Hồi ấy, sau Cách mạng Tháng Tám, công nhân viên, viên chức hỏa xa Quảng Ngãi đang tích cực nghiên cứu, sửa chữa, sản xuất súng đạn để bảo vệ chính quyền. Tỉnh ủy thấy tôi là công nhân biết chuyên môn, lại vừa mới an trí ở Đắc Tô về nên cử tôi ra Bắc tìm mua dụng cụ, máy móc để xây dựng công binh xưởng. Ra Hà Nội, tôi tìm đến nhà anh Lê Văn Hiến, trước là bạn tù, bấy giờ giữ chức Bộ trưởng Bộ Lao động trong Chính phủ lâm thời, đặt vấn đề giúp đỡ. Ngủ qua đêm tại nhà anh, sáng hôm sau, tôi được anh cho biết điều tôi chưa bao giờ ngờ tới: được gặp Bác Hồ! Tôi tưởng mình đang nằm mơ. Tôi vô cùng xúc động, bồi hồi xen lẫn niềm vui sướng, phấn khởi tột cùng. Thật khó diễn tả tâm trạng tôi lúc ấy một cách chính xác.
Khoảng 7 giờ sáng, anh Hiến đưa tôi đến Bắc Bộ phủ. Chúng tôi đứng trên gác chờ. Ít phút sau, một chiếc ôtô chở Bác tới. Từ trong xe, Bác bước ra, đi sau là cố vấn Vĩnh Thụy.
Bác mặc bộ quần áo kaki giản dị, chân mang giày vải, tay chống cây gậy mây.
Qua lời giới thiệu của anh Hiến, Bác thân mật bắt tay tôi. Tôi có cảm nhận bàn tay Người rất ấm, cử chỉ Người rất ân cần, niềm nở. Bác hỏi:
- Chú làm gì?
- Thưa Bác, cháu làm Chủ tịch công nhân hỏa xa Quảng Ngãi. Cháu được Tỉnh ủy giao nhiệm vụ ra đây mua nguyên vật liệu, máy móc về để chế tạo vũ khí, xây dựng công binh xưởng.
- Chú có làm quan cách mạng không?
Câu hỏi quá bất ngờ. Tôi chẳng biết thế nào là quan cách mạng. Từ nhỏ lớn lên đi học nghề, rồi tham gia hoạt động, tôi chưa hề nghe ai nói những từ ấy. Một ý nghĩ diễn ra trong đầu: “Do mình thôi. Sao không nói là công nhân mà xưng Chủ tịch…”. Thấy tôi lúng túng, Bác giải thích:
- Chú không biết làm quan cách mạng à? Làm quan cách mạng, ví dụ như làm chủ tịch. Có ông chủ tịch thì có bà chủ tịch như các quan lại ngày xưa xưng là ông lớn, bà lớn, con trai gọi là cậu ấm, con gái gọi là cô chiêu. Chúng cậy quyền, cậy thế hà hiếp áp bức, bóc lột nhân dân.
Rồi Bác quay sang anh Hiến:
- Trong chúng ta có người trước đây làm cách mạng, dựa vào dân, được dân chở che, bảo vệ hoạt động. Đến khi giành được chính quyền rồi, có chức, có quyền lại xa rời dân, quan liêu, mệnh lệnh, hách dịch…
Bỗng Bác nhấc cây gậy đang chống lên khỏi mặt đất hỏi tôi:
- Chú có đứng được như thế này không?
Vì quá xúc động, tôi bối rối chưa kịp trả lời, Bác hỏi dồn:
- Có được không?
- Thưa Bác, không được ạ.
- À, không được, không được thì phải dựa vào dân. Còn ngược lại, chúng ta sẽ không làm cách mạng được đâu. Muốn dân ủng hộ, phải làm cho dân tin, dân phục, dân yêu.
Liền đó, Người kết luận:
- Nãy giờ tôi nói, không phải ý chỉ mình chú, mà muốn nói chung là không được làm quan cách mạng.
Tôi thở phào nhẹ nhõm vì trút đi bao nỗi băn khoăn, lo lắng.
Ngừng một lát, Người nói tiếp:
- Lúc nào chú về, ngang qua các tỉnh, gặp anh em chú nói Bác gửi lời hỏi thăm và Bác khuyên không nên làm quan cách mạng. Đoạn Bác bắt tay nồng nhiệt, trìu mến như lúc đầu.
(Hà Văn Tính kể - Trích: Bác Hồ với đất Quảng, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội,2000)