Cách đây 30 năm, ngày 3-2-1969, nhân dịp kỷ niệm 39 năm Ngày thành lập Đảng, báo Nhân dân đã trân trọng đăng trên tranh nhất bài: “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” của Bác Hồ. Nội dung của bài báo chính là vấn đề mà Bác thường xuyên quan tâm trong suốt mấy chục năm qua. Lần này sau một thời gian suy nghĩ, Ngày 25 tháng 1 năm 1969, Bác cho mời đồng chí phụ trách Tuyên huấn của Đảng đến giao nhiệm vụ chuẩn bị bài viết quan trọng này. Bác nói rõ mục đích, nội dung và nhấn mạnh yêu cầu: ngắn gọn, tập trung vào chủ đề : “Quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng”. Và đó cũng là tên của bài báo.
Ngày 28-1-1969, Bác sửa lại bài viết rồi cho đánh máy thành nhiều bản gửi đến từng đồng chí Uỷ viên Bộ chính trị đề nghị tham gia ý kiến. Đây hẳn cũng không phải là việc ngẫu nhiên. Dưới hình thức tham gia một bài viết trong dịp kỷ niệm ngày thành lập Đảng, mỗi đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị sẽ có trong tay một tài liệu mà ngay câu đầu tiên là: “Quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng”.
Chiều 30 tháng giêng, Bác cùng Văn phòng đọc lại từng ý kiến đóng góp của các đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị, bổ sung vào bản thảo, rồi cho đưa đi đánh máy. Bác dặn đánh máy xong gửi lại cho Bác một bản.
Ngày 1-2, tiết trời trở lạnh. Cả buổi sáng, Bác sang họp Bộ Chính trị về công tác quân sự.
Ba giờ rưỡi chiều, đồng chí phụ trách Tuyên huấn sang gặp Bác, xin bản thảo chính thức để kịp thời đăng báo.
Cầm bản thảo cuối cùng do Bác tự tay đánh máy, liếc sang bản thảo đầu do Ban Tuyên huấn chuẩn bị, đồng chí cán bộ Tuyên huấn gượng cười thưa với Bác:
Bác chữa hết cả rồi còn gì nữa đâu ạ!
Bác mỉm cười độ lượng:
- Bác chữa nhưng vẫn còn giữ nguyên ý chính của bài là: Quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng”. Cái đó là quan trọng nhất.
Đồng chí Phụ trách Tuyên huấn đề nghị với Bác xin sửa lại đầu đề: Đưa vế “nâng cao đạo đức cách mạng” lên trước, chuyển vế “quét sạch chủ nghĩa cá nhân” ra phía sau với lý do là cán bộ đảng viên ta nói chung là tốt, ưu điểm là cơ bản.
Bác quay sang hỏi ý kiến đồng chí Văn phòng:
- Ý kiến chú thế nào?
Đồng chí cán bộ Văn phòng nhất trí với ý kiến đồng chí Phụ trách Tuyên huấn.
Bác im lặng suy nghĩ, cuối cùng Bác nói:
- Ý kiến của các chú Bác thấy cũng có lý. Nhưng Bác còn phân vân điều này: Gia đình các chú tiết kiệm mua sắm được bộ bàn ghế, giường tủ mới. Vậy trước khi kê vào phòng, các chú có quét dọn nhà cửa sạch sẽ hay cứ để rác rưởi bẩn thỉu mà khiêng bàn ghế, giường tủ vào.
Chúng tôi thật sự bất ngờ trước cách đặt vấn đề của Bác, đang lúng túng chưa biết trả lời thế nào thì Bác đã nói:
- Vì cả hai chú đã đề nghị, là đa số, Bác đồng ý nhượng bộ đổi lại tên đầu bài: “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Nhưng ở trong bài thì dứt khoát phải để nguyên ý của Bác “Quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng”.
Ý tứ ấy của Bác, cho mãi đến hôm nay càng thấy vô cùng sâu sắc.
Mở đầu bài báo, Bác viết: “Nhân dân ta thường nói: Đảng viên đi trước, làng nước theo sau. Đó là một lời khen chân thành đối với đảng viên và cán bộ chúng ta”.
