Để chuẩn bị lực lượng giành chính quyền, Đảng ta chủ trương thành lập trường đào tạo cán bộ quân sự và chính trị tại chiến khu Tân Trào. Trường được đặt tên là Trường Quân chính kháng Nhật. Khóa học đầu tiên khai giảng vào cuối tháng 4 năm 1945.
Sau cách mạng tháng Tám, trường chuyển về Thông (Sơn Tây), lấy tên là Trường Huấn luyện cán bộ và bắt tay vào đào tạo khóa 6. Một thời gian sau trường đổi tên thành Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn.
Đầu năm 1946, Bác đến thăm trường. Cả trường ùa ra đón vị cha già của dân tộc. Xe đỗ từ xa, Bác xuống đi bộ cùng với các đồng chí phụ trách trường và một số cán bộ đi theo. Người vào thăm nhà bếp, nhà ăn, khu vệ sinh, các phòng ở của học viên, rồi mới đến hội trường nói chuyện. Học viên của trường lúc này gồm nhiều cán bộ hoạt động bí mật có thành tích ở khắp cả ba miền đất nước, cũng có một số học viên còn trẻ tuổi, mới tham gia công tác sau khi cách mạng thành công. Đa số học viên đều chưa rõ lãnh tụ Hồ Chí Minh có phải là nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc không. Vì vậy, khi Bác đến thăm trường, nhiều người muốn nhân cơ hội này thỏa mãn nỗi thắc thỏm đó.
Sau khi nói chuyện với bạn bộ và học viên, Bác ra xe đi về. Đó là cơ hội tốt để các học viên nhìn Bác cho rõ. Rất nhiều người chìa sổ tay ghi chép của mình ra xin chữ ký của Bác để làm kỷ niệm. Lúc đầu còn ít sổ, trước ký tên, Bác viết thêm dòng chữ như: “Cố gắng học tốt”. “Chăm chỉ học tập và rèn luyện”, “Học đi đôi với hành”,… Về sau ai cũng chìa sổ ra Bác chỉ còn đủ thời gian ký tên. Khi cuốn sổ cuối cùng được Bác ký xong, thì thấy có một người đứng cạnh Bác, hỏi:
- Thưa cụ, cháu chưa rõ Cụ là ai. Có phải Cụ chính là Nguyễn Ái Quốc không ạ?
Bác cười độ lượng và cất giọng dịu hiền:
- Xin các bạn nhớ cho, lúc nào và bao giờ tôi cũng là… người yêu nước.
(Theo Chuyện kể về Bác Hồ, NXB Giáo dục Việt Nam)