Trong những ngày sống ở Việt Bắc, mỗi lần Bác đi công tác, có hai đồng chí đi cùng. Vì sợ Bác mệt, nên hai đồng chí định mang hộ ba lô cho Bác, nhưng Bác nói:
- Đi đường rừng, leo núi ai mà chẳng mệt, tập trung đồ vật cho một người mang đi thì người đó càng chóng mệt. Cứ phân ra mỗi người mang một ít.
Khi mọi thứ đã được phân ra cho vào 3 ba-lô rồi, Bác còn hỏi thêm:
- Các chú đã chia đều rồi chứ?
Hai đồng chí trả lời:
- Thưa Bác, rồi ạ.
Ba người lên đường, qua một chặng, mọi người dừng chân, Bác đến chỗ đồng chí bên cạnh, xách chiếc ba lô lên.
- Tại sao ba lô của chú nặng mà Bác lại nhẹ?
Sau đó, Bác mở cả 3 chiếc ba lô ra xem thì thấy ba lô của Bác nhẹ nhất, chỉ có chăn, màn. Bác không đồng ý và nói:
- Chỉ có lao động thật sự mới đem lại hạnh phúc cho con người.
Hai đồng chí kia lại phải san đều các thứ vào 3 chiếc ba lô.
(Qua câu chuyện nhỏ "về 3 chiếc ba lô" của Bác mang một ý nghĩa vô cùng to lớn về tinh thần tương thân và tương ái. Dù ở cương vị lãnh đạo, nhưng Bác đã xem mình như mọi người, không muốn hưởng những đặc quyền riêng, luôn chia sẻ công việc và khó khăn cùng mọi người và xem đó như một thói quen không thể thiếu trong phong cách sống của mình. Câu chuyện về "3 chiếc ba lô" của Bác đã cho tôi một bài học sâu sắc về giá trị của tình đoàn kết, giá trị của tinh thần tương thân, tương ái giúp đỡ nhau trong cuộc sống, trong công việc.)