Năm 1945, sau khi nhân dân ta giành được độc lập, theo kế hoạch giải giáp quân đội Nhật đã đầu hàng, quân đội Tưởng lốc nhốc vào nước ta, đứng chân ở nhiều tỉnh lỵ, từ vĩ tuyến 16 trở ra Bắc.
Bác Hồ và Chính phủ đã chỉ thị phải hợp tác thành thật với họ, tránh khiêu khích để sinh ra lộn xộn, xung đột.
Tuy chỉ thị đã ban hành, nhưng “sợ” vẫn chưa chắc chắn, nên Bác đã triệu tập một số Chủ tịch tỉnh, thị xã Phú Thọ, Vĩnh Yên, Phú Yên, Bắc Giang, Sơn Tây, Lạng Sơn, cả Hà Nội vào Bắc Bộ phủ.
Các đại biểu được dịp báo cáo với Bác những hành vi ngang ngược, cướp của, tống tiền, dung túng cho bọn Việt Cách, Việt Quốc làm bậy, âm mưu lật đổ chính quyền, chiếm đóng một số nơi.
Bác nói:
- Họ nhân danh Đồng Minh vào nước ta tước vũ khí quân đội Nhật. Nếu ta để xảy ra chuyện gì đó, họ sẽ lấy cớ làm khó dễ cho ta…
Đại biểu Vĩnh Yên thưa:
- Thưa Bác, ta thì muốn hữu nghị hợp tác nhưng họ lại muốn cướp đất của ta…
Bác giơ tay:
- Bác hiểu. Ta hữu nghị vì họ có 500 triệu dân, mà ta mới có 20 triệu, họ có 4 triệu quân lính, mà ta mới đang xây dựng quân đội. Hữu nghị là hữu nghị như thế…
Không thấy ai phát biểu nữa, Bác nói:
- Các chú có thấy dân ta theo họ, hợp tác với họ không? Nếu dân ta không đứng về phía họ, thì ta dù có tạm thời không giữ được một ít nơi, nhưng vẫn không mất nước. Vì còn Dân thì còn Nước. Dân là gốc của Nước. Các chú phải làm sao để Dân tin tưởng vào Chính phủ, nghe lời Chính phủ, tuân theo chỉ thị của Trung ương. Chú nào làm sai, phải chịu kỷ luật… Chú nào có ý kiến gì không? - Bác dừng nói, chờ. Không thấy ai “có ý kiến” nữa, Bác “tuyên bố”: Giải tán hội nghị.
(Theo Nhớ lời Bác dạy, Nxb Lao Động, 2001)
(Điểm trung tâm của tư tưởng Hồ Chí Minh là con người, là nhân dân lao động trong nước và thế giới, là dân tộc Việt Nam và cả loài người. Hồ Chí Minh dành tất cả tình thương yêu cho con người; dành tất cả ước mơ, hoài bão cho sự nghiệp giải phóng con người khỏi ách áp bức giai cấp, áp bức dân tộc, khỏi tình trạng nghèo nàn, lạc hậu, dốt nát; dành niềm khát vọng cho mọi người được ấm no, tự do, hạnh phúc. Nhân dân, con người trong tư tưởng, tình cảm Hồ Chí Minh không chung chung, trừu tượng mà rất cụ thể. Đó là người nông dân, người công nhân, nhà trí thức, các chiến sĩ bộ đội, công an, các cháu thanh niên, phụ nữ, thiếu nhi, học sinh, sinh viên, các bậc phụ lão, đồng bào các dân tộc, tôn giáo, kiều bào ta ở nước ngoài... Hồ Chí Minh cho rằng, tất cả đều là nhân dân và dưới bầu trời này, không gì quý bằng nhân dân. Tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của nhân dân trong sự nghiệp cách mạng nước ta có nội dung rộng lớn, sâu sắc và luôn luôn mới, đầy sáng tạo. Tư tưởng ấy giúp chúng ta tìm thấy sức mạnh trong công việc của mình, dù ở bất cứ lĩnh vực nào, nếu biết dựa vào dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thật sự tôn trọng và học hỏi dân thì nhất định sẽ thành công.)