Vào sáng thứ hai, ngày 10/5/1965 Bác Hồ đặt bút viết những dòng chữ đầu tiên vào tài liệu “Tuyệt đối bí mật” để dặn cho muôn đời con cháu mai sau. Trong 04 năm, Bác dành thời gian để tiếp tục suy nghĩ về những điều dặn lại cho mai sau. Bác đọc rất chăm chú từng câu từng chữ mà Bác đã đánh máy xong. Có lúc Bác đã cầm bút lên, rồi lại đặt bút xuống…
Bước sang tuổi 76, tình hình sức khỏe của Bác nói chung vẫn như năm ngoái, duy chỉ có một biểu hiện mới là tay chân cử động hơi khó khăn. Hội đồng y khoa xác định đó là triệu chứng của một hiện tượng máu tưới não không đều. Bác tăng cường tập thể dục để chống lại bệnh tật, rất kiên trì, tuân thủ phương pháp, giữ đúng giờ giấc.
Từ ngày 12 đến ngày 14/5/1965, Bác họp Bộ Chính trị. Chính trong những ngày này Bác đã ghi thêm một câu đặc biệt quan trọng ở phần đoàn kết: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình, là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết thống nhất trong Đảng”… Năm nay, Bác viết thêm liền sau đoạn đó: “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Cán bộ, đảng viên chúng ta, từ Trung ương đến các chi bộ chắc sẽ xúc động biết chừng nào khi biết rằng, sau một năm trời, Bác Hồ chỉ dặn thêm cho chúng ta một câu như thế. Chỉ một câu thôi, nhưng suy cho cùng đó là điểm cơ bản nhất của vấn đề đoàn kết. Bởi nếu không xuất phát từ “Tình đồng chí thương yêu lẫn nhau” thì dù có tự phê bình và phê bình đến mấy, dù được gọi là có tinh thần đấu tranh thẳng thắn đến mấy, hiệu quả cũng chẳng được là bao.
Nhớ lại vào ngày 19/5/1948, giữa rừng Việt Bắc. Hôm đó, tôi có mời một số đồng chí về ăn cơm với Bác, nhưng có lẽ vì bận công tác đột xuất nên không ai đến được. Nghĩ ngày sinh nhật của Bác mà để Bác phải ngồi ăn cơm một mình, tôi đánh bạo thưa với Bác:
- Thưa Bác, hôm nay cho phép cháu được ăn cơm với Bác.
Bác nheo cặp mắt hiền từ nhìn tôi, rồi tủm tỉm cười:
- Chú tự mời thì chú cứ đến.
Nghe Bác nói mà tôi hởi lòng, hởi dạ. Trong bữa ăn hôm đó, tôi có tâm sự với Bác một số vấn đề về đoàn kết của bộ phận phục vụ. Tôi thưa với Bác:
- Cháu làm việc với Bác đã khá lâu, nhưng chưa một lần nào cháu thấy Bác nặng lời với cháu. Thế mà chỉ mấy anh em, thỉnh thoảng chúng cháu lại cứ cáu gắt nhau…
Bác vừa ăn, vừa nghe tôi nói, rồi ôn tồn bảo tôi:
- Chú làm việc với Bác lâu, thì Bác làm việc với chú cũng lâu chứ, thế mà Bác có thấy bao giờ chú chú cáu gắt với Bác đâu!
Tôi đang ngỡ ngàng với cách đặt vấn đề của Bác, thì đã nghe Bác nói tiếp, vẫn với giọng hiền từ:
- Hai Bác cháu ta, có gì khó khăn thì bàn bạc với nhau, cùng giải quyết, việc gì phải nặng lời, việc gì mà phải cáu gắt. Đó chính là do Bác tôn trọng chú, chú tôn trọng Bác. Vì vậy, chú cứ tự nghĩ xem, trong quan hệ công tác, các chú đã thật sự tôn trọng nhau chưa? Theo Bác, sở dĩ các chú hay cáu gắt với nhau, cái chính là do các chú chưa tôn trọng nhau đúng mức.
Suy nghĩ về những lời dạy của Bác, tôi càng thấm thía. Nếu quả đúng là cá tính thì tại sao chỉ nóng tính với cấp dưới, chứ không bao giờ dám nóng với cấp trên?
Bữa ăn hôm ấy, có thêm món chuối tiêu tráng miệng do tự tay Bác trồng. Lúc ngồi vào bàn ăn, Bác đã thân mật dặn tôi, ăn cơm vừa phải còn để bụng mà ăn chuối tiêu. Vừa ăn chuối Bác vừa hỏi tôi:
- Chú thấy bánh Gato có ngon không?
- Thưa Bác, ngon lắm ạ!
- Thế Bác mời chú ăn cơm, không nói cho chú biết là có bánh Gatô tráng miệng, cứ để chú ăn no căng bụng thì lúc ăn bánh Gatô còn ngon nữa không?
- Thưa Bác, lúc đó thì bớt ngon ạ!
Tôi đang cố suy nghĩ xem Bác nói chuyện này để nhằm giáo dục vấn đề gì đây, thì Bác tiếp tục hỏi:
- Bớt ngon mà Bác cứ bắt chú phải ăn, liệu chú có khó chịu không?
- Thưa Bác, khó chịu ạ!
Bác dẫn dắt như thế và Bác kết luận:
- Bánh Gatô ngon nhưng ăn không đúng lúc cũng không ngon, ăn không đúng cách lại càng không ngon. Tự phê bình và phê bình cũng vậy. Phải đúng lúc và đúng cách. Và điều quan trọng là phải biết tôn trọng lẫn nhau.
Vào dịp sinh nhật lần thứ 76, trước lúc chuẩn bị đi xa, Bác lại nhắc điều đó, nhưng nâng lên ở mức cao hơn. Bác viết: “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”, Bác còn chỉ rõ: “Các đồng chí từ Trung ương đến chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.
Phải chăng, Bác muốn căn dặn chúng ta: “Tình đồng chí thương yêu lẫn nhau” là điều quan trọng hàng đầu trong công tác xây dựng Đảng, trong vấn đề bảo đảm đoàn kết và bao trùm lên tất cả là trong mối quan hệ giữa người với người. Nếu không xuất phát từ điều đó, không xuất phát từ “Tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”, sẽ chẳng còn điều gì có ý nghĩa cả.
Ngày 14/5/1966, vào lúc 08 giờ, Bác đến nói chuyện với lớp huấn luyện đảng viên mới, do Thành ủy Hà Nội tổ chức tại trường Chu Văn An. Là người sáng lập Đảng, tự tay vun trồng những mầm non của Đảng ngay từ những ngày đầu tiên, mỗi lần được gặp các thế hệ đảng viên mới, bao giờ Bác cũng rất vui, cảm thấy mình như được trẻ lại.
Trong buổi gặp mặt hôm ấy, sau khi nói xong bài nói chuyện đã chuẩn bị sẵn, Bác nói thêm một câu thật thấm thía: “Con người ta trước hết phải có đạo đức, sống với nhau phải có tình, có nghĩa. Nếu đọc bao nhiêu sách Chủ nghĩa Mác-Lênin mà sống với nhau không có tình, có nghĩa, thì chỉ là giáo điều, sách vở”.
(Theo Vũ Kỳ, Thư kí Bác Hồ kể chuyện, Nxb Chính trị quốc gia, 2008, tr. 530 – 534)
(Bác Hồ để lại cho dân tộc và nhân loại một hệ thống tư tưởng rất phong phú, trong đó có tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết. Tuy đã về vời thế giới người hiền nhưng Người đã để lại bản “Di chúc” lịch sử mang nặng giá trị tư tưởng, nhân văn và ý nghĩa thời đại sâu sắc. Tháng 5/1965, Bác Hồ đặt bút viết bản “Di chúc” đầu tiên. Đến tháng 5/1966, Người viết tay bổ sung thêm chín chữ: “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Câu này được giữ nguyên cho đến bản “Di chúc” công bố năm 1969 và trở thành điều đặc biệt đối với Đảng ta trong công tác xây dựng Đảng, đoàn thể hiện nay. Quả thực, những gì trong thực tiễn cách mạng cũng như trong thực tế công tác của cán bộ nhiều năm qua chúng ta đang gặp, hoặc đã và đang mắc phải, lại được Bác Hồ cảnh báo, chỉ ra từ rất sớm, nhất là được nhấn mạnh trong di chúc thiêng liêng hơn một nghìn từ của Người viết từ hơn nửa thế kỷ trước. Những thói hư, tật xấu, những khuyết điểm yếu kém kéo dài chậm được khắc phục, suy cho cùng đều có nguyên nhân thiếu tình đồng chí thương yêu lẫn nhau. Dù đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, nhưng tinh thần ấy vẫn còn nguyên giá trị soi đường dẫn lối cho Đảng và dân tộc thực hiện mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.).