Bác nêu lên những thắng lợi to lớn mà nhân dân ta đã giành được dưới sự lãnh đạo của Đảng trong suốt 39 năm qua” “Trải qua 39 năm đấu tranh oanh liệt, làm cách mạng Tháng Tám thành công, kháng chiến lần thứ nhất thắng lợi, và ngày nay vừa chiến đấu chống Mỹ, cứu nước, vừa xây dựng CHXH ở miền Bắc, nhân dân ta tin tưởng rằng: Đảng ta lãnh đạo rất sáng suốt, đã đưa dân tộc ta tiến lên không ngừng từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Trong lịch sử đấu tranh của Đảng và trong mọi hoạt động hằng ngày, nhất là trên mặt trận chiến đấu và sản xuất, rất nhiều cán bộ, đảng viên ta tỏ ra anh dũng, gương mẫu, gian khổ đi trước, hưởng thụ đi sau và đã làm nên những thành tích rất vẻ vang.
Đảng ta đã đào tạo một thế hệ thanh niên cách mạng, gái cũng như trai, rất hăng hái, dũng cảm trong mọi công tác.
Đó là những bông hoa tươi thắm của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Nhân dân ta và Đảng ta rất tự hào có những người con xứng đáng như thế”.
Tiếp đó, Bác nghiêm khắc phê phán những biểu hiện thoái hoá biến chất của một số cán bộ, đảng viên:
“Họ mang nặng chủ nghĩa cá nhân, việc gì cũng nghĩ tới lợi ích riêng của mình trước hết. Họ không lo “mình vì mọi người” mà chỉ muốn “mọi người vì mình”.
Do cá nhân chủ nghĩa mà ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hoá, lãng phí, xa hoa. Họ tham danh, trục lợi, thích địa vị quyền hành. Họ tự cao tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán chuyên quyền. Họ xa rời quần chúng, xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu mệnh lệnh. Họ không có tinh thần cố gắng vươn lên, không chịu học tập tiến bộ”.
Phần cuối của bài báo, Bác đề ra phương hướng cụ thể để cán bộ, đảng viên sửa chữa, tiến bộ, khắc phục những thiếu sót, làm cho Đảng luôn luôn xứng đáng với vai trò lãnh đạo của mình:
“Phải thực hành phê bình và tự phê bình nghiêm chỉnh trong Đảng. Phải hoan nghênh và khuyến khích quần chúng thật thà phê bình cán bộ, đảng viên. Chế độ sinh hoạt chi bộ phải thật nghiêm túc. Kỷ luật của Đảng phải nghiêm minh. Công tác kiểm tra của Đảng phải chặt chẽ...
Mỗi cán bộ, đảng viên phải đặt lợi ích của Cách mạng, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết.
Phải kiên quyết “Quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng”.
Đó là cách thiết thực để kỷ niệm ngày thành lập Đảng ta, Đảng vĩ đại của giai cấp công nhân và nhân dân anh hùng của chúng ta”.
Bài báo của Bác đã tròn 30 năm, nhưng những lời dạy của Bác vẫn là phương hướng phấn đấu đối với toàn Đảng, toàn dân, và toàn quân ta hiện nay, để “Giữ gìn Đảng ta thật trong sạch”, để “Xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.
(Vũ Kỳ, Báo Nhân Dân, ngày 30/01/1999)
(Nguyên nhân làm suy thoái đạo đức của cán bộ đảng viên, đều bắt nguồn từ “căn bệnh cá nhân chủ nghĩa” bệnh của những căn bệnh. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “...còn có một số ít cán bộ, đảng viên mà đạo đức, phẩm chất còn thấp kém. Họ mang nặng chủ nghĩa cá nhân, việc gì cũng nghĩ đến lợi ích riêng của mình trước hết. Họ không lo “mình vì mọi người” mà chỉ muốn “mọi người vì mình”.
Chủ nghĩa cá nhân là nguồn gốc dẫn đến nhiều sai lầm, khuyết điểm. Nó khiến cho con người ta ngại gian khổ, khó khăn; sa vào tham ô, hủ hoá, lãng phí, xa hoa; tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành; tự cao tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền; xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu, mệnh lệnh; thiếu tinh thần cố gắng vươn lên, không chịu học tập để tiến bộ. Chủ nghĩa cá nhân còn gây ra tình trạng mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, thiếu tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, phương hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân. Chủ nghĩa các nhân còn tồn tại thì tổ chức sẽ luôn còn tồn tại khuyết điểm và suy yếu.
Qua câu chuyện trên ta cũng học được ở Bác sự vận dụng đầy tính kỷ luật trong việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ. -Vì cả hai chú đã đề nghị, là đa số, Bác đồng ý nhượng bộ đổi lại tên đầu bài: “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”.)