Nói chuyện với hội nghị lần này, Bác không khen về mặt chiến đấu. Mở đầu, Bác khen “các chú đã nêu cao tinh thần phê bình và tự phê bình và Bác nêu lên các chú tự phê bình và phê bình một cách thành thực hơn nữa, để hội nghị có kết quả nhiều”. Tôi chú ý đến hai cách đặt vấn đề của Bác, khi khen thì nói “đã nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình ”, đến khi yêu cầu, Bác lại nói phải “tự phê bình và phê bình”. Và quả nhiên khi nêu lên từng điểm nhắc nhở, Bác đã nói rõ dụng ý đó. Bác nói:
Các chú ai cũng có cái khăn mặt. Các chú phong lưu hơn lại có thêm miếng xà phòng. Khăn mặt và xà phòng dùng để tắm rửa cho sạch. Về tinh thần tư tưởng cũng phải có khăn mặt và xà phòng để rửa cho sạch, nghĩa là phải phê bình và tự phê bình. Trước ta nói phê bình và tự phê bình, bây giờ phải nói tự phê bình và phê bình. Nói như thế là chú trọng phê bình mình trước, phê bình người sau, phê bình mình là chính, phê bình người là phụ. Có đề cao tự phê bình và triệt để tự phê bình mới tẩy rửa được tinh thần và tư tưởng cho thật sạch. Tự phê bình và phê bình để thống nhất tư tưởng. Tư tưởng có thống nhất, hành động mới thống nhất. Tư tưởng và hành động có thống nhất mới đánh thắng được giặc.
Tôi giật mình. Như thế là Bác biết tất cả rồi. Trong bài nói chuyện, Bác cũng nhắc đến tình đoàn kết thương yêu của cán bộ đối với chiến sỹ: “bộ đội chưa ăn cơm, cán bộ không được kêu mình đói. Bộ đội chưa đủ áo mặc, cán bộ không được kê mình rét. Bộ đội chưa đủ chỗ ở cán bộ không được kêu mình mệt”.
Rồi Bác nói đối với nhân dân “Mình đánh giặc là vì nhân dân. Nhưng mình không phải là cứu tinh của nhân dân mà mình có trách nhiệm phục vụ nhân dân. Bác nói tất cả bốn điều. Nhưng tôi thấy những tiếng “phê bình mình trước, phê bình mình là chính ” cứ như xoáy vào tâm tư. Bởi xem xét lại mình tôi thấy trong hội nghị, tôi có nói nhiều và nhấn mạnh vấn đề chọn hướng chiến dịch sai mà không nghiêm khắc kiểm điểm phần chỉ huy sư đoàn của mình. Thật ra nếu kế hoạch tác chiến của người chỉ huy bên dưới mà thật sự sắc sảo vẫn đem lại hiệu quả chiến đấu cao hơn và hạn chế được thiệt hại chung. Mà đúng là bên dưới cũng thiếu sót nhiều như tôi đã kể ở trên. Tôi rất lo nếu Bác lại nhắc đến mình.
Và chuyện đó đã đến thật. Buổi tối trước khi ăn cơm liên hoan với hội nghị, Bác gọi riêng tôi đến bên rồi hỏi rất ôn tồn :
-Chú Tấn ! Chú đã rửa mặt chưa ?
Tôi hiểu ngay định thành thật thưa với Bác về những thiếu sót của mình thì Bác đã nói ngay :
-Khi làm điều gì không đúng như người bị cái vêt nhơ trên mặt thì phải rửa mới sạch. Tự phê bình cái sai của mình trong mỗi việc làm, mỗi trận đánh giống như rửa mặt hàng ngày cho sạch vết nhơ. Chú đã biết rửa mặt chưa ?
