư của đời sinh viên nhưng chúng tôi biết rằng những thế hệ trẻ hơn, năng động hơn, nhiệt huyết hơn chúng tôi rồi sẽ tập hợp với nhau và làm nên những hành trình có ý nghĩa nhiều hơn thế này nữa!
Mãi nhớ về nhau, mãi nhớ về những kỉ niệm nơi quê hương Mỹ Thành Nam – Cai Lậy – Tiền Giang.
Đội hình văn nghệ Múa chính chụp ảnh lưu niệm cùng các chú lãnh đạo xã và huyện.
Bài viết: Tấn Lộc – Ảnh: Tiểu ban Truyền thông LCHSV Tiền Giang
Xem nhiều hơn tại: https://www.facebook.com/tiengiang.ctu