Vào một đêm mùa thu năm 1948, tại rừng Việt Bắc, Bác rời khỏi lán làm việc ra sân tìm tôi và nói:
- Chú cho tập hợp anh em trong đội tới đây, Bác có ý kiến.
Năm phút sau anh em chúng tôi đã có mặt, truyện trò rôm rả quây quần quanh Bác. Để cho anh em thoải mái, rồi Bác giơ hai tay:
- Các chú trật tự, ngồi xuống, Bác có ý kiến. Mọi người ngồi quanh Bác thành một vòng tròn có đường kính khoảng 4 mét. Bác đứng giữa nói:
- Quân ta còn yếu hơn quân địch. Vì nước Pháp có một nền công nghiệp đã gần 200 năm, còn nước ta là một nước thuộc địa nửa phong kiến với nền nông lạc hậu nên không có máy bay, xe bọc thép, súng lớn như quân địch. Muốn đánh thắng địch ta phải tận dụng cách đánh giặc của ông cha ta ''ít địch nhiều, yếu đánh mạnh''.
Bác bảo tôi và Kháng ngồi vào trong vòng tròn để làm làm ví dụ.
- Giả dụ chú Trường và chú Kháng ngồi kia là quân địch, Bác là quân ta, như vậy quân địch đông hơn quân ta gấp đôi. Nếu đánh vào phía trước quân địch thì quân ta bị tiêu diệt, chỉ còn cách đánh phía sườn và phía sau lưng, nhưng chỉ đánh một, làm sao cho quân địch không ứng cứu dược cho nhau.
Nói đoạn, Bác dùng một thế võ “tấn công” phía sườn phải của tôi, quật tôi ngã ngửa ra mà anh Kháng ngồi sát bên cạnh cũng không kịp đỡ. Anh em vỗ tay cười khoái trá và tỏ ra hiểu bài.
Đến ví dụ về ''yếu đánh mạnh'', Bác cho tôi về chỗ , còn lại anh Kháng là một thanh niên to khỏe, lực lưỡng, rồi Bác nói:
- Bác yếu hơn chú Kháng nhiều, nếu cứ cân sức thì Bác thua, nhưng nếu Bác lợi dụng những chỗ sơ hở của chú Kháng thì Bác sẽ vật ngã chú Kháng. Nói rồi hai tay Bác bá vai anh Kháng . Trong tư thế đô vật, anh Kháng cũng làm theo. Cũng đẩy tới đẩy lui đến hai ba phút, khi anh Kháng bước chân phải lên chống đỡ, Bác liền kéo mạnh rồi bỏ tay khỏi vai anh Kháng mà cầm chân phải lôi mạnh, anh Kháng ngã ngửa, anh em lại được một trận vỗ tay và cười khoái trá.
(Theo: Hồ Vũ ghi theo lời kể của Ma Văn Trường trong Bác Hồ với chiến sĩ, tập 2, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội 2001)
(Tư duy quân sự Hồ Chí Minh hàm chứa sâu sắc tư tưởng quân sự truyền thống của dân tộc ta: Lấy ít địch nhiều, lấy nhỏ đánh lớn, lấy chất lượng cao thắng số lượng đông. Biết đánh bằng mọi lực lượng, mọi quy mô, bằng mọi thứ vũ khí có trong tay. Theo Người, đó là nghệ thuật tạo lực, lập thế, tranh thời, biết đánh địch bằng mưu, thắng địch bằng thế. Trong tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh, tạo lực phải đi đôi với lập thế, bởi thế và lực có mối quan hệ khăng khít. Nếu chỉ có lực không thôi thì chưa đủ, mà còn phải có thế thì mới phát huy được tác dụng của lực. Trong chiến tranh cũng vậy, chỉ có lực mà không có thế, thì cũng không thể đánh thắng được quân địch. Thế trong nghệ thuật quân sự là tình thế, thế nước, thế trận chiến tranh, thế bố trí lực lượng gắn với địa hình và điều kiện địa lý nhất định Như vậy, muốn đánh địch phải có thế và được thế tốt thì một lực lượng quân sự dù nhỏ hơn, vũ khí, kỹ thuật ít và kém hiện đại nhưng vẫn có thể ít biến thành nhiều, nhỏ biến thành lớn và nhất định giành thắng lợi.)