- Thưa Bác, cháu rửa rồi
Khi trả lời cháu rửa rồi ấy là khi tôi nghĩ ngay đến những thiếu sót của chính mình. Đáng lẽ ở hội nghị, tôi không nên chỉ nói phần trách nhiệm của Bộ về chọn hướng chiến dịch. Trước hết phải kiểm điểm phần trách nhiệm cảu mình cong những sai sót gì.mà đúng là còn không ít sai sót trong khi thực hiện kế hoạch tác chiến như pháo hành quân đánh Mạo Khê bị lạc đường, rồi nắm địch ở Mạo Khê không chắc,vv..
Sau đấy, anh Võ Nguyên Giáp gặp riêng tôi động viên. Anh nói
- Qua lần này rồi anh sẽ trưởng thành đấy !
Đúng, với tôi đây là bước ngoặt về tư tưởng. Lời dạy bảo nghiêm khắc nhưng ân cần của Bác đã là bài học sâu sắc. suốt đời tôi, sau mỗi việc việc làm, mỗi trận đánh, tôi lại ngẫm nghĩ điều Bác dạy, thường xuyên tự phê bình như rửa mặt hàng ngày cho khỏi vết nhơ, để luôn tiến bộ.
(Theo lời kể của Đại tướng Lê Trọng Tấn, cuốn Bác Hồ sống mãi với chúng ta, tập 2, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2005).
(Tự phê bình và phê bình được Hồ Chí Minh coi là nguyên tắc sinh hoạt Đảng và là quy luật phát triển của Đảng, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, uy tín của tổ chức đảng, của đội ngũ cán bộ, đảng viên, thiết thực xây dựng và chỉnh đốn Đảng, để Đảng ta luôn trong sạch, vững mạnh. Theo Người, “Tự phê bình là nêu ưu điểm và vạch khuyết điểm của mình. Phê bình là nêu ưu điểm và vạch khuyết điểm của đồng chí mình. Tự phê bình và phê bình phải đi đôi với nhau”, trong đó, Bác thường đặt tự phê bình lên trước phê bình. Bởi vì, Người cho rằng: mỗi đảng viên trước hết thấy rõ mình trước để phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm, giống như phải tự soi gương rửa mặt hàng ngày; mình có tự phê bình tốt thì mới phê bình những người khác tốt được. Ở khía cạnh khác, Hồ Chí Minh coi tự phê bình cũng chính là phê bình, là tự tách mình ra khỏi mình để nhìn lại mình, rồi qua đó, thấy được ưu điểm để phát huy và khuyết điểm để sửa chữa. Còn phê bình cũng lại là tự phê bình, bởi qua phê bình đồng chí mình mà mỗi cán bộ, đảng viên tự nhìn lại mình một cách đầy đủ hơn.
Tự phê bình và phê bình theo tư tưởng của Bác là phải làm thường xuyên, liên tục, nghiêm túc trong các buổi sinh hoạt đảng, phải chú ý cả ưu điểm và khuyết điểm, phải kết hợp chặt chẽ cả hai mặt tự phê bình và phê bình. Đó là biện pháp quan trọng tăng cường đoàn kết thống nhất trong Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng. Tự phê bình và phê bình là nhu cầu nội tại của tổ chức đảng và đảng viên. Song sử dụng nó phải đúng mục đích thì mới có tác dụng, hiệu quả cao. Nếu sử dụng không đúng mục đích thì dù đó là vũ khí sắc bén cũng không tiêu diệt được kẻ thù, là “thần dược” cũng không trị được bệnh. Theo Hồ Chí Minh, mục đích của tự phê bình và phê bình là: Đối với tổ chức, “cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn. Cốt để đoàn kết và thống nhất nội bộ”; “để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất trong Đảng”. Nếu đoàn kết làm nên sức mạnh của Đảng thì tự phê bình và phê bình được coi là cội nguồn sức mạnh bậc nhất của Đảng. Đối với các đảng viên, “một mặt là để sửa chữa cho nhau, một mặt là để khuyến khích nhau, bắt chước nhau”; “là cho mọi người học lẫn ưu điểm của nhau và giúp nhau chữa những khuyết điểm”.)