Sau khi ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Bác rời Vạn Phúc. Từ đây Bác theo đường Sơn Tây sang Phú Thọ rồi sang Tuyên Quang trở về chiến khu Tân Trào. Trên đường về lại chiến khu, bất kỳ đến địa điểm nào Bác cũng nhắc các đồng chí trong cơ quan hai việc quan trọng: giữ bí mật và công tác dân vận, trong đó có công tác tuyên truyền chủ trương kháng chiến. Do trình độ dân trí không đều nên mỗi lần đến đâu Bác đều dặn dò rất kỹ và mỗi lần như thế Bác dặn trước anh em chuẩn bị trước câu hỏi rồi tự trả lời.
Bác dặn: "Đồng bào hỏi gì nếu biết đến đâu thì chú nói đến đấy. Không được nói lung tung, tuyệt đối không được nói bừa, nói ẩu. Chỗ nào không hiểu thì nói là sẽ trao đổi rồi trả lời sau."
Đúng như Bác dự đoán, đồng bào hỏi rất nhiều, trong đó có câu hỏi: "Bao giờ kháng chiến thành công và trường kỳ kháng chiến đến bao giờ?", anh em không trả lời được về hỏi Bác, Bác chỉ một đồng chí:
Chú có biết khoai lang từ lúc trồng đến lúc thu hoạch bao lâu?
- Dạ khoảng từ 3 tháng trở lên ạ
Còn trồng lúa bao lâu thì gặt? - Một đồng chí khác đứng lên thưa:
- Dạ lâu hơn trồng khoai ạ
Thấy khoai, lúa từ từ mà lớn, sốt ruột mà lôi nó lên cao được không?
- Thưa Bác thế nó đứt rễ chết mất ạ!
Nghe đến đây, Bác cười bảo: Các chú nên nhớ rằng đồng bào ta chủ yếu là nông dân, phải lấy hình ảnh cụ thể để đồng bào ta dễ hiểu, chứ cứ giải thích là chủ quan, khách quan, tình thế với thời cơ thì không ai hiểu đâu.
Nghe Bác nói mọi người vỡ nhẽ ra. Một câu hỏi dù khó đến đâu Bác cũng tìm được câu trả lời đơn giản dễ hiểu.
(Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định tuyên truyền là công cụ quan trọng để tạo ra lực lượng mới hùng mạnh cho cách mạng nên Người rất quan tâm đến việc làm tốt công tác tuyên truyền. Bác quan niệm tuyên truyền cách mạng là một hoạt động thống nhất trên ba mặt: Thứ nhất là nhận thức về mục đích và vai trò của tuyên truyền. Thứ hai là phương pháp tuyên truyền. Thứ ba là yêu cầu đối với người làm công tác tuyên truyền. Cả ba mặt luôn luôn thống nhất với nhau, liên hệ tác động qua lại lẫn nhau, trong đó nhận thức mục đích đóng vai trò chủ đạo, chi phối trực tiếp đến mọi phương pháp tuyên truyền. Quá trình từ nhận thức đến phương pháp tuyên truyền đều thông qua con người cụ thể, do đó, người tuyên truyền là yếu tố có ý nghĩa quyết định.
Qua câu chuyện trên, ta học được ở Bác ý thức nêu cao tinh thần trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên, đó là khi được cấp trên giao cho việc gì, bất kỳ to hay nhỏ, khó hay dễ, cũng phải đưa cả tinh thần làm cho đến nơi đến chốn, vượt qua khó khănlàm cho thành công. Theo Bác “Tuyên truyền là đem một việc gì nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm. Nếu không đạt được mục đích đó, là tuyên truyền thất bại”. Nói đến lực lượng làm công tác tuyên truyền, theo Bác: “Tất cả cán bộ, đảng viên, hễ những người tiếp xúc với dân chúng đều là người tuyên truyền của Đảng. Vì vậy, ai cũng phải học nói, nhất là học nói cho quần chúng hiểu”.
Công tác tuyên giáo của Đảng nói chung, công tác tư tưởng nói riêng luôn giữ một vị trí quan trọng. Nhiệm vụ tuyên giáo được các cấp ủy Đảng xem như một vũ khí sắc bén trong sự nghiệp xây dựng Đảng và phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh.)