Sách “Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử”, tập 10, do Viện Nghiên cứu chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh biên soạn, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia ấn hành năm 1996, trang 334, có đoạn:
“Ngày 27 tháng 4 năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh nghe hai đồng chí: Lê Đức Anh và Chu Huy Mân báo cáo công việc, sau đó Người mời hai đồng chí ở lại ăn cơm với Người”.
Sáng hôm ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi bỏ phiếu bầu Hội đồng nhân dân cấp huyện, xã… Người bỏ phiếu tại hòm phiếu số 6, đơn vị 1, tiểu khu 1, khu phố Ba Đình, Hà Nội, đặt tại Nhà thuyền Hồ Tây.
Khi Bác Hồ đến, trong Nhà thuyền đã có nhiều cử tri đang bỏ phiếu. Tổ bầu cử thấy Bác đến, ra hiệu để đồng bào tạm dừng và tạo “điều kiện” để Bác bỏ phiếu trước. Biết ý, Bác nói “sòng phẳng”:
- Ai đến trước, viết trước, Bác đến sau, Bác chờ. Bác chờ cho đến hàng mình, mới nhận phiếu và vào “buồng” phiếu.
Nhà báo Ma Cường chợt nghĩ thật là “hạnh phúc một đời của người làm báo”, “cơ hội ngàn năm có một” và vội giơ máy lên bấm, rất nhanh, Chủ tịch Hồ Chí Minh lấy tay che phiếu lại, nói với Ma Cường:
- Không ai được vào đây. Đây là phòng viết phiếu kín của cử tri. Phải bảo đảm tự do và bí mật cho công dân.
Nhà báo buông máy, nhưng vẫn thấy hạnh phúc.
Theo lời kể của các đồng chí ở gần Bác, trước khi đi bầu cử Bác không cho ai “gợi ý” cả, Bác nói:
- Ấy, đừng có “lãnh đạo” Bác nhé. Bác không biết đảng uỷ hướng dẫn danh sách để ai, xoá ai đâu nhé. Đưa lý lịch của những người ứng cử đây để Bác xem. Có chú nào dự buổi ứng cử viên trình bày ý kiến với cử tri, nói lại để Bác cân nhắc, Bác tự bầu.
(Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người là tấm gương sáng, gương mẫu về nguyên tắc, kỷ luật. Những nguyên tắc ấy là những việc làm thường ngày của mọi công dân và chính Người là người gương mẫu thực hiện trước. Với Người đạo đức cách mạng là hòa mình với quần chúng nhân dân tạo thành một khối thống nhất, tin quần chúng, hiểu quần chúng, lắng nghe ý kiến quần chúng. Đảng viên, đoàn viên và cán bộ phải làm cho dân tin, dân phục, dân yêu. Do vậy, tất cả những hành động, việc làm của Người đều xuất phát từ quyền lợi của nhân dân luôn đặt lợi ích của nhân dân lao động lên trên hết, trước lợi ích của riêng mình, hết lòng phục vụ nhân dân.
Với Bác, Bác chưa bao giờ tự cho mình là một vị anh hùng, không bao giờ cho mình tự hưởng một đặc quyền, đặc lợi, một ngoại lệ nào cả. Người luôn có cách sống, cách làm việc giản dị, gương mẫu, chấp hành kỷ cương, kỷ luật, pháp luật của Nhà nước, thực hiện tốt các quyền và nghĩa vụ của công dân. Mọi việc làm, cử chỉ, hành động của người rất đời thường, giản dị nhưng hàm chứa sâu sắc nguyên tắc, tổ chức kỷ luật, đó chính là phẩm chất tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh).