Chúng tôi ở trong đội tự vệ và được phân công nhiệm vụ bảo vệ Bác. Lần ấy, vào một đêm rất tối trời, Bác giả làm ông thầy cúng, đi bộ từ chiến khu Lam Sơn lên đến Pắc Bó, vừa đúng hai giờ sáng. Bác chỉ chợp mắt một lát rồi dậy ngay. Thấy tôi và anh Dương Đại Phong, anh ruột tôi, đang lúi húi đun bếp, Bác lại gần nhẹ nhàng mở vung nồi cơm ra và hỏi:
- Sao nấu ít cơm thế này, các chú?
Tôi nhanh nhẹn đáp:
- Thưa Bác, cơm rét hôm qua còn nhiều ạ!
Nghe tôi trả lời, vẻ mặt của Bác tự nhiên trở nên đăm chiêu suy nghĩ. Tôi hơi chột dạ. Sau khi tập thể dục xong. Bác lại hỏi chúng tôi.
- Các chú ở đây có học hành gì không?
- Dạ, thưa Bác lớp học ở xa quá. Ở đây chỉ có hai anh em chúng cháu, không ai biết chữ nên không ai dạy được nhau ạ.
Bác ôn tồn giải thích:
- Các chú phải tìm cách mà học. Bây giờ, ta chuẩn bị cướp chính quyền thì lại càng phải học. ban nãy, Bác nghe chú nói cơm rét, như thế là không đúng. Phải nói là cơm nguội mới đúng! Có học thì mới có hiểu biết, hiểu biết từ việc nhỏ cho chí việc lớn. Có hiểu biết thì mới làm cách mạng được.
Ra thế! Vẻ mặt Bác kém vui chính vì chúng tôi còn chậm hiểu biết, vì chúng tôi chưa chịu khó học để hiểu biết như điều Bác vẫn thường mong muốn, đúng hơn là Bác vẫn thường đòi hỏi rất cao ở mỗi đồng chí chúng ta. Thời gian sống ở Pắc Bó, thỉnh thoảng Bác vẫn đi lại với cha tôi. Hai người thường dùng chữ nho, xướng họa thơ văn với nhau hết sức tương đắc. Anh em chúng tôi, chữ nho đã không hiểu, chữ quốc ngữ lại càng xa lạ. Bác gọi hai chúng tôi đến và bảo:
- Bây giờ Bác sẽ bắt đầu dạy các chú học chữ. Nào ngồi xuống đây!
Chúng tôi ngồi xuống bên cạnh Bác. Bác lấy một hòn cuội viết lên mặt đá chữ a rồi Bác đọc trước để chúng tôi đọc theo sau. Bác viết tiếp chữ I bên cạnh chữ a rồi lại đọc: a, i… ai. Dạy được một chữ, Bác lại dạy câu: Ai đi xuống làng? Bác đọc cả câu, chúng tôi lại đọc tiếp theo. Đọc được vài lần chợt Bác hỏi:
- Thế… nếu Bác xuống làng thì các chú có đồng ý không?
Chúng tôi giật mình, thưa với Bác:
- Không ạ. Có việc gì cần để chúng cháu đi thay ạ.
Bác tìm cách pha trò cho vui đó thôi! Bác kiên trì dạy chúng tôi ngày này qua ngày khác. Dạy chữ học thường rồi lại dạy chữ hoa. Học chữ hoa khó hơn, chúng tôi rất ngại. Bác trực tiếp viết các chữ cái hoa và chỉ vẽ cho chúng tôi cặn kẽ từng đường nét. Bác hỏi: “Đấy, các chú xem, chữ viết hoa và chữ không viết hoa, chữ nào đẹp hơn?” Bác nhìn hai chúng tôi hồi lâu rồi nói:
- Việc gì cũng vậy, lúc đầu thường hay khó khăn, các chú phải có quyết tâm. Bác quyết tâm dạy, các chú cũng quyết tâm học, tự khắc sẽ giỏi!
Bác còn dặn tôi: những lúc đi công tác với đồng chí Hoàng Sâm thì nhờ đồng chí ấy kèm cặp thêm. Mỗi lần dạy chúng tôi học xong một bài, Bác đều không quên viết vào giấy cho chúng tôi một bài mới và nhắc lại một điều:
- Nếu xuống làng thì các chú nhớ là phải hủy mảnh giấy này đi. Mang theo bên người, nhỡ bỏ quên đâu đó tức là các chú làm lộ bí mật của Đảng. Ta là đảng viên, hội viên, tức là người của Đảng. Bố mẹ mình đẻ ra nhưng lý tưởng và thân thể mình là thuộc về Đảng. Bởi vậy, kỷ luật của Đảng là phải tuyệt đối đảm bảo bí mật!
Bác đúng là một người thầy, hiểu theo nghĩa hẹp và nghĩa rộng của từ ấy. Bác nói với chúng tôi những điều thật gần gũi và thân thiết “Chúng ta phải đoàn kết, đoàn kết các dân tộc anh em. Đoàn kết để làm gì? Để đánh Tây và đánh Nhật”. Bác nói về Liên Xô, nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới, mọi người dân đều được quyền ăn, nói, tự do đi lại, học hành, không có kẻ giàu, người nghèo. Ta phải cố gắng làm cho mỗi người dân Việt Nam đều được sống sung sướng như nhân dân Liên Xô…
Đất trời trước mắt chúng tôi như rạng rỡ thêm ra. Chúng tôi bồi hồi nhớ lại một bài học Bác vừa dạy.
Nước ta hình chữ S
Một bán đảo rất xinh
Trên bờ bể Thái Bình
Tại Đông nam châu Á
Tính bình phương cây số
Có 30 vạn hơn
Ngót 20 triệu dân
Sống trong miền nhiệt đới…
Bác sinh hoạt khá kham khổ nhưng tầm suy nghĩ của Bác mới rộng lớn làm sao! Có bữa hết gạo, Bác phải ăn toàn ngô hạt. Thức ăn là một bác canh bí hoặc rau rừng. Kiếm được ít thịt, cách mạng tháng Mười, Bác trộn vào một nửa là muối và băm lẫn với ớt, đựng trong ống nứa ăn dần. Đồng bào gửi rau lên cho Bác, Bác không nhận. Bác phải vật lá ổi thay chè nấu nước uống. Đêm đến Bác ngủ trong hang đá lạnh. Đồng bào gửi chăn lên cho Bác đắp, Bác từ chối và giải thíc: “Ở rừng, nếu có rét đã có củi sưởi, không lo. Dùng chăn nhỡ có động, không giấu vào đâu được, sẽ lộ bí mật”. Một vài đồng chí ngủ cạnh Bác, khuya khuya vẫn được nghe Bác ngâm Kiều, đọc Cung oán ngâm khúc và bình giảng những cái hay, cái đẹp trong những áng văn xưa. Thấy Bác làm việc nhiều, hàng ngày lại lo dạy cán bộ học, chúng tôi rất ái ngại cho sức khỏe của Bác. Bác làm việc rất đúng giờ và giữ nguyên tắc lắm. Chẳng may chúng tôi trót sai hẹn với Bác đến muộn là thế nào cũng bị Bác phê bình.
- Các chú tính xem, mỗi người đi chậm vài phút, mười người sẽ làm lãng phí bao nhiêu thời gian? Người cách mạng thì phải biết tự rèn luyện, tự khép mình vào kỷ luật.
Có hôm, vì mãi lo cho công việc, chúng tôi quên khuấy chuyện học. Thấy sắp đến giờ học mà chúng tôi chuẩn bị đi đâu đó, Bác hỏi chặn ngay:
- Các chú định đi à? Phải học đã chứ. Bài hôm qua đã thuộc chưa? Lại đây, Bác kiểm tra nào!
Trong những ngày được Bác dạy học, chúng tôi cũng đã được Bác cho đi tàu bay mấy lần. Chúng tôi tự nhủ: phải cố gắng hơn nữa để khỏi phụ lòng Bác. Tuy nhiên, cũng có lần chúng tôi đã làm Bác phật ý: chúng tôi không thuộc bài! Ngay cả những lúc ấy, vẻ mặt của Bác vẫn bình tĩnh và từng lời nói của Bác lại ấm cúng và thắm thía hơn khi nào hết:
- Bác đã mất công dạy thì các chú phải để tâm mà học. Đi đường cũng có thể nhẩm bài học trong đầu được. Hàng ngày Bác dịch sách, đọc báo, gặp chữ nào khó, Bác thường suy nghĩ rất lâu. Khi nằm, Bác không ngủ ngay đâu. Bác cứ lấy tay viết mò những chữ khó đó xuống dưới chăn cho kỳ nhớ mới thôi. Như thế là Bác đã học thêm được vài từ mới. Còn các chú thì chưa đặt lưng xuống đã ngáy rồi!...
(Tháng 10/1969 Nguyễn Văn Toại ghi Theo lời kể của các đồng chí: Cao Hồng Lãnh, Dương Đại Long, Nông Thị Trưng, Viết Dân, Dương Đại Phong, Bảo An. Chúng ta có Bác Hồ, Nxb. Lao Động, 2001)